Làm việc tại nhà, nhân viên "ngao ngán" nửa đêm sếp vẫn gọi giao việc
(Dân trí) - Những tưởng làm việc ở nhà "ngon ăn": Nhân viên chỉ họp online, báo cáo kết quả trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều lao động đã "chật vật" trước tình trạng bị giao việc bất thình lình, thậm chí là… nửa đêm.
Hơn 22h vẫn còn... nhận việc
Nữ nhân viên Nguyễn Kim Hạnh (26 tuổi, trú tỉnh Bình Phước) hiện là trưởng nhóm truyền thông cho chuỗi cửa hàng thời trang có trụ sở tại TPHCM.
Từ giữa tháng 7, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Nguyễn Kim Hạnh chuyển sang làm việc tại nhà thay vì phải lên công ty như trước đây. Ngay lập tức, cô mang theo hành lý và chiếc máy tính cá nhân về Bình Phước để tránh dịch.
Tưởng rằng sẽ thoải mái hơn khi làm việc tại nhà, nhưng cô lại phát hoảng vì số lượng công việc tăng thêm, các cuộc họp cũng đến "bất thình lình".
Cô gái Nguyễn Kim Hạnh đã trải qua vô vàn những bất cập chưa từng nghĩ tới khi làm việc tại nhà.
Nếu làm việc trực tiếp, phần lớn công việc được giải quyết ngay tại công ty, ít khi phải mang việc về nhà. Mỗi tuần cũng chỉ có 2 cuộc họp vì mọi người đều gặp nhau và trao đổi công việc trực tiếp.
"Khi làm việc tại nhà, số lượng các cuộc họp của tôi tăng lên, nhất là các cuộc họp bất ngờ. Tôi là trưởng nhóm nên lúc nào cũng phải sẵn sàng điện thoại để nhận chỉ đạo từ lãnh đạo công ty", Nguyễn Kim Hạnh cho biết.
Cũng trong tình cảnh tương tự, Phan Quốc Đạt (27 tuổi, tạm trú tại Thủ Đức, TPHCM) và nhiều đồng nghiệp cũng "ngộp" vì khối lượng công việc những ngày làm tại nhà. Cậu thậm chí phải nói chuyện thẳng thắn với sếp vì 22h còn… giao việc.
"Tôi sẽ kết thúc công việc lúc 18h trong điều kiện làm việc bình thường tại công ty. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang làm việc tại nhà, bất kể thời gian nào sếp cũng có thể giao việc. Có hôm tôi để điện thoại chế độ im lặng, sếp gọi không bắt máy. Hôm sau, tôi bị nhắc nhở ngay", Trần Quốc Đạt kể.
Nam nhân viên cũng thẳng thắn nhìn nhận: Thời gian làm việc tại nhà càng kéo dài thì hiệu quả công việc càng đi xuống.
"Thời điểm mới chuyển sang làm việc tại nhà, đây được coi là hình thức mới, thoải mái hơn cho nhân viên văn phòng. Thế nhưng, về lâu dài, có thể vì sự "dễ dãi" của bản thân mà năng suất công việc giảm, chất lượng cũng không cao. Đó có thể là một trong những lý do mà sếp luôn giao việc, bất kể thời điểm nào", Trần Quốc Đạt bày tỏ quan điểm.
Làm sao để không bị dồn việc?
Nhân viên Nguyễn Tấn Phát (trú quận 6, TPHCM) đang làm việc cho một công ty chuyên về ứng dụng bán hàng trực tuyến.
Từ khi chuyển qua làm việc tại nhà, công việc trao đổi và ký kết hợp đồng được thực hiện qua điện thoại, thư điện tử nên thời gian để hoàn thành một giao dịch được rút ngắn đáng kể.
Công việc trong những ngày ở nhà rõ ràng đã tăng thêm. Tuy vậy, mức thu nhập của Nguyễn Tấn Phát lại giảm sâu do ảnh hưởng chung từ đại dịch Covid-19.
Nam nhân viên 24 tuổi này chia sẻ: "Nguồn thu nhập tôi gồm lương cố định và một khoản tỷ lệ theo doanh thu bán hàng. Khi chưa có dịch, mỗi tháng tôi thu nhập khoảng 12 triệu đồng. Tuy nhiên, 2 tháng nay, thu nhập của tôi không vượt quá 8 triệu đồng/ tháng, riêng lương chỉ còn hơn 4 triệu đồng".
Tấn Phát xác định đây là thời điểm TPHCM thực hiện giãn cách, người lao động hạn chế ra khỏi nhà nên tranh thủ mọi lúc để có thể làm việc.
"Điều quan trọng nhất là giữ cho mình niềm đam mê và tinh thần, trách nhiệm với công việc. Tôi đặt mục tiêu có thu nhập lên hàng đầu nên phải cố gắng hoàn thành", Nguyễn Tấn Phát chia sẻ thêm.
Trước tình trạng thu nhập bị cắt giảm 30%, chị Hoàng Thùy Lâm (trú Đắk Nông) cũng rời TPHCM về quê sinh sống.
Số lượng công việc tăng thêm nhưng thay vì chán nản, chị tự an ủi bản thân: "Thời điểm này, giữ được công việc là điều may mắn".
Để không quá "chật vật" với công việc được giao, chị Hoàng Thùy Lâm tuân thủ nguyên tắc chủ động và duy trì các thói quen. Thời gian làm việc tại nhà cũng giống như làm việc tại công ty, giải quyết công việc theo cách "cuốn chiếu" và tạo không gian riêng trong lúc làm việc.
"Sắp xếp công việc theo thời gian và mức độ ưu tiên để giải quyết; trong lúc căng thẳng quá sẽ nói chuyện với bạn bè để thư giãn hoặc làm việc cả ngày cuối tuần... Đó là cách tôi đối diện với công việc của mình", chị Hoàng Thùy Lâm chia sẻ thêm kinh nghiệm.
Thước đo vẫn là hiệu quả công việc
Theo ông Trịnh Công Phái, Trưởng phòng Lao động- Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp cho người lao động làm việc tại nhà. Thời gian làm việc tại nhà là do người sử dụng lao động và người lao động tự giao kết với nhau.
Tuy nhiên, về cơ bản các doanh nghiệp vẫn trả lương cho người lao động dựa trên hiệu quả, năng suất và chất lượng công việc.
"Thời gian, địa điểm làm việc, khối lượng công việc là thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Để được nhận lương đầy đủ, người lao động phải hoàn thành công việc mà người sử dụng lao động phân công. Ngược lại, người sử dụng lao động phải đảm bảo quyền lợi, chế độ cho người lao động trong thời gian làm việc tại nhà", ông Trịnh Công Phái thông tin.