Đắk Lắk:

Làm không lương nhiều tháng liền, công nhân dừng việc, trầy trật đòi nợ

Thúy Diễm

(Dân trí) - Không được các nhà thầu phụ trả tiền lương, chỉ toàn "hứa suông", hàng chục người lao động tại Đắk Lắk giăng băng rôn trước cổng dự án để đòi nợ hơn 6 tỷ đồng.

Công nhân giăng băng rôn đòi nợ

Ngày 1/8, ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã có văn bản gửi UBND TP Buôn Ma Thuột đề nghị phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan xác minh việc người lao động tập trung đông người tại dự án Khu đô thị Eco City Premia Buôn Ma Thuột để đòi nợ tiền công hơn 6 tỷ đồng.

Làm không lương nhiều tháng liền, công nhân dừng việc, trầy trật đòi nợ - 1

Công nhân giăng băng rôn đòi nợ trước cổng dự án (Ảnh: Uy Nguyễn).

Theo ông Thuân, bước đầu xác định, bên nợ tiền là các nhà thầu phụ của dự án, đơn vị đã thuê các tổ công nhân làm việc.

"Việc tập trung đông người, giăng băng rôn đòi nợ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Có một số công nhân làm việc cho nhà thầu nhưng không ký hợp đồng lao động khiến cơ quan chức năng gặp khó trong việc xem xét, xử lý.

Do đó, Sở khuyến cáo người lao động khi làm việc cho đơn vị, công ty cần có giao kết hợp đồng để được đảm bảo quyền lợi chính đáng", Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk nhấn mạnh.

Trầy trật đòi nợ từ trước Tết Nguyên đán đến nay, chị Trương Thị Mỹ Hằng cho biết, năm 2022 chị vào làm ở tổ công nhân dọn vệ sinh trong dự án Khu đô thị Eco City Premia Buôn Ma Thuột cho Công ty Cổ phần Đầu tư ACG Việt Nam và Công ty TNHH xây dựng Đăng Long.

Làm không lương nhiều tháng liền, công nhân dừng việc, trầy trật đòi nợ - 2

Các nhà thầu phụ nợ công nhân khoản lương hơn 6 tỷ đồng (Ảnh: Uy Nguyễn).

Đến tháng 11/2022, chị Hằng không thấy các công ty thanh toán định kỳ. Khi chị và các công nhân khác lên tiếng, gây áp lực thì phía đơn vị sử dụng lao động có thanh toán một ít trước Tết. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các công ty tiếp tục không trả lương, đến nay đã nợ tổ của chị Hằng trên 200 triệu đồng.

"Từ tháng 6 đến nay, tôi không làm việc cho các công ty này nữa vì doanh nghiệp chỉ hứa suông, rất bức xúc. Do đó, chúng tôi cũng đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc hỗ trợ người lao động đòi lại tiền", chị Hằng lên tiếng.

Anh Nguyễn Quang Thứ (tổ xây trát) cho biết, tổ thợ xây cũng đang bị các nhà thầu nợ trên 300 triệu đồng tiền công. Anh Thứ cho rằng, do nhiều lần ý kiến không được trả tiền công, bất đắc dĩ người lao động mới giăng băng rôn để đòi nợ.

"Mấy tháng nay, tôi phải "thắt lưng buộc bụng", dè sẻn chi tiêu khi không lấy được tiền công. Đa phần anh em lao động chúng tôi đều rất khó khăn, cả gia đình trông chờ cả vào đồng lương, vậy mà họ không chịu trả", anh Thứ bức xúc.

Nợ lao động hơn 6 tỷ đồng, nhà thầu phụ hứa sớm thanh toán

Sau sự việc người lao động giăng băng rôn đòi nợ, UBND phường Tân An (TP Buôn Ma Thuột) đã xác minh vụ việc.

Cụ thể, cơ quan chức năng xác định, trong các ngày 17, 25 và 26/7, có tình trạng người lao động thuộc Công ty Cổ phần xây dựng và sản xuất Thăng Long; Công ty Cổ phần Đầu tư ACG Việt Nam và Công ty TNHH xây dựng Đăng Long căng băng rôn trước cổng của dự án Khu đô thị Eco City Premia Buôn Ma Thuột để đòi trả tiền công. Sự việc gây mất an ninh, trật tự tại khu vực này.

Làm không lương nhiều tháng liền, công nhân dừng việc, trầy trật đòi nợ - 3

Chính quyền đã yêu cầu các nhà thầu phụ sớm thanh toán cho công nhân như cam kết (Ảnh: Uy Nguyễn).

Theo UBND phường Tân An, phía tổng thầu không còn công nợ đối với các nhà thầu phụ. Tuy nhiên, các nhà thầu phụ nợ tiền của công nhân. Cụ thể, Công ty Cổ phần xây dựng và sản xuất Thăng Long nợ 2,9 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư ACG Việt Nam nợ 1,8 tỷ đồng và Công ty TNHH xây dựng Đăng Long nợ 2,3 tỷ đồng.

Ông Vũ Bá Sang, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển đô thị Đắk Lắk (đại diện chủ đầu tư dự án) cho biết, đơn vị đã thanh toán tiền đầy đủ cho tổng thầu dự án đầy đủ theo tiến độ trong hợp đồng và tổng thầu cũng thanh toán cho nhà thầu phụ. Tuy nhiên, 3 thầu phụ lại nợ tiền người lao động dẫn đến việc công nhân bức xúc đòi nợ.

Ông Sang thông tin, mới đây, chủ dự án đã mời nhà thầu đến làm việc và yêu cầu phải có biện pháp trả tiền, đảm bảo quyền lợi cho công nhân. Tại đây, nhà thầu cam kết sẽ sớm thanh toán tiền cho các tổ lao động.

"Ban đầu, tổng thầu dự án dự kiến trả tiền cho thầu phụ theo khối lượng công việc nhưng sau sự việc, đơn vị thông báo sẽ trả lương trực tiếp cho công nhân mà không qua thầu phụ nữa. Quá trình chi trả sẽ có mặt cả 3 bên để đảm bảo pháp lý", ông Sang nêu giải pháp.

Đồng thời, ông Sang cho rằng đơn vị sẽ đề nghị cơ quan công an vào cuộc để đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực dự án nếu còn tình trạng nêu trên tái diễn.