Quảng Bình:
Lao động miền núi thu gần 1 triệu đồng/buổi nhờ cây sim
(Dân trí) - Đến mùa thu hoạch, những cây sim ở xã miền núi Cao Quảng trồng đã mang lại cho người trồng nguồn thu nhập không nhỏ. Mỗi buổi sáng lên đồi sim, một lao động cũng kiếm được gần 1 triệu đồng.
Bước đệm từ dự án vì người nghèo
Những ngày này, tại xã miền núi Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), người dân đang bước vào những ngày chính vụ thu hoạch sim. Từ sáng sớm, người trồng sim đã í ới gọi nhau lên đồi, sau 2 tiếng đồng hồ, họ trở về với những giỏ sim đầy ắp và được thu mua hết ngay dưới chân đồi.
Số sim vừa thu hoạch không phải là sim tự nhiên mà là thành quả sau nhiều năm trồng và chăm bón của người dân địa phương.
Mô hình trồng sim lấy quả tại xã Cao Quảng được Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình (SRDP) hỗ trợ xây dựng trên diện tích gần 14 ha đất gò đồi vào năm 2017.
Dự án này đã hỗ trợ người dân đi tập huấn kinh nghiệm về cây trồng, hỗ trợ vay vốn với mục tiêu đầu tư vào các mô hình phát triển nông thôn có khả năng sinh lợi, công bằng xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án có tác dụng thúc đẩy các mối liên kết thị trường và chuỗi giá trị vì người nghèo đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh trong kinh doanh ở nông thôn.
Sau 3 năm triển khai, mô hình trồng sim tại xã Cao Quảng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân giảm nghèo bền vững. Với sự hỗ trợ của dự án SRDP, xã Cao Quảng đã thành lập 3 tổ hợp tác trồng sim với 50 hộ gia đình tham gia. Cây sim phù hợp với đất đồi nên phát triển nhanh, sau 3 năm trồng đã phủ kín diện tích.
"Năm 2017 tôi được đi tập huấn về cây trồng, biết có dự án SRDP hỗ trợ vốn và thấy việc trồng sim mang lại hiệu quả cao nên tôi bàn bạc với chồng triển khai trồng sim. Sau 3 năm thì tôi và nhiều hộ dân đã khẳng định được việc lựa chọn trồng sim là đúng đắn và đang muốn tiếp tục mở rộng diện tích. Có được mô hình mang lại nguồn thu nhập này cũng nhờ vào dự án SRDP", ông Trần Ngọc Hải, một hộ dân trồng sim tâm sự.
Theo thống kê từ UBND xã Cao Quảng, tổng sản lượng sim quả thu hoạch mỗi năm của địa phương này ước tính trên 45 tấn. Giá sim quả hiện nay dao động từ 25.000-30.000 đồng/kg, với gần 15 ha sim trên địa bàn toàn xã, mỗi năm mang lại nguồn thu trên 1 tỷ đồng.
Hái sim một buổi sáng, thu cả triệu đồng
Bà Nguyễn Thị Viên, trú thôn Sơn Thủy, xã Cao Quảng là một trong những hộ gia đình được hỗ trợ trồng sim. Bà có 3 sào với gần 1.500 gốc sim, mỗi vụ cũng thu hoạch được khoảng 1 tấn quả, thu về trên 20 triệu đồng.
"Cây sim ra quả và có thể thu hoạch liên tục từ giữa tháng 5 đến tháng 8, cứ 2 ngày là lên đồi hái sim một lần. Như thời điểm sim chín hiện nay, mỗi buổi sáng tôi hái được khoảng 4 yến, với giá 25.000 đồng/kg, mỗi ngày cũng có được gần 1 triệu đồng", bà Nguyễn Thị Viên cho biết.
Theo chia sẻ của một số người trồng sim, những ngày đầu triển khai, cây giống được người dân lấy từ trên núi, sau đó mang về trồng theo hàng, lối để chăm sóc. Cây sim là loại cây dễ trồng nhưng chỉ phù hợp với đất gò đồi, khi được chăm bón kỹ lưỡng thì sẽ cho quả rất nhiều, đây cũng là loài cây ít sâu bệnh.
"Trồng sim nhàn mà hiệu quả thì ăn đứt trồng lúa với keo. Sim chưa vào vụ đã được đặt mua hết, hái đến đâu người ta thu mua hết đến đó. Sáng nay tôi cũng thu được gần 5 yến và đã có người đặt mua rồi", bà Nguyễn Thị Lý, một hộ trồng sim chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Thị Phương - Chủ tịch UBND xã Cao Quảng cũng khẳng định: "Hiệu quả từ cây sim mang lại rất rõ rệt, thời gian tới, xã Cao Quảng sẽ tiếp tục xem xét chuyển đổi một số diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng sim. Đồng thời khuyến khích người dân nhân rộng mô hình, mang lại nguồn thu nhập ổn định".
Theo bà Nguyễn Thị Phương, UBND xã Cao Quảng cũng đang từng bước nghiên cứu, phối hợp với các ban ngành để mô hình trồng sim tại địa phương phát triển bền vững nhất, tránh tình trạng phát triển ồ ạt. Chính quyền địa phương cũng sẽ nỗ lực để làm tốt vai trò cầu nối giữa người dân với doanh nghiệp, tạo thị trường, đầu ra ổn định cho sản phẩm.