1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lao động "chạy dịch": Vượt "bão" Covid-19, quay về với nương rẫy

Thanh Tùng

(Dân trí) - Trong đoàn người hồi hương từ miền Nam về Sơn La, nhiều lao động lâm vào cảnh thất nghiệp. Họ phải rời "miền đất hứa" về quê làm nương rẫy và hy vọng sớm ngày trở lại.

Rời "miền đất hứa"

Khoảng 11h trưa, vợ chồng anh Lò Văn Thưởng (29 tuổi, quê xã Mường Lang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) và nhóm lao động cùng quê dừng chân nghỉ ngơi bên đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa. 

"Còn 300 km nữa về đến quê nhà. Suốt 3 ngày qua đội nắng, dầm mưa giờ ai cũng thấm mệt rồi, tranh thủ bóng cây bên đường nghỉ ngơi một lát rồi tiếp tục hành trình nhé", đôi mắt đỏ hoe, chàng trai trẻ dân tộc Mường căn dặn mọi người trong đoàn hồi hương.

Lao động chạy dịch: Vượt bão Covid-19, quay về với nương rẫy - 1

Vừa vào Bình Dương được 5 tháng, anh Lò Văn Thưởng đã rơi vào cảnh thất nghiệp 3 tháng qua. Không trụ được nữa, anh phải quyết định hồi hương (Ảnh: Thanh Tùng).

Lao động "chạy dịch": Vượt "bão" Covid-19, trở về với nương rẫy

Bỏ nương rẫy, gửi hai con cho ông bà ngoại chăm sóc, vợ chồng anh Thưởng vào tỉnh Bình Dương để làm công nhân từ tháng 3/2021. Vừa làm được 2 tháng thì dịch bùng phát, vợ chồng anh rơi vào cảnh thất nghiệp. 

Hy vọng dịch bệnh sẽ sớm qua mau, vợ chồng anh Thưởng cố bám trụ ở phòng trọ đợi ngày đi làm trở lại. Thế nhưng, tháng ngày nghỉ việc cứ kéo dài trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến vợ chồng anh Thưởng rơi vào cảnh bế tắc, không thể bám trụ được nữa.

Lao động chạy dịch: Vượt bão Covid-19, quay về với nương rẫy - 2

Nhóm công nhân tỉnh Sơn La nghỉ ngơi ven đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng)

Lao động chạy dịch: Vượt bão Covid-19, quay về với nương rẫy - 3

"Không trụ được nữa rồi, chúng tôi phải về thôi", anh Lò Văn Thưởng nói (Ảnh: Thanh Tùng)

"Cũng nghĩ dịch sẽ nhanh qua, ai ngờ kéo dài đến 3 tháng qua. Hai tháng lương chưa kịp gửi về trả nợ đã phải chi phí cho thuốc men, ăn uống. Cũng chỉ được tháng đầu, đến tháng thứ hai thì cạn túi rồi", anh Thưởng tâm sự.

Không công việc, không còn tiền, mọi sinh hoạt hằng ngày đều dựa vào sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng. Do không thể bám trụ được nữa, vợ chồng anh Thưởng cùng hàng nghìn công nhân khác quyết định rời "miền đất hứa", lên xe máy hồi hương. 

Lao động chạy dịch: Vượt bão Covid-19, quay về với nương rẫy - 4

Trong đoàn hồi hương, có cháu Đinh Minh Trí (4 tuổi, con trai anh Đinh Văn Thắng) đã cùng bố mẹ vượt qua quãng đường hàng nghìn cây số suốt nhiều ngày qua (Ảnh: Thanh Tùng).

"Đây là cuộc tháo chạy nhớ nhất trong đời, vẫn biết đường về nhà còn gian nan và nguy hiểm, dịch bệnh có thể lây lan bất kỳ lúc nào nhưng không thể trụ được nữa rồi. Hôm qua nghe tin có hai mẹ con bị tai nạn trên đường, chúng tôi phải bảo ban nhau đi cẩn thận, khi mệt thì tranh thủ bụi cây, bóng mát để nghỉ ngơi. Thời gian tới chắc chúng tôi cuốc nương làm rẫy ở quê, đợi ngày hết dịch rồi sẽ quay lại để mưu sinh", anh Thưởng tâm sự.

Sau nỗi sợ Covid-19 là nỗi lo thất nghiệp

Trong đoàn hồi hương cùng anh Thưởng có gia đình ông Đinh Văn Thành (49 tuổi, cũng ở xã Mường Lang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) từng mắc Covid-19. 

Lao động chạy dịch: Vượt bão Covid-19, quay về với nương rẫy - 5

Đôi mắt đỏ hoe, ông Thành mệt mỏi sau nhiều ngày rong ruổi trên đường. (Ảnh: Thanh Tùng)

Năm 2020, vợ chồng ông Thành vào Bình Dương để trông cháu cho con trai. Đợt dịch vừa qua, vợ chồng anh Đinh Văn Thắng (25 tuổi, con trai ông Thành) mắc Covid-19.

Do sinh hoạt cùng nhà trọ nên không lâu sau ông Thắng cùng vợ và cháu nội đều trở thành F0. Cả gia đình được đưa đi điều trị ở bệnh viện dã chiến ở Bình Dương. 

"Những tháng ngày điều trị Covid-19 cả nhà ai cũng lo sợ. Sau khi được các bác sĩ động viên, tích cực chữa trị chúng tôi cũng đỡ lo lắng. Sau gần một tháng, chúng tôi đã chiến thắng được Covid-19", ông Thành chia sẻ.

Sau khi điều trị bệnh, gia đình ông Thành về nhà trọ để cách ly theo quy định, đây cũng là quãng thời gian vô cùng khó khăn đối với gia đình ông. Không công việc, không thu nhập suốt 3 tháng liền khiến cả nhà ông lao đao, bế tắc. 

Lao động chạy dịch: Vượt bão Covid-19, quay về với nương rẫy - 6

"Chúng tôi đã chiến thắng Covid-19, nhưng không thể thắng được cảnh thất nghiệp. Giờ thì về quê đợi ngày đại dịch đi qua rồi sẽ quay trở lại", anh Đinh Văn Thắng cho hay (Ảnh: Thanh Tùng).

Vừa qua, khi nghe tin Bình Dương mở cửa cho lao động hồi hương, anh Đinh Văn Thắng đã vội mua thêm một chiếc xe máy để bố mẹ về quê. 

"Chúng tôi đã chiến thắng được Covid-19 nhưng không thể chiến thắng được cảnh thất nghiệp. Tiền thì hết, ở lại thì không có gì để ăn, chúng tôi không thể bám trụ được nữa", anh Thắng chia sẻ.

Theo anh Thắng, dẫu biết quãng đường về quê gần 2.000 cây số là quá gian nan nhưng anh không còn sự lựa chọn nào khác. 

Sáng ngày 2/10, sau khi gấp vội vài bộ quần áo, chuẩn bị thêm một số đồ dùng cần thiết, anh Thắng cùng vợ và con trai 4 tuổi đi một xe máy, còn ông Thành và vợ cũng lên con "chiến mã", nhập đoàn người hồi hương. Cứ như thế suốt 3 ngày đêm, họ về đến Thanh Hóa trong sự mệt mỏi qua từng nét mặt.

Lao động chạy dịch: Vượt bão Covid-19, quay về với nương rẫy - 7

Cơn giông kéo đến bất ngờ đã làm gián đoạn phút nghỉ ngơi của đoàn người hồi hương. Họ vội vã thu dọn hành lý để tiếp tục hành trình còn hàng trăm cây số phía trước (Ảnh: Thanh Tùng).

Phút nghỉ chân của nhóm người hồi hương trên đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn qua địa phận tỉnh Thanh Hóa bị gián đoạn khi mây đen ùn ùn kéo đến. "Dậy đi thôi, mưa sắp đến rồi, còn 300 cây số nữa thôi, giờ đến tối muộn rồi cũng về đến nơi. Không nhanh thì mưa đến ướt hết đồ", chàng trai trẻ Đinh Văn Thắng vội vã đánh thức mọi người trong đoàn.

Thu dọn vội hành lý, họ tiếp tục lên đường. Những ánh mắt đỏ hoe sau quãng đường hàng nghìn cây số không kể ngày đêm, họ rời "miền đất hứa" mang theo bao tâm tư trên hành trình trở về quê hương và hi vọng ngày trở lại...