“Làn sóng ngầm” buộc hàng ngàn công nhân lớn tuổi nghỉ việc
Liên tiếp trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có rất nhiều Cty nước ngoài gia công giày tại TP.Biên Hòa, H.Vĩnh Cửu, H.Nhơn Trạch, H.Trảng Bom… đang âm thầm “thương lượng” với NLĐ có độ tuổi trên 35, có thu nhập cao để buộc họ thôi việc bằng các “chiêu trò” như: Mở các chương trình khởi nghiệp, tạo vốn cho công nhân… Mhưng thực chất là trao cho công nhân một khoản tiền Để họ tự nguyện xin nghỉ việc.
Thậm chí, có Cty đã tìm cách “biến hóa” hợp đồng lao động (HĐLĐ) của công nhân trở thành hợp đồng thời vụ, từ đó tiến tới cho NLĐ nghỉ việc.
“Sóng ngầm” tại các Cty giày da Theo tìm hiểu riêng của PV Báo Lao Động, tại Đồng Nai đang có một “làn sóng ngầm” diễn ra tại một số doanh nghiệp FDI, gia công giày cho các thương hiệu lớn, đang âm thầm tổ chức thương lượng với các công nhân lớn tuổi , có thu nhập cao để buộc họ nghỉ việc. Sự việc này, xảy ra tại các Cty có số lượng công nhân đông, lên tới 20-30 nghìn công nhân.
Con số công nhân lớn tuổi đã được nghỉ việc tại các Cty theo tìm hiểu đã lên tới hàng ngàn. Tại Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn thuộc LĐLĐ tỉnh Đồng Nai hiện nay cũng đã tiếp nhận rất nhiều vụ việc công nhân bị đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật. Trong đó, có nhiều trường hợp là công nhân đã lớn tuổi, đang có công việc ổn định và mức lương cao. Nhưng vì những lý do được Cty tự tạo ra để buộc người lao động nghỉ việc.
Lợi dụng việc nhiều công nhân không am hiểu pháp luật, nhiều Cty đã tổ chức tung “chiêu trò” vừa dụ dỗ vừa hù dọa, sau đó đưa ra một khoản tiền gọi là bồi thường để công nhân tự nguyện nộp đơn xin nghỉ việc. Đây chính là cách mà nhiều Cty đang thỏa thuận với công nhân lớn tuổi.
Theo tìm hiểu của PV, để “hợp thức hóa” việc cho NLĐ lớn tuổi nghỉ việc được đúng luật, các Cty sẽ mở ra các chương trình như khởi nghiệp, tạo vốn… để chiêu dụ NLĐ. “Họ nói luật về chế độ bảo hiểm sắp thay đổi theo hướng kéo dài tuổi lao động, do đó nhiều công nhân nữ nếu làm đến 55-60 tuổi cũng không đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì nên nhận một khoản tiền lớn khi xin nghỉ việc để làm ăn kinh doanh” - một người lao động chia sẻ.
Công nhân lớn tuổi tại Đồng Nai đang lo lắng bị đuổi việc trước “cơn sóng ngầm”. Ảnh: P.V
Theo đó, nếu công nhân đồng ý tự nguyện nghỉ việc thì sẽ được Cty cấp cho một nguồn vốn lớn, nếu làm 15 năm sẽ được hưởng 12 tháng lương, mỗi năm tăng thêm sẽ nhân thêm một tháng lương nhưng không quá 20 tháng lương thì NLĐ sẽ có được khoản tiền khoảng 200-300 triệu đồng.
“Biến hóa” từ hợp đồng dài hạn sang thời vụ để “xử” công nhân
Để giảm chi phí trả lương cho công nhân, nhiều Cty còn tìm cách “biến hóa” HĐLĐ của công nhân lớn tuổi có thu nhập cao để chuyển sang loại hợp đồng thời vụ, với mức lương thấp hơn rất nhiều. Sự việc đang diễn ra tại Cty TNHH Splendour đóng tại KCN Nhơn Trạch 1, H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đối với khoảng 200 công nhân lớn tuổi làm việc từ năm 1997. Cty đề nghị công nhân đổi HĐLĐ, với mức lương hợp đồng cũ là gần 6,6 triệu đồng/người/tháng, sang hợp đồng mới với mức lương 4,2 triệu đồng/người/tháng. Nếu công nhân không đồng ý thì giảm biên chế. Theo đó, nếu là công nhân làm việc cho Cty từ năm 2008 trở về trước nếu nghỉ việc sẽ được khoản tiền tương đương 60-70 triệu đồng/người.
Một công nhân xin giấu tên chia sẻ: Tôi làm việc tại công ty vào ngày 1.3.1997 cho đến nay đã được 20 năm 6 tháng, lương căn bản là hơn 6,5 triệu đồng cộng với 100.000 đồng tiền chuyên cần và 150.000 đồng tiền xe. Nhưng thời điểm này, Cty đề nghị tôi phải đổi hợp đồng với mức lương 4,2 triệu đồng. Tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giúp công nhân chúng tôi với nguyện vọng là không đổi hợp đồng và làm việc bình thường với mức lương cũ.
Một chuyên gia trong lĩnh vực lao động đánh giá: “Đây là cách “biến hóa” để buộc NLĐ nghỉ việc, việc thương lượng giữa NLĐ và người sử dụng lao động đúng về hình thức nhưng về nội dung lại gây ra nhiều thiệt thòi trước mắt và tương lai lâu dài của công nhân. Thậm chí, công nhân phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm. Từ NLĐ làm việc hơn 20 năm, từ HĐLĐ không xác định thời hạn, tiền lương cao trên 6 triệu đồng phải thương lượng để xuống loại hợp đồng thời vụ bằng hình thức xin nghỉ việc rồi ký lại hợp đồng mới chỉ có mức lương 4,2 triệu đồng, kèm theo BHXH, BHTN bị mất trắng. Không chỉ vậy, nếu khi công nhân hết hợp đồng thời vụ thì phía Cty có quyền chấm dứt HĐLĐ bất kỳ lúc nào”.
Ngày 7.9, các cơ quan chức năng H.Nhơn Trạch đã xuống làm việc với Cty TNHH Splendour và đánh giá việc thực hiện của Cty là chưa đúng pháp luật và yêu cầu Cty thông báo tới toàn bộ công nhân ngừng việc chuyển đổi hồ sơ ngay đồng thời bố trí công nhân làm việc bình thường theo HĐLĐ.
Ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch CĐCS Cty ChangShin VN - cho biết: Nghịch lý tồn tại là công nhân làm càng lâu năm thì mức lương càng “khủng”, cao gấp 3-4 lần công nhân bình thường, trong khi hiệu quả lao động giảm dẫn đến việc một số Cty đưa ra thỏa thuận cho họ nghỉ việc. Để ngăn chặn tình trạng này, thì chúng ta phải tập trung tuyên truyền cho người lao động hiểu để tiếp tục làm việc chứ không thỏa thuận với Cty. Ngoài ra, việc nâng cao hiểu biết pháp luật cũng là việc quan trọng để các Cty không thể cho người lao động nghỉ việc trái luật.
Theo ông Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, những trường hợp công nhân bị nghỉ việc như vậy sẽ rất khó tìm được công việc mới do đã lớn tuổi và vô hình trung trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Theo đó, các Cty sẽ tập trung tuyển dụng lao động trẻ vì họ có điều kiện làm việc lâu dài và có nhiều sức khỏe, chỉ phải trả mức lương thấp và hứa hẹn có nhiều cống hiến cho Cty hơn.
“Chúng tôi đã hỗ trợ miễn phí cho hàng trăm trường hợp công nhân bị đơn phương chấm dứt hợp đồng. Trong đó có nhiều trường hợp là công nhân lớn tuổi, bị đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật. Chúng tôi đã tư vấn cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp và giúp người lao động thắng kiện tại tòa và yêu cầu Cty bồi thường cho người lao động, đồng thời nhận họ vào làm việc tại Cty. Nhiều trường hợp công nhân không nắm luật bị Cty lợi dụng để “lách luật” trong việc cho NLĐ nghỉ việc” - ông Hà cho biết.
Theo Báo Lao động