1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Làm việc chăm chỉ vẫn mãi là nhân viên vì không biết 5 chữ "đừng" nơi công sở

Có người từng nói với tôi rằng, cách tốt nhất để biến bạn bè của bạn thành kẻ thù là đưa họ những lời khuyên mà họ không muốn nghe. Không phải ai cũng sẵn sàng đón nhận lời khuyên của bạn...

Làm việc chăm chỉ vẫn mãi là nhân viên vì không biết 5 chữ đừng nơi công sở - 1

Nhiều người đùa rằng, "mỗi ngày đi làm là một cuộc chiến". Câu nói này không mang ác ý gì mà có lẽ xuất phát từ những áp lực ta gặp phải ở văn phòng. Đôi khi điều khiến ta đau đầu không phải là đống hồ sơ chất như núi kia hay khuôn mặt "căng như dây đàn" của vị sếp khó tính mà chính là từ những mối quan hệ nơi công sở.

Dù là người mới ra trường hay "ma cũ" đã đi làm nhiều năm, bạn hoàn toàn có thể vướng phải những mâu thuẫn. Đôi khi, thậm chí bạn còn không biết mình đã làm gì và phải làm gì để ứng xử khéo léo nơi công sở. 

Có được thiện cảm từ cấp trên, giữ được mối quan hệ tốt với đồng nghiệp sẽ giúp con đường đến với thành công của bạn thêm nhiều phần thuận lợi. 

Đừng đưa ra lời khuyên cho người khác, đó trừ khi là điều họ muốn

Đồng nghiệp là những người bạn dành rất nhiều thời gian để gặp gỡ, tiếp xúc. Chị gái bàn bên hay cô em đồng nghiệp mới có mảnh tình vắt vai có thể tìm đến bạn vào phút nghỉ trưa để tâm sự chuyện gia đình, chuyện một người sếp "hắc ám" trong công ty hay đơn giản chỉ là những chuyện tầm phào nơi quán nước. 

Xã hội luôn nhấn mạnh về việc giúp đỡ mọi người là điều nên làm song đừng đưa ra lời khuyên khi bản thân người đó không muốn nghe. Sự thật là không phải ai tìm đến bạn để tâm sự cũng là lúc họ cần một lời khuyên. Có thể đơn giản chỉ là họ cần một người lắng nghe, một người để chia sẻ. 

Có người từng nói với tôi rằng, cách tốt nhất để biến bạn bè của bạn thành kẻ thù là đưa họ những lời khuyên mà họ không muốn nghe. 

Không phải ai cũng sẵn sàng đón nhận lời khuyên của bạn và có thể lời khuyên đó hoàn toàn dựa trên quan điểm cá nhân của bạn, không phù hợp với người đó. Đôi khi, im lặng và lắng nghe chính là một sự giúp đỡ. 

Đừng đeo tai nghe khi nói chuyện và đừng nói chuyện với người đeo tai nghe 

Việc đeo tai nghe khi người khác nói chuyện với bạn, dù có thể bạn đã tắt nhạc hay vặn nhỏ tiếng thì cũng là điều hết sức phản cảm. Thậm chí ở nhiều công ty, việc đeo tai nghe trong giờ làm việc còn bị cấm để tránh việc một nhân viên người ở công ty nhưng tâm hồn lơ đãng trên tầng mây nào đó, sếp gọi mà không hề hay biết. 

Một điều nhỏ nữa nhưng ai cũng cần nhớ chính là không nói chuyện với người đeo tai nghe. Tôi có cô bạn đồng nghiệp luôn xuất hiện với chiếc tai nghe, từ sáng bắt đầu giờ làm việc cho tới khi tan sở. Tôi từng thắt mắc không hiểu bạn thích nghe nhạc đến vậy sao, cho đến ngày nghe bạn bộc bạch: "Tôi có nghe gì đâu. Đeo tai nghe cho tập trung, để người khác đỡ làm phiền í mà". 

Đừng tìm lý do biện minh cho thất bại, hãy tìm phương pháp để thành công

Làm việc chăm chỉ vẫn mãi là nhân viên vì không biết 5 chữ đừng nơi công sở - 2

Cô em gái mới chập chững bước vào "chiến trường" của tôi đã la oai oái khi cho rằng mình thật oan ức vì không thể hoàn thành việc sếp giao.

"Rõ ràng là tại chị X, anh Z nên mọi chuyện mới vậy. Em vẫn làm như thế mà lần này họ gây khó... Nếu cho em được làm việc như cái A, đứa B, em còn làm tốt hơn nó...".

Nên nhớ, với cấp trên mà nói, thái độ của nhân viên là điều còn quan trọng hơn trình độ. Trong cuộc sống, không có ai là người chưa từng gặp thất bại. Không chỉ những người "nhàng nhàng" mà những nhân vật kiệt xuất luôn được xuất hiện một cách trang trọng trên TV đều từng trải qua nhiều khó khăn, thất bại. Điều quan trọng là họ biết mình phải rút ra bài học gì từ đó để không mắc sai lầm một lần nữa. 

Khi bạn thật sự muốn làm điều gì đó, bạn sẽ tìm mọi cách để hoàn thành, còn khi tâm đã không muốn, luôn có cả nghìn lý do cho những thất bại. Không ai thích bỏ tiền ra để nhận về những người nhân viên chỉ biết đổ tại khi mắc phải sai lầm. 

Điều chúng ta cần là nhìn vào khó khăn để tìm ra cơ hội, khiến bản thân trưởng thành hơn qua mỗi ngày. Bước qua những thất bại, điều chúng ta có được chính là ngày càng mạnh mẽ hơn. 

Đừng bắt bản thân phải được tất cả mọi người yêu mến 

Bạn muốn thân thiết với mọi người, được tất cả yêu mến? Điều đó là tốt song đừng quá cứng nhắc khi phải cố tốt với mọi người để chiếm được cảm tình của tất cả. Một người sếp cũ từng khiến lũ nhân viên chúng tôi ngày ấy nhớ mãi chẳng thể nào quên:

"Chúng ta đâu phải là tiền mà muốn mọi người đều phải yêu mến".

Hãy giữ mối quan hệ tốt nơi công sở và đừng đặt nặng vấn đề phải biến những người đồng nghiệp thành những người bạn thân thiết. Môi trường công sở, đặc biệt những nơi các cá nhân liên quan nhiều đến nhau trong chuyện lợi ích, các mối quan hệ càng cần cẩn trọng. 

Đừng dễ dàng từ bỏ tập thể

Làm việc chăm chỉ vẫn mãi là nhân viên vì không biết 5 chữ đừng nơi công sở - 3

Chắc hẳn bạn biết câu nói: "Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau". Để xây dựng một doanh nghiệp vững mạnh, rất cần một tập thể tốt. Bạn sẽ khó lòng phát triển nếu chỉ biết sống ích kỷ. Biết tận dụng sức mạnh của tập thể chính là bí quyết của những người thành công. Tinh thần hợp tác và kỹ năng làm việc nhóm chính là yếu tố không thể thiếu đối với một nhân viên có tương lai.

Ai cũng có điểm tốt và điểm chưa tốt, đừng chê bai hay chối bỏ tập thể. Điều quan trọng là bạn học được gì từ những điểm tốt đó và biết điểm chưa tốt để rút kinh nghiệm. Để hòa hợp được với tất cả đồng nghiệp là điều không dễ dàng song không quá khó để trở thành bạn với tất cả. Điều bạn nên làm là biết gạt sang một bên những vấn đề hay cảm xúc cá nhân, tôn trọng sự khác biệt và hướng đến mục tiêu chung. Người làm việc chuyên nghiệp biết mục tiêu chính xác của mình là gì. 

Theo Giáo dục thời đại