Kỹ sư lập trình bỏ việc nghìn đô về nuôi giun, mỗi tháng thu 4 tỷ đồng
(Dân trí) - Sau 5 năm khởi nghiệp nuôi trùn quế, từ 20 triệu đồng tiền vốn ban đầu, đến nay anh Vinh đã có trang trại rộng hơn 100 ha trị giá trên 40 tỷ đồng.
Rời phố về quê thực hiện đam mê
Khoảng 5 năm trước, anh Nguyễn Công Vinh (38 tuổi, ngụ xã Thân Cửu Nghĩa, Châu Thành, Tiền Giang) đột ngột bỏ công việc kỹ sư phần mềm lương nghìn đô mỗi tháng về quê mở trại nuôi trùn quế (giun đất). Câu chuyện của anh đã khiến làng xóm không khỏi xôn xao.
Hầu như không ai tin anh "quay xe" về làm công việc chân lấm tay bùn là vì đam mê. Người ta đoán già đoán non rằng anh bị đuổi việc hoặc đã phạm lỗi lầm gì đó.
"Từ nhỏ tôi đã mê nông nghiệp hữu cơ, tôi về quê là để thực hiện ước mơ. Nhưng gia đình nghi ngờ, xóm làng dị nghị khiến đôi lúc mình cũng hoài nghi rằng quyết định đó có đúng hay không", anh Vinh nói.
Anh Vinh bắt đầu " khởi nghiệp" nuôi trùn quế với số tiền 20 triệu đồng và diện tích nuôi trùn khoảng chục mét vuông.
Chi phí ban đầu không cao, thức ăn cho trùn chỉ là phân bò, lá cây mục, rau củ thải loại đều là những thứ quanh nhà luôn thừa thãi. Trùn nuôi sau một tháng đã có thể bán, tiền lời anh Vinh lại lấy mở rộng chuồng. Khuất trong vườn dừa, anh Vinh cứ âm thầm làm, mỗi tháng chuồng trùn lại rộng ra một chút.
Học các mô hình nuôi trùn trên mạng, mỗi cách nuôi anh Vinh đều thử qua cho đến khi chọn được cách tốt nhất. "Hầu hết mọi người lót nền chuồng bằng bạt nilon hoặc đổ bê tông, cách này mình cũng thử nhưng không ổn lắm. Sau nhiều lần thử, mình nhận thấy lót chuồng bằng nền cát là ổn nhất, vừa đủ độ ẩm, vừa thoát được nước. Chuồng cát cho sản lượng trùn gấp 4 lần những chuồng kia", anh Vinh chia sẻ.
May mắn với anh, từ khi khởi nghiệp đến nay các vụ nuôi đều thuận lợi. Diện tích chuồng tăng nhanh chóng, khi quy mô lên đến 3 ha thì anh quyết định thành lập công ty để đưa công việc sản xuất vào quy trình. Mở rộng quy mô, anh Vinh trồng thêm vườn cây, đào thêm ao cá. Phân trùn để bón cây, trùn thịt nuôi cá, hiệu quả nhân lên nhanh chóng.
"Thức ăn của trùn là rau quả phế phẩm, phân bò vì thế trang trại của mình đảm nhận được việc dọn vệ sinh đồng ruộng, tiêu thụ lượng lớn phân bò từ hoạt động chăn nuôi của các tỉnh trong vùng.
Nuôi trùn tạo ra phân tự nhiên cho cây trồng, thức ăn tự nhiên cho tôm cá tạo nên vòng tròn thực phẩm an toàn. Trang trại mình hoàn toàn không xả thải, lại tiêu thụ rác, chất thải cho địa phương nên ban đầu mình đặt tên là Trang trại sạch, sau này dùng luôn tên này cho công ty", anh Vinh nói.
Bí quyết biến 20 triệu đồng thành 40 tỷ đồng
Thay vì mua đất hay thuê đất để mở rộng quy mô, anh Vinh chọn cách liên kết với các hộ nuôi. Công ty của anh Vinh cấp vốn, vật tư, con giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm cho bà con, hộ nuôi chỉ cần có mặt bằng và lao động.
Theo anh Vinh, công việc nuôi trùn quế rất dễ, an toàn và hiệu quả. Mỗi tuần, người nuôi chỉ cho trùn ăn một lần nên hộ gia đình nào cũng có thể thực hiện được. Với mỗi 100 m2 chuồng, nông dân cộng tác với anh Vinh sẽ có thu nhập 3 triệu đồng/ tháng, không rủi ro và chi phí thấp.
Nhờ mô hình này, sau 5 năm khởi nghiệp, diện tích nuôi trùn của anh Vinh đã đạt trên 100 ha, trải khắp các tỉnh miền Tây, giá trị doanh nghiệp đạt trên 40 tỷ đồng.
"Phân trùn mình chế biến thành nhiều sản phẩm để tăng giá trị. Với diện tích nuôi hiện tại, mỗi tháng mình xuất bán hơn 1000 tấn phân trùn và 3 tấn trùn thịt. Hiện ở cơ sở chính của mình đang sử dụng hơn 100 lao động với mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng doanh thu của công ty trên 4 tỷ đồng", anh Vinh nói về thành công bước đầu của mô hình khởi nghiệp nuôi trùn quế của bản thân.
Anh Phạm Thanh Chung quê Nghệ An từng là "lính" của anh Vinh ở công ty phần mềm thì nay cũng đã chọn đi theo sếp cũ học nuôi trùn quế. Anh Chung cũng có đam mê nông nghiệp nên muốn đến trang trại học thật tốt kỹ thuật nuôi trùn trước khi tự mở cơ sở riêng.
"Làm nông nghiệp trong lành hơn, không xô bồ và áp lực. Mình nghĩ ai cũng thích môi trường như thế, khi học tốt kỹ thuật nuôi trùn thì mình cũng sẽ về quê mở một trang trại. Ở quê mình chưa ai làm mô hình này cả", anh Chung nói.
Nhận xét về doanh nghiệp của anh Vinh, ông Dương Văn Hoàng - Chủ tịch UBND xã Thân Cửu Nghĩa - cho biết: "Mô hình tuyệt vời! Mấy năm nay, trang trại của anh Vinh đã giải quyết được công ăn việc làm cho hàng chục người trong xã. Những người không có tay nghề, không xin được việc ở đâu bỗng có công việc thu nhập tương đối, đời sống cải thiện.
Từ khi trang trại hoạt động, nhu cầu thức ăn cho giun là rác hữu cơ, cây mục, phân bò nên những thứ này trong xã cũng được thu gom hết, góp phần làm xanh sạch môi trường.
"Địa phương rất khuyến khích, ủng hộ hết sức việc anh Vinh mở rộng quy mô và liên kết các hộ dân khác mở mới trại nuôi giun, góp phần thay đổi bộ mặt quê nhà", ông Dương Văn Hoàng nói.