1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Làm giàu từ nghề bánh tráng truyền thống ở Sài Gòn

Xuân Hinh Nam Thái

(Dân trí) - Là thế hệ thứ 3 của gia đình theo nghề làm bánh tráng truyền thống, chị Châu luôn mong muốn thế hệ trẻ tiếp tục theo nghề này. Với chị Châu, nghề làm bánh tráng đã giúp gia đình chị ổn định cuộc sống.

Làm giàu bằng nghề bánh tráng truyền thống ở Sài Gòn.
Làm giàu từ nghề bánh tráng truyền thống ở Sài Gòn - 1
Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, TPHCM) được xem là một trong những làng nghề nông thôn lâu đời tại TP.

Gần 20 năm gắn bó với nghề

Một ngày đầu tháng 11, chúng tôi có dịp trở về Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TPHCM. Nơi đây được biết đến là làng nghề bánh tráng lâu đời và có quy mô lớn nhất khu vực Nam Bộ.

Làm giàu từ nghề bánh tráng truyền thống ở Sài Gòn - 2
Gần 20 năm gắn bó với nghề truyền thống của gia đình, cuộc sống của chị Hồ Quế Châu ổn định trang trải cuộc sống.

Lớn lên trong một gia đình có nghề truyền thống tráng bánh tráng, chị Hồ Quế Châu (39 tuổi, ngụ TPHCM) từ nhỏ đã nhìn thấy bà của mình tráng bánh nên đã học và tiếp nhận nghề. Chị là thế hệ thứ 3 của gia đình theo nghề tráng bánh tráng thủ công này.

Làm giàu từ nghề bánh tráng truyền thống ở Sài Gòn - 3
Từ khi còn nhỏ, chị đã được bà của mình chỉ cho cách làm bánh tráng, nên khi lớn chị Châu quyết tâm giữ gìn nghề truyền thống của gia đình.

“Mỗi ngày mình thường thức dậy lúc 3h sáng để đốt lò, làm bột rồi ngồi tráng bánh đến 13h chiều thì nghỉ ngơi. Một ngày như vậy, mình tráng được 1.000 - 1.200 cái bánh. Tuy nhiên, nếu thời tiết xấu, không có đủ nắng thì mình chỉ tráng từ 800 - 1.000 cái thôi. Chỉ khi vào mùa tết, nhu cầu nhiều thì mình tăng sản lượng lên tầm 1.500 cái bánh”, chị Châu chia sẻ.

Làm giàu từ nghề bánh tráng truyền thống ở Sài Gòn - 4
Từ lúc 3h sáng chị Châu đã dậy đốt lò và xử lý bột để chuẩn bị tráng bánh.

Theo chị Châu, nghề này không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp chỉ cần chịu khó làm nhiều rồi quen tay từ đó sẽ tráng ra những chiếc bánh tráng tròn đều, đẹp, để khi đem phơi thì bánh không bị bể.

Làm giàu từ nghề bánh tráng truyền thống ở Sài Gòn - 5
Hiện nay, do còn ít người làm bánh tráng thủ công nên việc tìm mua các dụng cụ để tráng bánh gặp rất nhiều khó khăn, đã có lần chị Châu phải đi 5 quận để tìm mua dụng cụ tráng.

Hiện tại, giá bánh tráng thủ công mà chị bán đang bán ra thị trường là 60 ngàn đồng cho 100 cái. Dựa theo mức giá trên, chúng tôi ước tính một ngày chị Châu có thể kiếm gần 700 ngàn đồng/ngày từ việc tráng bánh. Điều này giúp chị có một cuộc sống ổn định.

Làm giàu từ nghề bánh tráng truyền thống ở Sài Gòn - 6
Công việc tráng bánh chỉ có một yêu cầu duy nhất đó là chịu khó làm liên tục để cho quen tay để khi tráng bánh sẽ đều và đẹp khi đi phơi không bị bể.

Ngoài mặt hàng bánh tráng giò, để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của thị trường, chị Châu đã làm thêm các sản phẩm như: bánh tráng nướng trứng, bánh tráng gừng, bánh tráng ớt, bánh tráng tôm,…

Việc đa dạng hóa sản phẩm giúp cơ sở của chị Châu đáp ứng được nhiều nhu cầu của khách hàng, dễ dàng trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Làm giàu từ nghề bánh tráng truyền thống ở Sài Gòn - 7
Một ngày, chị Châu tráng từ 1.000-1.200 cái, nếu thời tiết xấu thì sẽ giảm xuống còn 800-1.000. Còn dịp tết thì khoảng 1.500 cái.

Thêm “làn gió mới” cho nghề truyền thống

Những năm gần đây, do sự phát triển của xã hội, nhiều người không còn làm bánh tráng kiểu thủ công nữa, thay vào đó họ nhập máy móc về và sản xuất bánh tráng theo kiểu công nghiệp.

“Ở làng này, đa số bây giờ họ làm bánh tráng công nghiệp. Còn nguyên xã Phú Hòa Đông này giờ chỉ còn khoảng 40 hộ là còn theo nghề tráng bánh thủ công hoặc là làm công nhân trong các khu công nghiệp lớn”, chị Châu tâm sự.

Theo chị, điểm mạnh của bánh tráng công nghiệp đó chính là vừa có cả chất lượng lẫn hình thức. Từ màu sắc, hương vị không kém bánh tráng thủ công, đồng thời số lượng sản xuất nhiều và hình thức rất đều và đẹp.

Làm giàu từ nghề bánh tráng truyền thống ở Sài Gòn - 8
Giá chị Châu bán ra thị trường là 60 ngàn đồng/100 cái bánh.

“Công nghiệp có lợi thế hơn thủ công là bánh tráng nó đều hơn và số lượng bánh tráng thành phẩm thì nó nhiều và đồng loạt. Còn bánh tráng thủ công mình thì ít, nhỏ lẻ chỉ đủ đáp ứng nhu cầu của địa phương, chợ hoặc cho những khách thích hương vị xưa, thích hương vị bánh tráng gạo được nướng bằng tay”, chị Châu cho biết.  

Làm giàu từ nghề bánh tráng truyền thống ở Sài Gòn - 9
Nhờ có sự kết hợp giữa du lịch tham quan với bánh tráng giúp cơ sở của chị được nhiều người biết đến.

Để thêm một làn gió mới, chị Châu sử dụng các kiến thức được học tại đại học, kết hợp thêm du lịch để cho du khách tham quan, ăn thử bánh tráng. Điều này giúp cơ sở của chị được nhiều khách biết tới, đặc biệt là khách nước ngoài.

Ngoài ra, chị còn làm một gian hàng trưng bày các sản phẩm, trưng bày những hiện vật về các công cụ xay bột của nghề bánh tráng. Đồng thời có thể cho du khách trải nghiệm những công đoạn làm bột truyền thống, giúp du khách có cái nhìn thực tế nhất về nghề thủ công này.

Làm giàu từ nghề bánh tráng truyền thống ở Sài Gòn - 10

Chị Châu mong muốn trong tương lai, chị sẽ tìm được lớp trẻ để truyền nghề lại.

Để giữ gìn nghề truyền thống của gia đình, chị Châu luôn sẵn sàng dạy miễn phí với những ai muốn học một cái nghề để có thể kiếm được thu nhập.

Chi Châu mong muốn: “Thế hệ trẻ như những đứa con của mình thì mình lúc nào cũng muốn khuyến khích các con học, tham gia vào sản xuất bánh tráng truyền thống, kiếm thêm thu nhập, có thêm một nghề tay trái".

Làm giàu từ nghề bánh tráng truyền thống ở Sài Gòn - 11

Mong muốn trong tương lai của chi Châu là có thể tìm được lớp trẻ có mong muốn học nghề này để duy trì nghề thủ công này. Đồng thời kết hợp du lịch tham quan để làng bánh tráng Phú Hòa Đông có thể phát triển và trở thành một biểu tượng cho vùng đất Củ Chi anh hùng này.