1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lao động hưởng TCTN: Dự kiến nhận mức hỗ trợ học nghề 1,5 triệu đồng/tháng

(Dân trí) - Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề sẽ được tăng từ 1 triệu đồng/ tháng lên 1,5 triệu đồng tháng. Đây là nội dung trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến hoàn thiện.

Linh hoạt hình thức hỗ trợ

Theo ông Lê Quang Trung - Cục phó, phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), dự thảo quy định mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng.

Lao động hưởng TCTN: Dự kiến nhận mức hỗ trợ học nghề 1,5 triệu đồng/tháng - 1

“Trường hợp khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì được tính theo nguyên tắc: Dưới 15 ngày tính là 1/2 tháng, từ đủ 15 ngày trở lên tính là 1 tháng để xác định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động” - ông Lê Quang Trung cho biết.

Về các nghề được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, dự thảo quy định: Các nghề trong danh mục nghề theo quy định của pháp luật; các khóa đào tạo, bồi dưỡng; đào tạo nâng cao kỹ năng nghề theo quy định của pháp luật.

Ngoài việc được hỗ trợ học phí học nghề, người lao động tham gia học nghề còn được hỗ trợ chi phí đi lại.

Ông Lê Quang Trung - Cục phó, phụ trách Cục Việc làm đánh giá

Theo ông Lê Quang Trung, dự kiến quy định mức hỗ trợ học phí và hỗ trợ tiền đi lại theo 2 hình thức (theo gói và theo tháng) sẽ đáp ứng được các đối tượng người thất nghiệp có nhu cầu học nghề. Đa số người thất nghiệp là lao động phổ thông nên mong muốn học một nghề với thời gian ngắn (từ 3 tháng trở xuống) để nhanh chóng tìm việc làm.

Do đó, quy định này tạo điều kiện cho người thất nghiệp tham gia khóa học nghề ngắn hạn kể cả đối với những ngành, nghề có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Việc quy định mức hỗ trợ học phí tối đa theo khóa đào tạo nghề sẽ giải quyết được vướng mắc cùng một nghề nhưng tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác nhau lại có các mức học phí khác nhau.

Mặt khác, mức hỗ trợ học phí học nghề theo tháng sẽ đáp ứng nhu cầu của những người có nguyện vọng học nghề thời gian tương đối dài.

Đáp ứng nhu cầu thực tế

Trước đó, Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy định mức hỗ trợ học nghề mới đối với người thất nghiệp học một nghề tối đa 1.000.000 đồng/người/tháng và thời gian học nghề tối đa 6 tháng. 

Với việc tăng mức hỗ trợ học nghề lên 1.000.000 đồng/tháng, số lao động thất nghiệp quan tâm đến chế độ hỗ trợ học nghề ngày càng tăng.

Lao động hưởng TCTN: Dự kiến nhận mức hỗ trợ học nghề 1,5 triệu đồng/tháng - 2

Tuy nhiên so với nhu cầu thực tế của người lao động thì mức hỗ trợ này vẫn còn thấp, chỉ đủ học các nghề đơn giản ở trình độ sơ cấp. Trên thực tế, nhiều lao động thất nghiệp đã có nghề, mong muốn của họ được học nâng cao trình độ chuyên môn để tìm kiếm công việc tốt hơn. Đặc biệt, với người thất nghiệp đã có trình độ chuyên môn kỹ thuật, muốn tham gia học nghề trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề thì mức hỗ trợ trên là rất thấp.

Mặt khác, đây là mức học phí tại các cơ sở đào tạo nghề công lập, được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề; còn tại các cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập thì mức học phí cao hơn rất nhiều. Do đó, dù số người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề tăng, nhưng số người được hỗ trợ học nghề so với số người có nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn còn thấp.

Đơn cử như năm 2015, số người được hỗ trợ học nghề là 3,8%, năm 2016 là 4,8% và năm 2017 là 5,1%.

Nhận định về dự thảo, ông Lê Quang Trung cho biết: “Việc tăng mức hỗ trợ học nghề trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ theo đó sẽ khuyến khích, tạo điều kiện và tăng số người thất nghiệp tham gia học nghề”.

Tuấn Phong