Tìm việc trên mạng trong mùa dịch, nhiều lao động mất tiền oan
(Dân trí) - "Tôi đã mất 2 triệu đồng để đổi lấy bài học cho sự nhẹ dạ, cả tin khi lên mạng tìm việc làm thêm tại nhà trong mùa dịch Covid-19...", chị Dương Thị Thu L. (quận Hoàng Mai, Hà Nội), chia sẻ.
Chiêu lừa hay sự đánh đố?
Mong muốn có việc làm tạo thu nhập trong mùa dịch, chị Nguyễn Phương T. (Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) lên mạng xã hội và tìm thấy yêu cầu tuyển dụng công việc đánh giá sản phẩm.
Nhận thấy công việc hấp dẫn từ trang mạng uy tín, chị Nguyễn Phương T. nhanh chóng đăng ký làm thành viên.
Theo hướng dẫn của trang mạng, muốn làm công việc đánh giá sản phẩm, chị phải vào một website khác để đăng ký khóa học. Số tiền đăng ký là 495.000 đồng. Sau khi chuyển khoản, chị bắt đầu tiếp cận công việc.
"Công việc đơn giản với mức lương từ 5.000- 20.000 đồng/bài. Họ cho sẵn sườn bài, chỉ cần copy dán là được, không cần suy nghĩ gì nhiều. Tôi không nhất thiết phải dùng qua sản phẩm mới viết đánh giá được, cứ viết tốt hết là được", Nguyễn Phương T. cho biết.
Bên cạnh đó, các thành viên sẽ được thưởng 250.000 đồng nếu mời được thêm người tham gia.
Tuy nhiên sau nửa tháng miệt mài đánh giá, chị chỉ nhận về 50.000 đồng do các đánh giá không được duyệt.
"Họ chỉ duyệt một vài đánh giá còn lại là từ chối hết với câu trả lời chung chung. Công việc này thực chất chỉ là hình thức, mục đích của người thuê viết là bán khóa học", chị Nguyễn Phương T. nhận định về sự mập mờ này.
Như vậy, với số vốn đầu tư 495.000 đồng, sau nửa tháng, chị chỉ nhận về số tiền 50.000 đồng. Điều này trái ngược với những quảng cáo lúc đầu "dễ dàng kiếm 250.000 -1 triệu đồng/ngày, thu nhập không giới hạn, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu" mà các đối tượng lúc ban đầu đưa ra.
Một câu chuyện khác về nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo việc làm trên mạng, chị Dương Thị Thu L. (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vừa mất 2 triệu đồng.
Ngày 8/8, chị nhận công việc gia công cắt mác quần áo tại nhà. Theo yêu cầu, chị đã nhanh chóng chuyển khoản trước số tiền 500.000 đồng để đặt cọc nhận hàng.
"Theo thỏa thuận, nếu cắt xong 10 cuộn tem mác, bên xưởng sẽ trả cho tôi 6 triệu đồng tiền công. Thấy công việc nhẹ nhàng đúng lúc đang rảnh, tôi chuyển tiền mà không nghĩ ngợi gì", chị Dương thị Thu L. bộc bạch.
Hôm sau, bên kia lại yêu cầu chị Lan phải chuyển thêm 1,5 triệu đồng để đóng "bảo hiểm hàng hóa". Khi nào xuất hóa đơn giao hàng sẽ được trả lại. Chị tin tưởng, tiếp tục chuyển khoản lần 2.
Sau đó, có một người gọi điện báo đã xuất hàng và đang trên đường đi giao. Họ gửi cho chị đường link và hướng dẫn làm theo để nhận lại số tiền chuyển khoản lúc đầu.
Đến đây, chị bắt đầu thấy nghi ngờ. Không làm theo yêu cầu, chị đi hỏi bạn bè và tìm thêm thông tin trên mạng. Lúc này, chị mới tá hỏa biết bị lừa.
"Tôi đã mất 2 triệu đồng để đổi lấy bài học cho sự nhẹ dạ, cả tin của khi tìm việc làm thêm tại nhà trên mạng", chị Dương Thị Thu L. chia sẻ.
Lợi dụng mức thiệt hại nhỏ
Đánh giá về nhu cầu việc làm trên mạng trong mùa Covid-19, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) - cho biết đây đang là xu hướng diễn ra phổ biến.
Về mặt tích cực, cách thức giao kết này giúp các doanh nghiệp, các đơn vị tuyển dụng dễ dàng kết nối với người lao động, giảm thời gian, chi phí và công sức của các bên.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, các hoạt động tuyển dụng việc làm online không tránh khỏi những thông tin ảo, khó thẩm định về vị trí việc làm cũng như tính chất công việc, nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới người lao động.
"Người lao động thường có tâm lý tìm công việc nhẹ nhàng với mức lương hấp dẫn. Chính tâm lý đó đã khiến nhiều người bị các đối tượng tuyển dụng lừa đảo. Vì vậy, khi tìm kiếm việc làm thêm trên mạng, người lao động cần tìm hiểu thật kỹ công việc trước khi tham gia", ông Thành đưa ra lời khuyên.
Cũng bàn về vấn đề này, Luật sư Lê Ngọc Hoàng (Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: "Các đối tượng lừa đảo việc làm trực tuyến thường dựa vào các "lỗ hổng" pháp lý để trục lợi, đưa ra nhiều hình thức lừa đảo tinh vi".
Cụ thể, các thông tin tuyển dụng việc làm không được cơ quan chức năng kiểm soát hoặc người lao động không có hợp đồng lao động chính thức.
Bên cạnh đó, giá trị lừa đảo ở mức nhỏ, như chỉ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng nên các bị hại không muốn tố giác tới các cơ quan chức năng. Ngoài ra, một số trường hợp lừa đảo bị xử lý chỉ cũng ở mức xử phạt hành chính từ 1-2 triệu đồng, không đủ sức răn đe.
Nhiều chế tài theo mức độ vi phạm
Theo quy định tại điểm C, khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về hành vi "dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác" sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Nếu số tiền chiếm đoạt trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng - nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.