Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Hệ thống bảo hiểm xã hội sẽ 3 tầng riêng biệt”
(Dân trí) - “Ba tầng BHXH nhằm hướng tới trợ giúp đối tượng yếu thế, thúc đẩy thực chất hơn công tác đóng - hưởng. Đồng thời, hệ thống cũng tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập cao chọn hình thức bảo hiểm phù hợp, qua đó chia sẻ một phần tới các đối tượng khó khăn khác”.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Đề án cải cách bảo hiểm xã hội vừa được trình bày tại Hội nghị Trung ương 7, Khoá XII, bao gồm nhiều nội dung quan trọng.
Trong đó, việc hình thành hệ thống BHXH với 3 tầng riêng biệt, có ý nghĩa rất lớn trong trợ giúp an sinh và phát triển đời sống người dân.
Phân tích về hệ thống BHXH đa tầng như trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Tầng thứ nhất được coi là tầng trợ cấp hưu trí xã hội.
“Bản chất của tầng thứ nhất là sự chuyển đổi đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hiện nay như: Người già, người không có lương, người không có bảo hiểm xã hội và hoàn cảnh khó khăn từ 80 tuổi trở lên và đang hưởng trợ cấp xã hội 270.000 đồng/tháng sang tầng trợ cấp hưu trí xã hội” - Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhóm đối tượng được điều chỉnh như trên ước tính khoảng 1,6 triệu người. Ngoài ra, nhóm đối tượng khác trong tầng thứ nhất sẽ còn lại khoảng 5 triệu người.
Một trong những điểm đáng lưu ý trong thiết kế của tầng thứ nhất, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng nên quan tâm tới việc điều chỉnh độ tuổi được hưởng theo hướng giảm đi.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc thiết kế đã là sự căn chỉnh, tăng cường kết nối bảo trợ xã hội và bảo hiểm xã hội, giữa các loại hình bảo hiểm xã hội với nhau. Đáp ứng yêu cầu nhân dân và phù hợp với thông lệ quốc tế.
“Ngoài ra, mục tiêu BHXH đa tầng nhằm mục tiêu lớn hơn là hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân, khuyến khích các lực lượng xã hội cùng tham gia việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội” - Bộ trưởng cho biết.
Theo đó, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu giảm dần độ tuổi hưởng hưu trí xã hội từ 80 xuống 75, 70 hoặc 65…Như vậy, lực lượng tham gia này sẽ có xu hướng tăng lên.
“Mục tiêu lớn nhất của việc chuyển từ bảo trợ xã hội (hiện có) sang tầng trợ cấp hưu trí xã hội nhằm khuyến khích xã hội, gia đình tăng tinh thần tương thân tương ái. Để hầu hết người già trong xã hội có có dựa về tài chính lúc khó khăn” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Về tầng thứ 2, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Đây là tầng BHXH bắt buộc hay còn gọi là hưu trí bắt buộc.
Cả nước hiện có hơn 13 triệu người tham gia BHXH bắt buộc. Nhưng vẫn còn “khoảng trống” bao phủ tới khoảng 34 triệu người chưa tham gia. Trong khi đó, các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, đây là tầng chủ chốt cần được chú trọng trong việc huy động tham gia.
Bởi nếu thu hút số đông đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, sức ép về nguồn lực tài chính chi cho tầng thứ nhất về lâu dài sẽ được giảm đi. Thay vào đó là nguồn tài chính sẽ được hình thành từ chính sự đóng góp của người lao động, khi còn sức khoẻ và tham gia quan hệ lao động.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong tầng thứ 2, điểm cần chú trọng phát triển là lực lượng lao động tự nguyện. Đây là lực lượng tiềm năng lớn nhưng chưa được quan tâm sâu.
“Hiện nay, cả nước hàng năm mới phát triển được hơn 700.000 người tham gia BHXH bắt buộc, tổng số người tham gia BHXH bắt buộc mới có 29 % số người trong độ tuổi lao động. Trong khi đó, mục tiêu tới năm 2020, con số trên phải đạt 50 %” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lo lắng.
Ngoài ra, số người tham gia BHXH tự nguyện tới nay mới dừng ở mức hơn 200.000 người.
Với tầng BHXH thứ 3 còn được gọi là tầng hưu trí bổ sung
“Bản chất của tầng này là dịch vụ và khuyến khích dành cho những người thu nhập cao. Ngoài việc đóng góp có tính bất buộc, họ có thể tham gia để tuân theo quy tắc đóng cao, hưởng cao” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Về lợi ích của tầng này, Bộ trưởng cho rằng khi phát triển mạnh sẽ trong hệ thống BHXH sẽ đóng góp thêm cho quỹ BHXH và chia sẻ 1 phần cho nhóm đối tượng có lương hưu thấp.
Hoàng Mạnh