Đi tìm truyền nhân làng nghề đóng tàu ngược sóng
Làng nghề đóng tàu Cống Mương nổi tiếng bởi kinh nghiệm đóng những con tàu ngược sóng, gió.
Gần 600 năm tuổi, làng nghề đóng tàu Cống Mương (phường Phong Hải, TX Quảng Yên, Quảng Ninh) nổi tiếng bởi kinh nghiệm đóng những con tàu ngược sóng, gió.
Khi những con tàu gỗ không còn thông dụng, những nghệ nhân Cống Mương chuyển sang đóng những con tàu vỏ sắt, sản xuất những mô hình tàu vỏ gỗ bán lưu niệm, phát triển làng nghề thành điểm du lịch hấp dẫn...
Trong cái khó, ló cái khôn
Chiều muộn, làng nghề Cống Mương ven bờ sông Chanh vẫn rộn ràng tiếng khoan, tiếng búa. Hơn chục lán đóng tàu, thuyền với gần 100 thợ đang sửa chữa và đóng mới hàng chục con tàu, thuyền.
Chỉ tay vào căn nhà lớn chứa đầy những mô hình tàu, thuyền cả truyền thống và hiện đại, nghệ nhân ưu tú Lê Đức Chắn - truyền nhân đời thứ 17 của làng nghề cho hay, nghề đóng tàu có ở nhiều vùng trên cả nước, nhưng nghề đóng tàu Cống Mương có những nét riêng. Đó là bí quyết đóng thuyền buồm ba vát cánh dơi có thể đi ngược gió, ngược sóng.
“Những con thuyền buồm ba vát Cống Mương đã từng tham gia nhiều trận đánh để mở mang và giữ yên bờ cõi Việt. Sử làng chép lại rằng, trong trận chiến Bạch Đằng, nhờ con thuyền ngược sóng, ngược gió của Cống Mương mà quân Nguyên Mông dù rất mạnh vẫn bị dụ vào thế trận cọc, loay hoay không ra được.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tàu, thuyền Cống Mương lại là phương tiện vận tải chở lương thực thực phẩm, vũ khí, cán bộ... chi viện cho các chiến trường trong Nam, ngoài Bắc, góp phần làm nên đại thắng. Đã có nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, vận dụng kinh nghiệm, kỹ thuật đóng tàu ở đây”, ông Chắn tự hào kể.
Sự phát triển mạnh mẽ nhất của làng nghề là từ năm 1988 đến khoảng năm 2012. Thời điểm đó, các xưởng đóng tàu làm không xuể đơn đặt hàng từ khắp các tỉnh dồn về.
Nhưng rồi, Nhà nước hạn chế khai thác ngư trường ven bờ, ngư dân ít đóng thuyền nhỏ nên đơn đặt hàng thưa dần. Điều đó buộc các nghệ nhân Cống Mương phải tìm hướng đi khác.
“Chúng tôi cũng chuyển từ kỹ thuật đóng tàu, thuyền gỗ sang kỹ thuật đóng tàu, thuyền sắt... Với kỹ năng nghề truyền thống bao đời, chúng tôi tự cập nhật kiến thức để có thể thiết kế, đóng mới, lắp đặt nội thất, máy tàu... Chất lượng tàu tốt, có tính khả dụng cao nên lại tìm được khách hàng”, ông Chắn cho hay.
Ông Lê Đức Sơn, chủ một xưởng đóng tàu vỏ sắt ở Cống Mương cho biết, gia đình ông có 8 anh, chị em thì 7 người theo nghiệp của tiên tổ.
Có năm, xưởng của ông đóng gần 20 chiếc tàu đánh cá từ 90 - 1.000CV cho khách hàng trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm cho gần 40 lao động với mức lương trên dưới 10 triệu đồng/người/tháng.
“Vài năm gần đây, nhu cầu thị trường dịch chuyển, xưởng của tôi sản xuất thêm các sản phẩm lưu niệm là mô hình thuyền nan, thuyền gỗ; đồng thời nghiên cứu sản xuất cả những con tàu gỗ gắn máy thủy, thuyền câu composite, lồng bè nuôi, trồng thủy sản, kinh doanh… Cuộc sống của các gia đình làm nghề cứ thế mà khá lên…”, ông Sơn nói.
Mong giữ lại nghề đóng tàu huyền thoại
Theo ông Lê Đức Chắn, những con tàu của thợ làng Cống Mương đóng cẩn trọng, chắc chắn bởi họ luôn tâm niệm con thuyền quyết định sinh mạng của con người.
Đối với mỗi bậc cao niên trong làng, truyền dạy nghề không chỉ là dạy kỹ thuật đóng tàu, bí quyết làm nghề... mà còn dạy cả nhân cách làm người. Đây chính là điểm cốt lõi tạo dựng thương hiệu của tàu, thuyền Cống Mương bao đời nay.
Gần trọn cuộc đời theo nghề đóng tàu, nghệ nhân Lê Đức Chắn bộc bạch: “Đến nay, thuyền buồm nói chung, thuyền buồm ba vát cánh dơi nói riêng đã gần như hết sứ mệnh lịch sử của nó. Làng nghề đã linh hoạt, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh để thích ứng với nhu cầu thị trường. Nhưng chúng tôi vẫn mong muốn các cơ quan chức năng có biện pháp để bảo tồn nghề đóng thuyền buồm, thuyền ba vát, bởi chỉ một thời gian nữa, nếu không được truyền dạy và bảo tồn, kỹ thuật đóng loại phương tiện huyền thoại này sẽ bị lãng quên…”.
Ông Lê Đức Điền, một chủ xưởng đóng tàu ở Cống Mương cho biết thêm, khó khăn của các hộ đóng tàu hiện nay chính là thiếu vốn sản xuất, kỹ thuật đã bắt đầu lạc hậu so với các cơ sở sản xuất khác.
Nguyên nhân bởi không ít xưởng nằm ở triền đê, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thể thế chấp xưởng để vay vốn ngân hàng duy trì sản xuất.
Trong khi đó, tuy được công nhận là làng nghề truyền thống song đến nay, các cơ sở sản xuất gần như chưa được hưởng chính sách ưu đãi gì, nhất là về quy hoạch mặt bằng sản xuất… Vấn đề vệ sinh môi trường cũng khó khăn, vì thế không hấp dẫn được du khách…
Đến tháng 11/2014, Cống Mương đã được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận là làng nghề truyền thống. Sau khi được công nhận, TX Quảng Yên đã hỗ trợ một khoản kinh phí cho làng nghề, đồng thời tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm của làng nghề trong các chương trình xúc tiến thương mại… Nhờ đó, Cống Mương đã và đang trở thành địa chỉ sửa chữa, đóng mới tàu, thuyền uy tín và địa điểm du lịch làng nghề hấp dẫn thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan mỗi năm, góp phần giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động ở địa phương.
Ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND TX Quảng Yên cho biết, hiện nay, thị xã đang rà soát, có cơ chế để hỗ trợ làng nghề phát triển theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Đặc biệt, thị xã đã đưa Cống Mương trở thành một trong những tour du lịch trải nghiệm, tạo nguồn lực duy trì và phát triển làng nghề.