1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Nam:

Bỏ TPHCM về quê, thu nửa tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi con "một vốn bốn lời"

Ngô Linh

(Dân trí) - Mạnh dạn đầu tư và dày công chăm sóc trang trại trùn quế (giun đỏ), anh Thành (32 tuổi) ở Quảng Nam bỏ túi gần nửa tỷ đồng mỗi năm. Nghề nuôi trùn quế thực sự là "một vốn bốn lời".

Cử nhân về quê lập nghiệp

Sinh ra ở vùng quê trung du nghèo khó, anh Nguyễn Văn Thành (thôn 7B, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) luôn suy nghĩ bản thân phải học thật giỏi để giúp đỡ gia đình. Sau khi tốt nghiệp cử nhân điện một trường cao đẳng ở Đà Nẵng năm 2011, anh khăn gói vào miền Nam tìm cơ hội đổi đời.

Bỏ TPHCM về quê, thu nửa tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi con một vốn bốn lời - 1

Anh Nguyễn Văn Thành (32 tuổi) với mô hình nuôi giun quế mang lại hiệu quả cao.

"Vào TPHCM lập nghiệp, lương mỗi tháng hơn 8 triệu đồng khiến tôi khó xoay xở nơi đất khách khi vừa phải trang trải cuộc sống, vừa gửi tiền về cho gia đình. Đến năm 2016, được sự động viên của gia đình, tôi bỏ phố về quê khởi nghiệp", anh Thành chia sẻ.

Bỏ TPHCM về quê, thu nửa tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi con một vốn bốn lời - 2

Trang trại của anh hiện nay có quy mô 1.500 m² và dự định mở rộng lên 5.000-10.000 m².

Anh Thành kể, năm 2016, anh rời TPHCM quay về quê hương lập nghiệp. Tận dụng mảnh đất vườn nhà hơn 1ha, anh nuôi thỏ và nuôi thử nghiệm 20 kg trùn quế. Thời gian đầu, nuôi thỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao, bình quân mỗi tháng thu nhập 20 - 30 triệu đồng.

Nuôi thỏ đến năm 2019, dịch Covid-19 bùng phát khiến thị trường tiêu thụ thỏ giống, thỏ thịt gặp nhiều khó khăn, anh Thành ôm số nợ lên tới 100 triệu đồng. Để cứu vãn vốn đầu tư, anh bán sạch thỏ nuôi, cộng với vốn tích lũy và vay mượn được tổng cộng 700 triệu đồng, anh chuyển hẳn sang nuôi trùn quế theo mô hình khép kín.

Bỏ TPHCM về quê, thu nửa tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi con một vốn bốn lời - 3

Trùn quế là loại dễ nuôi, sinh sản nhanh, ít bệnh.

Tận dụng phần đất trống trong vườn nhà, anh Thành xây dựng trang trại với quy mô khoảng 1.500 m2. Anh phân thành từng ô rộng 1,5 m, dài khoảng 10 m và sâu khoảng 20 cm để nuôi trùn.

Thu nửa tỷ đồng mỗi năm từ nuôi trùn quế

"Tôi luôn mong muốn trở về quê lập nghiệp, làm giàu trên mảnh đất cha ông. Với tôi, đến bây giờ, rời thành phố về quê là quyết định đúng đắn", anh Thành tâm sự.

Thu gần nửa tỷ đồng mỗi năm

Theo anh Nguyễn Văn Thành, nuôi trùn quế tỷ lệ hao hụt thấp, trùn ít bị bệnh. Để đảm bảo độ ẩm 60 - 70%, anh cài đặt máy đo nhiệt độ cho tiện theo dõi. Độ tối trong trang trại cũng cần phải đủ vì giun không ưa sáng. Cứ 40 ngày từ khi thả nuôi, một đàn trùn quế có thể xuất bán.

Bỏ TPHCM về quê, thu nửa tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi con một vốn bốn lời - 4

Thức ăn chủ yếu của trùn quế là chất thải động vật, các phế phẩm nông nghiệp… góp phần làm sạch môi trường.

Trùn quế là loài sinh sản nhanh, nếu điều kiện sống thích hợp, mỗi năm chúng có thể sinh sản từ 1.000 - 1.500 cá thể. Để trùn phát triển nhanh và sinh trưởng tốt đòi hỏi phải đảm bảo chế độ ăn phù hợp. Cứ 2 ngày cho ăn một lần, thức ăn chủ yếu là phân động vật và các chất thải hữu cơ có thể phân hủy trong môi trường tự nhiên.

"Trùn quế là thức ăn chăn nuôi giàu dinh dưỡng, với hàm lượng đạm cao, giúp giảm chi phí chăn nuôi. Trùn quế còn có thể giúp tiêu hủy, phân giải các chất thải động vật, phế thải nông nghiệp… tạo thành phân bón hữu cơ thiên nhiên giàu dinh dưỡng. Phân trùn được nhiều người gọi là "vàng đen" của các khu vườn, rất được ưa chuộng trong nông nghiệp hữu cơ, là mắt xích quan trọng trong phát triển nền nông nghiệp sạch", anh Thành cho hay.

Bỏ TPHCM về quê, thu nửa tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi con một vốn bốn lời - 5

Ngoài trùn thịt, trùn giống và dịch trùn quế, anh Thành cung cấp các loại phân trùn quế cho các cơ sở sản xuất rau hữu cơ.

Đối với con trùn quế nuôi lấy thịt, anh cung ứng cho các cơ sở nuôi thủy sản, gia cầm hay chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, trùn quế giống bán cho các hộ nuôi. Riêng phân trùn quế rất hữu ích để nhà nông bón cho cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Anh cho hay, trùn quế có thể nuôi quanh năm. Mỗi tháng, trang trại anh đưa ra thị trường 15 - 20 tấn phân trùn. Tùy mỗi loại phân có giá khác nhau. Phân dạng bột giá khoảng 4.000 đồng/kg; dạng viên 20.000 - 25.000/kg; dịch trùn quế có giá 100.000 đồng/lít. Riêng trùn giống, giá khoảng 150.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, trang trại của anh thu về gần 500 triệu đồng/năm từ các sản phẩm trùn quế.

"Mình chỉ tốn công đầu tư ban đầu, các nguyên liệu thức ăn cho trùn thì giá khá rẻ, dễ tìm. Trùn sinh sản nhanh, dễ nuôi, ít bệnh, đầu ra mở rộng, người dân có thể áp dụng để phát triển kinh tế", anh Thành nói.

Để tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ trong tỉnh, anh thuê 3 nhân công vừa sản xuất vừa tiếp thị. Năm 2020, dự án "Sản phẩm hữu cơ - giá thể đất trồng nông nghiệp sạch" của anh Thành được UBND tỉnh công nhận là ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh.

Tiếp nối thành công, anh Thành ấp ủ mở rộng trang trại nuôi trùn quế lên quy mô 5.000 - 10.000 m2, liên kết với hội Liên hiệp thanh niên, nông dân của xã thành lập tổ hợp tác cung cấp và bao tiêu trùn quế, sản phẩm sản xuất từ phân trùn. Anh cũng đang xúc tiến thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đất Quảng với 7 thành viên đến từ Tiên Phước, Tam Kỳ.

Ông Lê Trường Hiền - Chủ tịch xã Tiên Cảnh cho hay: "Xã sẽ tiếp tục hỗ trợ và hướng dẫn Thành về hồ sơ, thủ tục thành lập hợp tác xã; đồng thời quảng bá sản phẩm, nhân rộng mô hình nuôi trùn quế trong thời gian tới. Ngoài ra, chúng tôi sẽ động viên các thanh niên trẻ, hộ gia đình phát triển nhân rộng các ý tưởng thoát nghèo từ mô hình này".