1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Nhiều doanh nghiệp lớn đã tham gia giáo dục nghề nghiệp

(Dân trí) - Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 2,30% trong quý 1/2017 xuống còn 2,03% trong quý 1/2018, tình trạng thiếu việc làm có xu hướng giảm dần qua các quý. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, chất lượng lao động còn thấp, cơ cấu ngành nghề đào tạo có nhiều bất cập, thiếu lao động kỹ thuật trình độ cao…


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (Ảnh: A.T)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (Ảnh: A.T)

Sáng 5/6, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sẽ có phiên trả lời chất vấn đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14. Nhiều vấn đề sẽ được trình bày như: Tạo việc làm trong nước, công tác xuất khẩu lao động, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo theo yêu cầu và công tác bảo vệ trẻ em.

Phục vụ cho phiên chất vấn, Bộ LĐ-TB&XH đã gửi báo cáo tới các đại biểu quốc hội để theo dõi nội dung.

Theo báo cáo, tính chung trong năm 2017, cả nước đã giải quyết việc làm cho trên 1.633 nghìn người, đạt 102,1% kế hoạch, trong đó tạo việc làm trong nước cho 1.505 nghìn người, đạt 100,7% kế hoạch. Chất lượng việc làm dần được cải thiện, từng bước chính thức hóa việc làm phi chính thức.

Gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, theo Bộ LĐ-TB&XH, đến tháng 3/2018, cả nước có 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 394 trường cao đẳng; 515 trường trung cấp, 1.045 trung tâm. Các trường tư thục đang chiếm khoảng 1/5 tổng số trường trung cấp và cao đẳng, cơ bản hoạt động tuyển sinh tốt nhưng cơ sở vật chất chưa tốt.

Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, bước đầu có một số trường được đầu tư bởi các doanh nghiệp tư nhân lớn có bước tiến về chất lượng như Cao đẳng Y Dược Phú Thọ, CĐ Asean, CĐ FLC, CĐ Việt Mỹ, CĐ FPT. Sắp tới, Bộ hỗ trợ các tập đoàn Vingroup, Sungroup, Mường Thanh thành lập một số trường cao đẳng chất lượng cao; và thu hút một số trường quốc tế.

Công tác tuyển sinh 2017 là 2.204.400 người, đạt 100,2% so với kế hoạch. Tỷ lệ có việc làm trung bình đạt 80,5%; một số trường đạt trên 90%, có trường đạt gần 100%; lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề có việc làm đạt 80,2%.

Về chương trình đào tạo, Bộ đang chỉ đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp áp dụng phương pháp mới trong xây dựng chương trình với sự tham gia của doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH chủ trương đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; bảo đảm thống nhất với đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; đồng bộ về cấu trúc hệ thống giáo dục nghề nghiệp, quản lý nhà nước, hoạt động đào tạo và quản trị nhà trường.

Đồng thời, Bộ sẽ nâng cao hiệu quả đào tạo và tạo cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp với mọi người dân; gắn kết chặt chẽ đào tạo với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội, phù hợp với các giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế...

Các trường đã được chủ động trong việc thiết kế chương trình, giáo trình phù hợp với yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng và năng lực thực hiện. Bộ đã thực hiện tiếp nhận đồng bộ 34 bộ chương trình theo chuẩn quốc tế (8 bộ từ Malaysia, 12 bộ từ Australia, 14 bộ từ Đức) và đang đào tạo thí điểm tại 25 trường.

Bộ đang tổ chức thí điểm tự chủ tại 3 trường là Cao đẳng Kỹ nghệ II TP HCM, Cao đẳng Lilama 2 Đồng Nai, Cao đẳng Bình Định. Ba trường trên đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng và chất lượng; đầu tư cơ sở vật chất được cải thiện, số lượng doanh nghiệp tìm đến hợp tác nhiều hơn.

Bộ trưởng khẳng định, chủ trương tự chủ là "chìa khóa" để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận nhiều hạn chế trong công tác giáo dục nghề nghiệp, như: Vẫn chủ yếu về trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo, giữa các vùng miền chậm được khắc phục; tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khó khăn, đặc biệt ở những ngành, nghề nặng nhọc độc hại, ngành nghề năng khiếu.

Trong khi đó, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập, chưa phân bố hợp lý giữa các vùng miền, chưa quy hoạch tới từng ngành, nghề, cấp trình độ đào tạo; quy mô đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhỏ; chưa hình thành được những cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, đạt đẳng cấp quốc tế.

Ngoài ra, chương trình, giáo trình đào tạo còn nhiều nội dung mang tính hình thức, chưa được thường xuyên cập nhật, bổ sung, sự kết hợp với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong xây dựng, biên soạn chương trình, giáo trình chưa chặt chẽ. Các nội dung giảng dạy kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp trong chương trình đào tạo chưa được chú trọng...

Đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhiều giải pháp đã thực hiện nhằm thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp đối với công tác đào tạo nghề. Đơn cử như việc thí điểm đặt hàng dạy nghề trình độ cao đẳng, trung cấp cho một số nghề theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 26 cơ sở dạy nghề, tổng chỉ tiêu đặt hàng đào tạo nghề: 12.107 học sinh.

Trong đó, đối tượng đào tạo là: Lao động nông thôn thuộc hộ nghèo; Lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số; lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế; lao động nông thôn là con liệt sỹ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng.

Thời gian qua, số học sinh, sinh viên tốt nghiệp đã được bố trí việc làm đúng nghề đào tạo đạt tỷ lệ trên 90%, đã có gần 400 doanh nghiệp tiếp nhận học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp vào làm việc tại doanh nghiệp.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đã ký kết Chương trình phối hợp công tác với VCCI trong việc tăng cường gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp; ký chương trình phối hợp với các Hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp, tổng công ty lớn trong việc tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Cũng theo Bộ trưởng, theo kết quả điều tra của Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH năm 2017 cho thấy: Có 36,29% số doanh nghiệp có tổ chức đào tạo nghề cho người lao động trong doanh nghiệp và lao động xã hội.

Những cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp, chủ yếu đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp như: Trường Cao đẳng Việt Nam - Singapore (Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore, Bình Dương); Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Dung Quất (Khu Kinh tế Dung

Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện ký kết các hợp tác, hợp đồng đào tạo theo đặt hàng, đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp, như: Trường Cao đẳng nghề Dung Quất, đã tổ chức ký kết các hợp đồng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp trên địa bàn của tỉnh với nhu cầu là trên 16.000 nhân lực cho giai đoạn 2018 - 2020; trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã ký hợp tác với trên 50 doanh nghiệp về đào tạo, cung ứng nhân lực; Trường CĐ Lý Tự Trọng, thành phố Hồ Chí Minh liên kết, hợp tác đào tạo với 157 doanh nghiệp đối tác, nhận đặt hàng đào tạo cho nhiều doanh nghiệp...

Hoàng Mạnh