1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Làm bù vào Chủ nhật và ngày lễ, tính lương thế nào?

Công ty của bà Trần Thị Mừng (Hưng Yên) xếp lịch làm việc năm 2020 có 2 ngày làm bù là ngày 1/2/2020-thứ Bảy được nghỉ, làm bù vào ngày 2/2/2020-Chủ nhật và ngày 2/4/2020 (Giỗ tổ Hùng Vương) đi làm, nghỉ bù vào ngày 27/4.

Bà Mừng hỏi, công ty bố trí làm bù ngày Chủ nhật và ngày lễ thì tính hưởng lương thế nào?

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Tại Điều 110 Bộ luật Lao động quy định, mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc một ngày cố định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.

Trường hợp bà hỏi, công ty đã bố trí lao động nghỉ ngày 1/2/2020 (thứ Bảy ngày làm việc trong tuần) và làm bù vào ngày 2/2/2020 (Chủ nhật, ngày nghỉ hằng tuần của công ty) thì công ty phải trả lương làm thêm giờ theo quy định Điều 97 Bộ luật Lao động cho thời gian làm thêm vào ngày Chủ nhật, không phải trả lương nghỉ bù ngày Chủ nhật này (vì ngày nghỉ hằng tuần là ngày nghỉ không hưởng lương).

Theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động, ngày Giỗ tổ Hùng Vương là ngày nghỉ lễ được hưởng nguyên lương.

Tại Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định tiền lương làm thêm giờ được tính như sau: Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Công ty đã bố trí người lao động nghỉ bù vào ngày 27/4/2020 (ngày làm việc hằng tuần) thì phải trả phần tiền chênh lệch so với tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm của ngày làm việc bình thường.

Theo Chinhphu.vn