Lao động đi làm nước ngoài gửi về nước hơn 3 tỉ USD/năm
(Dân trí) - “Có thể thấy rằng, công tác xuất khẩu lao động đã đem lại lợi ích lớn, trong 1 năm giải quyết hơn 100 ngàn lao động và bình quân thu về xấp xỉ 3 tỉ USD. Tỉnh có số lao động gửi về nhiều nhất hiện nay là 250 triệu đôla/năm, đó là tỉnh Nghệ An”.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy tại Phiên chất vấn sáng 5/6 tại Quốc hội về tình trạng lao động đi làm việc ở nước ngoài bỏ trốn.
Theo đó, VN có khoảng 500 ngàn lao động làm việc theo hợp đồng lao động đang làm việc ở nước ngoài. Số này gần đây tăng lên. Riêng năm 2017, cả nước đưa được 134.000 lao động, bằng 128% chỉ tiêu đặt ra.
Liên quan tới tình trạng lao động VN bỏ trốn ở nước ngoài, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Một nguyên nhân quan trọng là số ở lại lao động bất hợp pháp vì các chủ doanh nghiệp của bạn cũng có nhu cầu, những người ở lại thường là tay nghề cao, thu nhập cao lại trốn được thuế v.v...và cơ hội quay trở lại là khó.
Theo Bộ trưởng, lao động tham gia XKLĐ đã gửi về nước khoảng 3 tỉ USD/năm.
“Vừa qua Chính phủ đã có một quyết tâm rất cao, đã tập trung các giải pháp như ký quỹ cho tổ chức ký quỹ, vận động, yêu cầu các đơn vị doanh nghiệp phải có trách nhiệm vận động, thuyết phục. Chúng ta tổ chức các ngày hội việc làm bên phía bạn, tổ chức văn phòng đến trực tiếp các ốp để vận động thuyết phục, đặc biệt chúng ta kiên quyết làm việc với phía bạn” - Bộ trưởng cho biết.
Cũng theo người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH, sau 3 năm kiên trì, đặc biệt năm 2017 với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã làm việc với phía Hàn Quốc trên tinh thần quyết liệt xử lý các doanh nghiệp phía bạn vi phạm. Kết quả đã giúp tỉ lệ bỏ trốn giảm rút xuống còn 33%.
Theo Bộ trưởng, thời điểm cao nhất, tỉ lệ bỏ trốn đã lên tới 55%, trong khi đó bình quân các nước là 15%.
Cũng liên quan tới vấn đề trên, Bộ trưởng đã xử phạt cũng nhiều doanh nghiệp XKLĐ vi phạm.
“Riêng về thanh tra, chúng ta thanh tra 51 doanh nghiệp, phát hiện 338 sai phạm và ban hành 24 quyết định xử phạt hành chính trong năm 2017 là 3,227 tỷ đồng. Đồng thời, chúng ta trong thời gian vừa qua đã thu hồi giấy phép hoạt động của 5 doanh nghiệp, đình chỉ tạm thời 25 doanh nghiệp” - Bộ trưởng cho biết.
Cũng theo lời Bộ trưởng, có những doanh nghiệp có cả bề dày hoạt động về xuất khẩu lao động 25 năm nhưng lần đầu tiên bị đình chỉ và thu hồi giấy phép. “Gần đây, tôi nhận được một số đơn thư liên quan đến cái đó nhưng chúng tôi giải quyết trên cơ sở đảm bảo đúng nguyên tắc thấu tình đạt lý”.
Hạn chế đi giúp việc gia đình ở Ả rập xê út
Chiều 5/6, trả lời câu hỏi của đại biểu quốc hội về tình hình xâm phạm lao động đi làm công việc giúp việc gia đình ở Trung Đông, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Hiện chúng ta chưa đưa lao đi làm việc ở Trung Đông, chúng ta mới chỉ đưa lao động đi làm việc ở Ả rập xê út. Số lượng hiện nay khoảng 9.000 người và chủ yếu làm công việc giúp việc gia đình”.
Cũng theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, do địa bàn này rất nhạy cảm, công việc nhạy cảm.
“Tuy nhiên, hoạt động này có đặc thù là yêu cầu công việc không cao, ngoại ngữ hạn chế. Chưa kể trước khi tham gia XKLĐ, phía chủ sử dụng chi 4.000 USD: Người lao động nhận 2.000 USD và doanh nghiệp XKLĐ nhận 2.000 USD” - Bộ trưởng cho biết.
Do đó, một số người lao động do khó khăn nên không có điều kiện đi các chương trình khác nên tham gia chương trình này.
Bộ trưởng nhận định: “Đây là những công việc rất rủi ro, chưa kể các hệ luỵ xảy ra. Bộ đã có nhiều lần đưa ra những giải pháp và khuyến cáo người dân hạn chế đi công việc này”.
Liên quan tới đề nghị doanh nghiệp XKLĐ phải mở văn phòng đại diện ở quốc gia phái cử lao động, Bộ trưởng cho biết: Bộ đang tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp phải mở văn phòng đại diện ở các nơi có lao động phái cử để hỗ trợ người lao động.
“Tuy nhiên, việc mở văn phòng đại diện còn phải được sự đồng ý của nước sở tại. Nếu họ không đồng ý thì cũng không được phép” - bộ trưởng nêu vấn đề.
Thời gian tới, nhằm hỗ trợ cho người lao động, Bộ trưởng cho biết sẽ đề nghị xây dựng mô hình nhà tạm lánh: “Trong trường hợp bị những vấn đề phát sinh, tai nạn rủi ro tại Ả rập xê út, công dân VN có thể tạm lánh tại đó để nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan tư pháp nước sở tại”.
Hoàng Mạnh