1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Làm việc mùa giãn cách, công nhân vệ sinh vượt qua nỗi sợ dịch bệnh

Nguyễn Hạnh

(Dân trí) - "Dù vất vả nhưng còn có việc làm, thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình. Ngoài kia còn nhiều người mất việc làm", anh Trần Minh Hiệp, công nhân vệ sinh môi trường ở Quận Cầu Giấy, Hà Nội, chia sẻ.

"Còn việc là còn thu nhập…"

Chia sẻ về công việc mùa giãn cách, anh Trần Minh Hiệp (42 tuổi, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên), công nhân Công ty CP MT và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên cho rằng yếu tố an toàn đang được đặt lên hàng đầu.

Người đàn ông có gần 10 năm làm công nhân vệ sinh này cho biết thêm: "Nghề của chúng tôi vốn đã nguy hiểm vì tiếp cận môi trường độc hại. Nay dịch bệnh, nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch càng cao".

Làm việc mùa giãn cách, công nhân vệ sinh vượt qua nỗi sợ dịch bệnh - 1

Anh Trần Minh Hiệp đang trong giờ làm việc.

Hàng ngày, từ 16h tới 1h ngày hôm sau, anh Trần Minh Hiệp thu gom rác ở các ngõ trong khu phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Công việc khó khăn hơn khi nhiều con đường bị phong tỏa, anh phải đẩy xe rác đi đường vòng, vừa xa và mệt.

Công việc đem lại cho anh mức thu nhập 5,4 triệu đồng/tháng dù không cao nhưng là nguồn thu quan trọng trong những ngày giãn cách.

"Rác thì loại nào cũng có, tôi sợ nhất là kim tiêm khi quăng đại trên đường, buổi tối đi không khéo là đạp trúng. Bây giờ dịch nữa, khi mấy con virus có khi nó bám trong khẩu trang y tế đã qua sử dụng vứt lại" - anh Trần Minh Hiệp nói.

Hết ca làm anh Trần Minh Hiệp khử khuẩn cơ thể cẩn thận, súc miệng bằng nước muối, lo sợ mang virus độc hại về cho gia đình, ảnh hưởng đến sức khỏe vợ con.

Làm việc mùa giãn cách, công nhân vệ sinh vượt qua nỗi sợ dịch bệnh - 2

Chị Lê Thu Hà làm việc trong những ngày giãn cách.

Cùng làm nghề công nhân vệ sinh, chị Lê Thu Hà (46 tuổi, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội), công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, phụ trách khu vực phường Quảng An cho biết: "Thời gian này, người dân ai cũng sử dụng khẩu trang y tế. Nhiều người không có ý thức, sử dụng xong tiện đâu vứt đó. Tôi đi quét rác cứ một lúc lại phải nhặt từng cái khẩu trang vứt lung tung".

Một số người dân thấy chị Lê Thu Hà từ xa đã vội vứt rác trước cửa nhà chứ không mang ra đổ trực tiếp khi có kẻng như trước. Vì vậy, công việc của chị khá vất vả khi phải đi tới tận nơi, đến trước cửa từng nhà để thu gom rác.

Dịch bệnh khiến cuộc sống gia đình chị Lê Thu Hà gặp không ít khó khăn, gia đình 6 người chỉ biết trông cậy vào đồng lương ít ỏi. Chị cũng lo lắng nếu bản thân mắc bệnh hay kiệt sức thì cha già và các con không biết sẽ sống thế nào?

Không ai muốn nhiễm bệnh

Trao đổi với PV, TS. Trần Thu Trang - Phó trưởng Phòng phân tích kỹ thuật môi trường (Viện Hàn lâm khoa học Hà Nội) - nhận định trong tình hình dịch bệnh bùng phát và giãn cách, công việc của nhân viên thu gom, xử lý rác thải dễ gặp nhiều nguy cơ lây nhiễm.

Theo TS. Trần Thu Trang, các công ty môi trường đô thị cần thường xuyên tập huấn kiến thức cho người thu gom rác về việc phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt đối với rác thải của những người nhiễm bệnh, công nhân vệ sinh cần được hướng dẫn xử lý theo đúng quy trình ngay từ khu vực cách ly.

Làm việc mùa giãn cách, công nhân vệ sinh vượt qua nỗi sợ dịch bệnh - 3

Công việc đem lại cho anh Trần Minh Hiệp mức thu nhập 5,4 triệu đồng/tháng.

"Công tác vận chuyển có liên quan đến nguy cơ lây nhiễm đối với nhân viên môi trường. Vì vậy, cán bộ và nhân viên môi trường làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển cần được trang bị các biện pháp an toàn chống dịch một cách hết sức nghiêm túc" TS. Trần Thu Trang chia sẻ.

Theo chị Lê Minh Thị, Tổ trưởng tổ môi trường phường Trúc Bạch, chi nhánh Ba Đình (URENCO 1), từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Hà Nội, đơn vị rất chú trọng đến công tác bảo hộ, đặc biệt là khẩu trang, găng tay và thường xuyên sát khuẩn trong khi làm việc.

"Không ai muốn bị nhiễm bệnh. Vì vậy khi biết thông tin được công ty mua bảo hiểm Covid-19, chúng tôi thấy phấn chấn và yên tâm hơn khi làm việc, nhất là tại các khu vực đang cách ly trên địa bàn" - chị Lê Minh Thị chia sẻ.

Tuy nhiên, theo chị Lê Minh Thị, mỗi người dân khi sử dụng xong khẩu trang cần hãy bỏ đúng nơi quy định. Đây chính là cách thể hiện ý thức môi trường cũng như bảo vệ an toàn cho cộng đồng.