1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Làng pháo Bình Đà xưa

Những tiếng nổ có định trước và có cả những tiếng nổ bất ngờ vang lên thường xuyên ở làng Bình Đà những năm 70 – 80 và đầu 90 của thế kỷ trước.

Sau những tiếng nổ ấy có thể là niềm vui hân hoan của cả xóm làng, mà cũng có thể là tiếng kêu thét thất thanh, tiếng la khóc của người thân từ những vụ chế pháo không an toàn.

Người chứng kiến nhiều nhất các tiếng nổ pháo ở Bình Đà là ông Nguyễn Văn Kíp năm nay đã 85 tuổi - "nghệ nhân" làm pháo một thời.

Làng pháo Bình Đà xưa - 1

Ông Nguyễn Văn Kíp.

Làng nông thành làng pháo

Làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội trước năm 1947 được biết đến là một làng cổ, nơi lưu lại dấu tích của Lạc Long Quân cùng 50 con dừng chân, lập ấp trước khi tiến ra biển Nam Hải. Đền Nội ở làng Bình Đà có bức hoành phi "Đền Quốc Tổ", trong đền có bảo vật quốc gia "Phù điêu Quốc tổ Lạc Long Quân" hơn 1.000 năm tuổi. Đồi Ba Gò ở cánh đồng làng được cho là nơi Lạc Long Quân hóa về trời, hiện nay trên đồi đã phát hiện ra một số di chỉ gạch múi cam, được xác định trên 2.000 năm.

Tuy vậy, người ta biết đến Bình Đà là một làng làm pháo nhiều hơn so với những câu chuyện huyền sử vẫn còn là bí ẩn. Bước ngoặt lớn nhất của làng là vào năm 1947 khi quân Pháp đồn trú tại làng. Một tên tướng Pháp lúc đó tên là Ti-bô đã cho thành lập trường bắn gần Bình Đà, bên trong có cất giữ rất nhiều thuốc súng.

Nhiều thanh niên làng tò mò đã trèo vào ăn trộm và lấy thuốc súng về chế tạo pháo, trong đó có ông Kíp. Kể cũng tài, ngày đó không ai qua trường lớp nào, chẳng ai hướng dẫn nhưng họ lại biết cách làm pháo, cuộn lại rồi đốt ra đủ thứ hình thù khác nhau, mà hồi đó mới chỉ biết đốt pháo cho vui tai chứ chẳng ai có mục đích làm kinh tế.

Sau khi giải phóng miền Bắc năm 1954, trường bắn bị giải tán, lượng thuốc súng lớn thất thoát, hầu hết do thanh niên làng Bình Đà lấy để chế tạo các loại pháo. Dần dần, nghề truyền nghề, hầu như gia đình nào trong làng cũng biết cách làm, họ nắm rõ từ thành phần tới công thức, mức độ an toàn và dần tìm được nguồn nguyên liệu cố định, thường xuyên.

Dịp gần tết nguyên đán, làng Bình Đà tấp nập kẻ ra người vào, đến nỗi người ta còn có câu "Nhất pháo Bình Đà, Nhất gà Đông Tảo" để nói lên sự trứ danh của làng pháo Bình Đà.

Làng pháo Bình Đà xưa - 2

Sân vận động làng Bình Đà nơi tổ chức đốt pháo vào ngày hội làng.

Trước năm 1960, mô hình hợp tác xã còn hoạt động, pháo được đưa vào hợp tác xã, nên nhà nhà người người đi làm pháo. Khi mô hình hợp tác xã giải tán, pháo được mang về từng nhà, cũng từ đó, tiếng pháo nổ, các vụ tai nạn nằm ngoài tầm kiểm soát.

Nghề pháo đối với làng Bình Đà có thời điểm đã ăn vào máu thịt và trở thành linh khí của làng, khi mà tuyệt đối không được truyền nghề ra bên ngoài.

Ông Kíp kể lại rằng, các cụ không cho phép truyền nghề làm pháo cho người ngoài làng, kể cả là rể làng. Tuy vậy, có một gia đình đã làm trái quy ước đó và người đó đã chết một cách bất đắc kỳ tử. Con cái của gia đình đó gặp nhiều lận đận không thể làm nghề pháo, cuối cùng họ đều phải dọn khỏi làng đến sinh sống nơi khác, đến nay ở làng chẳng ai còn biết về tung tích của họ ở đâu.

Mấy chục năm gắn bó với nghề pháo, ông Kíp chỉ dám dùng từ "may sao" mà vẫn còn sống. "Cái nghề cưỡi trên lưng hổ đó chẳng được lời lãi mấy mà không hiểu sao lại có sức hút kỳ lạ. Vào ngày tết, hội làng, đám cưới xin… tiếng pháo nổ không thể kiểm soát được, già cũng đốt, trẻ cũng đốt, phụ nữ cũng đốt inh ỏi cả ngày, mọi ngõ ngách trong làng". 

Đặc biệt, ngày hội làng, pháo được kéo ra sân vận động làng, chỉ có đội kỹ thuật được đứng gần để làm khâu chuẩn bị còn tất cả phải đứng xa cả chục mét. Pháo bắn lên trời tiếng nổ ngút ngàn.

Khói mù mịt, đan xen đó là ánh sáng và cái mùi khét lẹt của pháo làm mê mẩn bao người chiêm ngưỡng. Còn pháo bèo 16 quả nổ một tiếng được đặt trên mặt nước, khi đốt pháo tạo ra sức ép đánh tung cả hồ nước mà người đứng gần ai cũng ướt hết.

Tuy vậy trong vui lại có buồn. Ông Kíp kể, đau xót nhất là gia đình ông S., hoàn cảnh khó khăn nên làm rất nhiều pháo để kiếm thêm thu nhập, nhưng chẳng may tiếng nổ ngày ấy đã cướp đi sinh mạng của cả hai vợ chồng. Con cái của ông S phải nhờ họ hàng, bà con trông nom hộ. Đến giờ, nhiều người từng chứng kiến vụ tai nạn năm đó vẫn chưa hết bàng hoàng.

Cái Tết không tiếng pháo

Tết Ất Hợi năm 1995 là cái Tết không bao giờ quên đối với người dân làng Bình Đà. Đó là năm đầu tiên Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 406/TTg về cấm sản xuất, vận chuyển và đốt các loại pháo nổ, có hiệu lực từ ngày 1/1/1995. 

Trước đó, ông Kíp là tổ trưởng tổ kỹ thuật của xưởng pháo huyện Thanh Oai đã chuẩn bị sẵn tâm thế. "Khi hay tin Chính phủ sắp ban hành chỉ thị cấm pháo, nhiều hộ trong làng Bình Đà hoang mang, một phần là miếng cơm manh áo bị ảnh hưởng, một phần là tết sẽ còn lại gì nếu không có tiếng pháo, mùi pháo, bản thân tôi thì có chút bùi ngùi, tuy vậy vẫn phải chấp hành".

Làng pháo Bình Đà xưa - 3

Giờ, lớp trẻ làng Bình Đà đã không còn ai "bắt chước" làm pháo, nhưng chúng vẫn thường được nghe về những câu chuyện pháo một thời.

Không khí u ám bảo trùm lên làng Bình Đà khi Tết Ất Hợi gần đến, một vài nhà "bánh chưng không có" "áo mới chẳng còn", chẳng ai dám nhắc đến từ pháo. Tuy ngày 1/1/1995 Chỉ thị mới có hiệu lực, nhưng trước đó chính quyền xã Bình Minh đã đi làm công tác tư tưởng và thu giữ dụng cụ làm pháo từ cả tháng trước.

Nhiều nhà lo chết đói, lo tết không còn vui nữa, nhưng khi nhìn lên bàn tay họ, bàn chân họ, khuôn mặt họ vẫn còn loang lổ sự tàn phá của pháo mà không cấm không được. "Người chết thì ít nhất hai, người thương tật nặng thì cả chục, còn người mất một vài ngón tay, bỏng mặt thì đếm không hết" ông Kíp hồi tưởng lại.

Ông Kíp là người viết và cắm tấm biển "năm nay làng không làm pháo nữa" ở đầu làng để báo cho khách mua pháo rẽ bánh đỡ vào làng tìm cho mất công. Ông cũng cùng với công an huyện, công an xã đi thu các dụng cụ làm pháo để bỏ đi, bởi sau ngày 1/1/1995, nhà nào còn giữ chúng coi như là vi phạm pháp luật, làm lậu, làm lén.

Những đồ vật ngày nào như cần câu cơm của dân làng Bình Đà bỗng chốc phải tiêu hủy, pháo bông, pháo bèo, pháo Nam Hải Hoàng Hoa ngày nào chuẩn bị đi vào dĩ vãng.

"Đến nhà anh T. thu pháo là sợ nhất, anh bảo là nhà bỏ làm pháo rồi mà ở sau bếp cứ có tiếng sì sì, chúng tôi đang ngó ngó nghiêng nghiêng thì "bùm" một cái, cũng may là không ai làm sao. Anh T. muối mặt mà cũng hết hồn vì vừa mới chạy ra, từ đó anh T. mới chừa hẳn làm pháo, nghĩ lại mà ám ảnh", ông Kíp cho biết.

Giao thừa đến. Không một tiếng pháo nổ. Im lìm. Người lớn vỗ tay đôm đốp, trẻ nhỏ thì kêu "bùm, bùm" giả tiếng pháo. Đèn được chính quyền treo đầy đường để thay tiếng pháo không còn nữa, liên tiếp những ngày sau đó là các bài tuyên truyền trên loa phóng thanh về ý nghĩa của việc cấm pháo, động viên bà con năng động tìm kế mưu sinh mới.

Về sau, vẫn còn một vài hộ lén lút làm pháo, và xót xa thay tai nạn về pháo vẫn cướp đi sự lành lặn của một số người sau lệnh cấm. Năm tháng qua đi, truyền thông tích cực và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ đã khiến nghề làm pháo chỉ còn là kỷ niệm tại Bình Đà.

Giờ đây, với lợi thế làng ven quốc lộ 21B, dân làng phát triển buôn bán, lớp trẻ thi đua học hành tại nhiều trường đại học lớn đã khiến Bình Đà thay da đổi thịt, đời sống nhân dân khấm khá lên rất nhiều. Ký ức về pháo đã được gói gọn trong những tập sách sử của làng trước năm 1995.