Quảng Nam:

Lại hàng trăm nhân viên y tế cầu cứu vì bị chậm lương nhiều tháng

Công Bính

(Dân trí) - Từ tháng 7 đến tháng 9, Bệnh viện Y học Cổ truyền Quảng Nam chưa trả lương cho trên 130 cán bộ, nhân viên đang làm việc tại đây, khiến cuộc sống của người lao động gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều viên chức, nhân viên Bệnh viện Y học Cổ truyền Quảng Nam phản ánh, từ tháng 7 đến tháng 9 chỉ nhận được phần chênh lệch chi từ quỹ cải cách tiền lương (sau thời điểm tăng lương cơ sở từ 1/7 vừa qua) và tiền trực ngoài giờ.

Đến nay, bệnh viện chưa chi trả phần lương theo hệ số cơ bản cho cán bộ, nhân viên. Chi tiêu hàng tháng của người lao động phụ thuộc vào tiền lương, nhưng bệnh viện đã nợ lương 3 tháng khiến cuộc sống của nhiều người gặp khó khăn.

Lại hàng trăm nhân viên y tế cầu cứu vì bị chậm lương nhiều tháng - 1

Bệnh viện Y học Cổ truyền Quảng Nam (Ảnh: Công Bính).

Trước sự việc trên, cán bộ, nhân viên của bệnh viện đã làm đơn gửi công đoàn bệnh viện kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết. Nhiều cán bộ, nhân viên mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra để đưa ra hướng xử lý, giúp cán bộ, nhân viên của bệnh viện được chi trả tiền lương đầy đủ.

Ông Phạm Ngọc Tuấn - Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Y học Cổ truyền Quảng Nam - cho biết bệnh viện có 122 viên chức thuộc biên chế và 14 nhân viên y tế hợp đồng. Từ tháng 7 đến tháng 9, bệnh viện không trả đủ lương và chưa đóng các khoản bảo hiểm cho người lao động.

Không được nhận lương, cuộc sống của viên chức, nhân viên đang làm việc tại bệnh viện gặp khó khăn. Công đoàn đã nhiều lần kiến nghị lãnh đạo bệnh viện trả lương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Lại hàng trăm nhân viên y tế cầu cứu vì bị chậm lương nhiều tháng - 2

Nhiều phòng làm việc của Bệnh viện Y học Cổ truyền Quảng Nam không có bệnh nhân (Ảnh: Bình An).

Công đoàn bệnh viện cũng đã báo cáo và đề nghị công đoàn ngành y tế Quảng Nam có giải pháp can thiệp với các cấp lãnh đạo, giúp cho bệnh viện tháo gỡ khó khăn về tài chính; đồng thời công đoàn ngành xem xét hỗ trợ khó khăn cho đoàn viên công đoàn cơ sở bệnh viện, để động viên tinh thần và giúp cho đoàn viên ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, phục vụ người bệnh được tốt hơn.

Gần đây, ngày 6/10, bệnh viện đã có báo cáo trả lời kiến nghị về việc nợ lương của cán bộ, người lao động tại bệnh viện.

Báo cáo do ông Ngô Ngọc Toàn, Giám đốc bệnh viện, ký cho biết, nguyên nhân dẫn đến nợ lương người lao động là do nguồn thu khám chữa bệnh từ đầu năm đến nay của bệnh viện chỉ đạt 49,5%. Việc thiếu thuốc, vật tư y tế, hóa chất... khiến số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Do đó, nguồn thu của bệnh viện không đảm bảo.

Theo giải trình của lãnh đạo bệnh viện, trong 6 tháng đầu năm, cơ sở đã sử dụng nguồn kinh phí cấp bù năm 2022 chuyển sang 2023 hơn 4,8 tỷ đồng và kinh phí cấp tạm ứng khám chữa bệnh BHYT quý I và quý II của BHXH Quảng Nam để chi lương và chi đảm bảo hoạt động thường xuyên. Từ tháng 7, bệnh viện không còn đủ nguồn kinh phí tiếp tục chi lương.

Giám đốc Bệnh viện đã đề nghị Sở Y tế tạm ứng kinh phí hỗ trợ chi hoạt động thường xuyên năm 2023 của UBND tỉnh; mượn nguồn cải cách tiền lương để chi lương và chi hoạt động thường xuyên; xin bổ sung nguồn kinh phí; đồng thời đề nghị Sở Y tế đẩy nhanh việc đấu thầu tập trung toàn tỉnh để sớm đưa thuốc, vật tư y tế, hóa chất vào sử dụng.

Ngày 11/10, ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - ký quyết định cấp kinh phí cho Sở Y tế số tiền hơn 28,4 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp y tế để chi hoạt động thường xuyên cho các cơ sở y tế điều trị tuyến tỉnh. Trong đó, phần kinh phí cấp đợt 1 cho Bệnh viện Y học Cổ truyền là 1,27 tỷ đồng, để chi lương cho nhân sự thuộc biên chế bệnh viện.

Trao đổi về tình trạng y bác sĩ bị chậm lương, ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam - cho biết, Sở đã nhận được thông tin về việc Bệnh viện Y học Cổ truyền Quảng Nam nợ lương của cán bộ, nhân viên và đã trình UBND tỉnh bổ sung kinh phí.

Theo ông Văn, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định bổ sung kinh phí cho Sở Y tế hơn 28 tỷ đồng để chi hoạt động thường xuyên cho các cơ sở y tế điều trị tuyến tỉnh và hoạt động khám chữa bệnh tại Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Sở.