Kỹ sư 9X đút túi hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi cấy mô cây giống
(Dân trí) - Tại Lấp Vò (Đồng Tháp), chị Nguyễn Phượng Hằng là một trong những gương khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi cấy mô. Mô hình này giúp chị Hằng thu về gần 200 triệu đồng mỗi năm.
Tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học của trường Đại học Nông Lâm TPHCM, sau khi ra trường chị Nguyễn Phượng Hằng (xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) ở lại TPHCM làm việc cho một số công ty cây giống để học hỏi kinh nghiệm.
Năm 2019, chị Hằng quyết định trở về quê khởi nghiệp sản xuất cây giống theo phương pháp nuôi cấy mô với nhiều loại thực vật như chuối, dứa, keo lai, cúc... Nhưng phổ biến nhất là cây chuối.
"Từ lúc còn học, tôi đã đam mê nuôi cấy mô. Nên khi ra trường, tôi theo phụ giúp thầy ở phòng thí nghiệm một thời gian, rồi làm việc cho các công ty cây giống ở Đồng Nai. Khi có nền tảng kiến thức đủ vững tôi quyết định bỏ phố về quê, mở phòng lab nuôi cấy mô", chị Hằng cho hay.
Trong năm đầu tiên, chị Hằng dành thời gian cho việc nghiên cứu, mở phòng nuôi cấy mô và thí nghiệm với các giống chuối có sẵn ở địa phương. Sang năm 2020, chị nhập thêm những giống chuối giá trị kinh thế cao như chuối già Nam Mỹ, chuối đỏ... để chọn lọc giống và tìm ra phương pháp nuôi cấy thích hợp.
"Bà con ở quê hay mua những cây chuối con về trồng, loại đó sinh trưởng chừng 5 tháng đã trổ buồng. Tuy nhiên, chất lượng cây chuối giống không đạt nếu ươm để canh tác chuối xuất khẩu năng suất sẽ không bằng chuối được cấy mô. Từ chỗ đó, tôi quyết định tạo thị trường cho riêng mình, sản xuất cây giống cấy mô cung cấp lại cho những nông trại trồng chuối xuất khẩu và cho cả bà con nông dân ở địa phương nếu có nhu cầu tìm, chọn con giống chất lượng", chị Hằng nói thêm.
Theo nữ kỹ sư 30 tuổi này, để nuôi cấy mô thành công tiên quyết phải chọn được con giống tốt. Với những giống như chuối sáp, chuối xiêm, chuối già cui, chị Hằng sẽ tận dụng giống có sẵn ở địa phương để nuôi cấy mô. Nhưng với chuối già Nam Mỹ và chuối đỏ, chị phải đến tận vùng nguyên liệu để chọn lựa con giống.
"Một bụi chuối có thể lựa được khoảng 2-3 cây nhưng có bụi mình không lựa được cây nào. Phải xem tình trạng của cây mẹ, sạch hoặc ít bệnh. Trong quá trình bứng cây không được làm đứt rễ, tổn thương thân cây", nữ kỹ sư trẻ tiết lộ.
Quy trình nuôi cấy mô đòi hỏi có tay nghề, kỹ thuật cao, môi trường cấy phải sạch kết hợp với các yếu tố về hàm lượng dinh dưỡng, độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, tiệt trùng… Cây bố mẹ mang về sẽ khử trùng lấy mẫu, tạo chồi giống, tạo rễ cho cây con.
Sau khi nuôi ở phòng Lab một thời gian phải mang cây thuần hóa ngoài tự nhiên rồi mới cung cấp cho khách hàng. Trung bình, vòng đời sản xuất một cây chuối giống mất khoảng 6 tháng.
Sau 3 năm dấn thân vào con đường khởi nghiệp chị Hằng đã sở hữu phòng nuôi cấy mô rộng 25 m2 với đầy đủ trang thiết bị hiện đại như cấy vi sinh, hệ thống chiếu sáng... Và một vườn ươm khoảng 100 m2 để nuôi cây giống ngoài tự nhiên.
Trung bình mỗi tháng, chị cung cấp trên 10.000 cây giống cho các nông trại chuối xuất khẩu ở Đồng Nai, Vũng Tàu, Long An... Trong năm 2021, dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng chị Hằng vẫn mang về doanh thu gần 200 triệu đồng.
Với ý tưởng độc đáo, dự án sản xuất và kinh doanh giống cấy mô của chị Hằng đã đoạt giải ba trong Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL năm 2021. Chị đang tiến hành nghiên cứu và lai tạo thêm nhiều giống cây trồng mới như hoa kiểng, khoai môn, khóm...
Bên cạnh phát triển kinh tế bản thân, cô kỹ sư 30 tuổi còn tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định.