1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lao động lấy 400.000 đồng từ nhà tuyển dụng "siêu lừa", lập tức bị dọa giết

Hoa Lê

(Dân trí) - Đang cần tìm việc, Ngọc Hà bất ngờ nhận cuộc gọi của một đơn vị tự xưng có nhu cầu tuyển dụng lao động. Qua đó, chúng dẫn dụ chị vào bẫy lừa làm nhiệm vụ, nhận hoa hồng.

Cú ngược dòng với nhà tuyển dụng "siêu lừa"

Chuyện xảy ra từ tháng 4/2023, khi chị Vũ Thị Ngọc Hà (Hà Nội) đang tìm việc làm. Do có chuyên môn về lĩnh vực hành chính, nhân sự, chị tìm kiếm công việc về lĩnh vực này qua các trang mạng xã hội, cũng như đơn vị cung ứng việc làm.

Khi "khát việc", chị như "mở cờ trong bụng" khi được một công ty về lĩnh vực truyền thông liên hệ. Họ gửi thông tin tuyển dụng ở vị trí chị đang mong muốn, với mức lương cao nhất có thể lên đến 18 triệu đồng/tháng.

Lao động lấy 400.000 đồng từ nhà tuyển dụng siêu lừa, lập tức bị dọa giết - 1

Email mạo danh nhà tuyển dụng gửi đến ứng viên (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, trưởng phòng nhân sự của công ty có tên Thảo Ngân yêu cầu người lao động liên hệ qua Telegram (mạng xã hội) thay vì số điện thoại. Đến đây, chị Hà đã có chút nghi hoặc.

Cùng với đó, họ tiếp tục gửi đến email của người lao động này với nội dung sẽ thông báo kết quả buổi sơ tuyển online và sẽ hỗ trợ sắp xếp ứng viên vào chi nhánh gần nơi ở để thuận lợi làm việc.

"Sau nghi ngờ của mình, tôi cũng liên hệ với người bạn đang làm việc ở công ty đó. May thay, người bạn này xác nhận email và số điện thoại gửi đến tôi không phải là bộ phận tuyển dụng của công ty", chị Ngọc Hà cho hay.

Song, người lao động này không dừng lại, mà muốn tìm hiểu xem động cơ của đơn vị mạo danh. Họ bắt đầu liên hệ qua số điện thoại của chị qua tài khoản Telegram với nhiều nhiệm vụ được bày ra và sẽ được hưởng hoa hồng khi thực hiện nhiệm vụ đó.

Theo chị Hà, mỗi nhiệm vụ sẽ có trưởng nhóm hướng dẫn, mỗi nhóm nhỏ này có đến 10 tài khoản khác nhau. Họ sẽ gửi đề xuất cho mỗi nhiệm vụ, ứng viên sẽ phải chuyển tiền và được hoa hồng tương ứng.

Lao động lấy 400.000 đồng từ nhà tuyển dụng siêu lừa, lập tức bị dọa giết - 2

Chị Hà bị chúng mời ra khỏi nhóm sau khi lấy thành công 400.000 đồng hoa hồng (Ảnh: NVCC).

Điều đáng nói, mỗi nhiệm vụ lại có một người với vai trò trò chuyện, củng cố niềm tin của ứng viên với công ty.

Trước khi tham gia vào nhóm, chị nhận về tài khoản 150.000 đồng, đúng như lời hứa ban đầu.

Sau đó, chị dùng chính số tiền này tham gia nhiệm vụ, hoa hồng chị nhận về hơn 400.000 đồng, lợi nhuận gấp 2,5 lần số tiền ban đầu.

Sau khi nhận được số tiền trên, vì biết là đơn vị lừa đảo, chị Ngọc Hà dừng lại, không tiếp tục tham gia những thử thách tiếp theo.

Khoảng 1 tuần, chúng liên tục khủng bố vào số điện thoại chị đang dùng, dọa dẫm đến tận nhà để giết…

Đó là một trong những kỷ niệm chị Hà thấy đáng nhớ trong quá trình tìm việc của mình.

Chị nhận thấy hình thức lừa đảo bài bản, dễ dàng đánh vào tâm lý của những ứng viên cần tiền. Nếu người lao động nhẹ dạ, cả tin sẽ dễ mất tiền oan.

Qua trường hợp của mình, chị cũng khuyên người lao động khi tìm việc tỉnh táo, liên hệ đến email, số điện thoại của chính công ty để tránh rơi vào cái "bẫy" đã được giăng sẵn.

Gửi CV kèm mã độc

Hiện giờ, chị Ngọc Hà đang làm phòng hành chính nhân sự của một công ty tại Hà Nội. Trong quá trình làm đại diện nhà tuyển dụng, chị còn gặp trường hợp ứng viên có dấu hiệu lừa đảo.

Vì là nhà tuyển dụng công khai số điện thoại, nên chị nhận được tin nhắn của một ứng viên qua zalo, hỏi về vị trí marketing đang tuyển của công ty. Người lao động này có gửi cho chị một văn bản CV (đơn xin việc) rất lạ.

Lao động lấy 400.000 đồng từ nhà tuyển dụng siêu lừa, lập tức bị dọa giết - 3

Ứng viên gửi đơn xin việc kèm mã độc (Ảnh: NVCC)

Vì vị trí này công ty đang cần, song chị cũng cảnh giác nhờ nhân viên công nghệ thông tin kiểm tra. Hóa ra đây là văn bản kèm mã độc. Đây cũng là bài học chị thu lượm được trong quá trình làm nhân sự.

Mới đây, Công an TP Hà Nội thông báo, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động.

Trước tình hình diễn biến của loại tội phạm này, Công an TP Hà Nội đã liệt kê nhiều thủ đoạn mà tội phạm công nghệ cao sử dụng nhằm cảnh báo đến người dân.

Trong đó, có thủ đoạn đăng tin có nội dung tuyển dụng việc làm online.

Sau đó, giả danh nhân viên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki... để tuyển dụng, giao việc và yêu cầu bị hại ứng tiền chuyển khoản thanh toán các đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử trên, sau đó chiếm đoạt tiền của bị hại đã chuyển và cắt liên lạc với bị hại.