Làm việc tại nhà: Lợi bất cập hại

Năm ngoái, Richard Laermer - chủ một công ty quan hệ công chúng tại New York quyết định cho nhân viên làm việc ở nhà. Nhưng rất nhanh chóng, ông nhận ra đó là một sai lầm.

Làm việc tại nhà: Lợi bất cập hại - 1

“Chúng ta thuê những người trưởng thành và họ thì không nên bị trói chân ở văn phòng 5 ngày/tuần”, Laermer từng nghĩ như thế. “Tôi luôn tự dối mình rằng bạn có thể làm việc ở bất cứ đâu, miễn là bạn thực sự làm được việc”, ông nói.

Laermer kể, nhân viên của ông tận dụng quy định này một cách nhiệt tình. Một người biến mất hàng giờ liền. Một người khác không liên lạc với các đồng nghiệp cả ngày. Cuối cùng, một người đã từ chối đến cuộc họp vì cô ấy có kế hoạch đến Hamptons – một vùng khác ở New York. “Đó là điều đáng tức giận nhất mà tôi từng nghe trong nhiều năm”, ông nói. Sau 10 tháng áp dụng, ông hủy bỏ đặc quyền đó và buộc mọi nhân viên phải đến văn phòng mỗi ngày.

“Làm việc từ xa” là một thuật ngữ miêu tả một người được làm bất cứ đâu bên ngoài văn phòng truyền thống, bùng nổ trong 20 năm qua, nhưng nhiều công ty đã bắt đầu suy nghĩ lại về chính sách quá dễ dãi này. Công việc linh hoạt về thời gian và địa điểm hiện vẫn phổ biến ở nhiều tổ chức, nhưng hầu hết các công ty vẫn muốn nhân viên dành nhiều thời gian hơn cho công việc.

Làm việc tại nhà: Lợi bất cập hại - 2

Hơn 60% các tổ chức tham gia khảo sát của Society of Human Resource Management cho biết họ cho phép một số hình thức làm việc từ xa, tăng 20% so với năm 1999. Hầu hết các nhà sử dụng lao động cho phép nhân viên làm việc tại nhà, có kết nối internet trong trường hợp bất khả kháng, như phải trông chừng thợ sửa ống nước hay chờ đợi kiện hàng quan trọng.

Công nghệ hiện đại như chương trình chat hay các phần mềm cộng tác khiến làm việc từ xa trở nên khả thi hơn trong một vài thập kỷ gần đây. Đồng thời, cho phép nhân viên được làm việc từ xa cũng là một yếu tố hấp dẫn để thu hút hay giữ chân nhân tài, đồng thời giúp công ty cắt giảm chi phí thuê văn phòng đắt đỏ. Việc không giữ nhân viên cố định trong văn phòng cũng phù hợp với tính chất công việc hiện đại, khi nhân viên được tổ chức theo nhiều nhóm khác nhau để giải quyết nhiều dự án.

Ngày nay, chỉ 38% công ty được tổ chức theo chức năng với những nhân viên được phân nhóm theo loại công việc, khảo sát của Deloitte năm 2016 cho thấy. Hầu hết các công ty đã tổ chức các nhóm nhân viên hợp tác với nhau và thay đổi thường xuyên để hoàn thành các dự án.

Làm việc tại nhà: Lợi bất cập hại - 3

Deloitte dẫn chứng một tổ chức ở California đã có đến 30.000 team được thay đổi liên tục. “Tôi nghĩ đó là lý do chúng ta nhìn thấy sự trở lại của khái niệm làm việc từ xa”, Erica Volini – nhà lãnh đạo nguồn nhân lực tại Deloitte cho biết, “Tuy nhiên để làm việc theo nhóm, làm việc từ xa, bạn cần mức độ hợp tác cao hơn”.

Một báo cáo năm 2012 của IBM cho thấy chế độ làm việc linh hoạt đã giúp Công ty cải tiến trong năng suất và tiết kiệm chi phí. Thế nhưng, đầu năm nay, gã công nghệ khổng lồ này đã nói với 2.000 nhân viên rằng họ không còn được làm việc tại nhà nữa mà phải chuyển sang chế độ làm việc ở văn phòng thường xuyên hơn. Đối diện với 20 quý liên tiếp sụt giảm lợi nhuận, IBM hy vọng việc đưa nhân viên trở lại với nhau sẽ giúp họ làm việc nhanh hơn, năng suất hơn, và sáng tạo hơn.

Văn phòng trống trải khi nhân viên được làm việc tại nhà Việc chấm dứt cho phép nhân viên được làm việc từ xa sẽ vấp phải thách thức: làm sao để giữ cho nhân viên được hạnh phúc? Volini của Deloitte nói rằng điều này sẽ khiến các công ty suy nghĩ lại về cách thức cung cấp sự linh hoạt về giờ giấc lẫn nơi làm việc cho lực lượng lao động của họ.

Như IBM đã cẩn thận để không loại bỏ tất cả chế độ làm việc linh hoạt ngay. Công ty vẫn cung cấp các mạng kết nối làm việc tại nhà để giúp đỡ nhân viên dung hòa các nhiệm vụ giữa công việc và nhu cầu chăm sóc con cái hay có các cuộc hẹn với bạn bè, đối tác.

Theo Doanh nhân Sài gòn/Bloomberg