An Giang:
Cô gái Khmer "bỏ phố về quê" đưa mật thốt nốt xuất sang trời Tây
(Dân trí) - Dù giá bán ra vẫn thấp hơn chi phí đầu tư suốt 5 năm nhưng chị Dịu quan niệm, lộ trình này cơ bản thành công, tạo tiền đề cho đường thốt nốt vươn ra quốc tế.
Giã từ "lương làm thuê" về quê làm đường thốt nốt
Với nhiều người, cách làm của chị Chau Ngọc Dịu (40 tuổi, người Khmer, ngụ thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) khá "điên rồ" khi tự dồn bản thân vào con đường gian nan. Bởi lẽ, cả chục năm trước, chị Dịu từng làm nhân viên ngân hàng sau đó chuyển sang công tác cho đơn vị phúc lợi cộng đồng. Mức lương của chị từng nhận được lên đến hàng chục triệu mỗi tháng.
Ngã rẽ sự nghiệp bắt đầu vào năm 2017, chị Dịu quyết định khởi nghiệp từ cây thốt nốt, tạo ra một sản phẩm đường thốt nốt chất lượng cao, giữ được hương vị truyền thống.
"Ngày trước người dân sản xuất đường thốt nốt theo cách rất an toàn, họ dùng vỏ sến ngâm vào nước thốt nốt để hạn chế quá trình lên men. Vỏ cây sến hiện không còn nhiều nữa, để tiết kiệm thời gian và công sức một số người bỏ thêm phụ gia, hóa chất xử lý lên men. Việc này khiến cho đường thốt nốt mất dần hương vị thơm ngon truyền thống và ảnh hưởng sức khỏe người dùng", chị Dịu lý giải.
Khác với mọi người, cách khởi nghiệp của chị Dịu hướng đến việc cùng nông dân sản xuất và làm giàu. Theo đó, chị sẽ bao tiêu đường thốt nốt sệt do nông dân sản xuất rồi mang về cơ sở chế biến thành mật thốt nốt dạng sệt hoặc bột theo quy trình khép kín.
"Buộc người dân thay đổi việc sản xuất theo tiêu chuẩn kém an toàn rất khó, nhất là với bà con Khmer, lâu nay đã quen với cách nấu đường này. Thêm nữa lúc đó tôi còn ở TPHCM, quản lý công việc từ xa càng tăng thêm khó khăn", chị Dịu chia sẻ.
Quyết tâm theo đuổi con đường đã chọn, năm 2019, chị Dịu nghỉ việc chính thức "bỏ phố về quê" lập nghiệp với thương hiệu Palmania. Quyết định của chị khiến người thân và bạn bè rất bất ngờ, nhiều người còn tiếc nuối thay cho chị.
Theo cô gái 8x này lý giải: Pal trong tiếng Khmer có nghĩa là cây cọ, mania có nghĩa là đam mê. Chị đặt tên cho dòng sản phẩm đường thốt nốt này với ý nghĩa xuất phát từ đam mê vị ngọt quê hương và mơ ước nâng tầm giá trị cho đường thốt nốt quê nhà.
Trở về quê chị nhanh chóng tìm nông dân làm đối tác sản xuất đường. May mắn, chị Dịu quen biết được anh Nguyễn Văn Lượm ngụ huyện Tịnh Biên. Anh Lượm có gần 30 năm kinh nghiệm nấu đường thốt nốt. Vì cũng muốn sản xuất đường an toàn nên khi chị Dịu ngỏ ý hợp tác, anh đã đồng ý ngay.
"Giá đường được chị Dịu bao tiêu so với thương lái thu mua vẫn cao hơn gấp đôi, ngày nào có đường thì cung cấp cho công ty nên thu nhập ổn định lắm", anh Lượm cho hay.
Theo anh Lượm, cách nấu đường thốt nốt theo công thức của chị Dịu đưa ra rất khó và tốn rất nhiều công sức. Mỗi ngày, anh đều trèo cây thu mật thốt nốt 2 cử/ngày. Dụng cụ lấy mật phải vệ sinh kỹ lưỡng và phơi khô.
Mật lấy về phải đem nấu ngay, đứng khuấy liên tục và vớt bọt đến khi dung dịch hơi sệt rồi chuyển sang quậy khoảng 20 phút cho đường chuyển từ màu nâu sậm sang cánh gián thì ngừng tay.
"Nấu theo kiểu này tốn gấp đôi thời gian. Đầu vụ tôi có thể nấu được 7-10 kg đường/ngày, lúc cao điểm lên đến gần 20 kg đường/ngày", anh Lượm vui vẻ nói.
Với cách bao tiêu đầu ra và giá thu mua luôn cao hơn thị trường, đến nay chị Dịu đã liên kết được 4 hộ sản xuất đường an toàn, tạo thu nhập ổn định cho bà con địa phương.
Đưa vị ngọt thốt nốt xuất ngoại
Để nâng cao chất lượng cho đường thốt nốt chị Dịu đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị sản xuất. Và tham gia nhiều chương trình, cuộc thi khởi nghiệp, hội chợ triển lãm... để đưa tên tuổi Palmania đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước.
Đặc biệt, năm 2020, chị Dịu đem mật thốt nốt tham dự cuộc thi Great Taste Awards tổ chức ở Anh và vinh dự nhận được giải 2 sao. Giải thưởng này được xem như "giải Oscar" trong thế giới ẩm thực.
Với thành tích này, sản phẩm mật thốt nốt bột Palmania trở thành thương hiệu mật thốt nốt bột thứ 3 trên thế giới đạt được chứng nhận 2 sao Great Taste Awards. Tiếp năm 2021, chị Dịu mang mật thốt nốt sệt tham gia Great Taste Awards và đạt được giải 1 sao.
"Hiện Palmania đã có 2 đơn hàng xuất khẩu mật thốt nốt sang Hà Lan và Phần Lan, đây xem như nền móng để chúng tôi đưa vị ngọt thốt nốt ở quê hương An Giang đến gần với bạn bè quốc tế.
Thái Lan, Ấn Độ đều có cây thốt nốt và các sản phẩm của họ đều phủ sóng rộng rãi trong các siêu thị cửa hàng tiện lợi... Việt Nam cũng có thốt nốt nhưng sản phẩm lại tiêu thụ đại trà ở chợ, tạp hóa. Đường thốt nốt của mình chưa có điểm nhấn về chất lượng và thương hiệu nên còn rất mờ nhạt. Đó chính là lý do tôi quyết tâm đưa thốt nốt xuất ngoại", chủ thương hiệu Palmania nói thêm.
Nhìn lại hành trình khởi nghiệp 5 năm, chị Dịu cho biết, doanh thu năm 2017-2018 chỉ khoảng 200 triệu đồng/vụ thốt nốt/năm. Từ năm 2019 đến nay, doanh thu tăng trưởng gấp 6 lần lên mức 1,2 tỷ đồng.
"So với chi phí đầu vào bỏ ra vẫn chưa hòa vốn nhưng tôi không e ngại. Vì thương hiệu mật thốt nốt Palmania đã tạo được niềm tin cho người tiêu dùng trong và ngoài nước. 5 năm qua là bước đầu tiên trong lộ trình đưa thốt nốt Palmania vươn tầm châu lục. Thời gian sắp tới tôi sẽ tăng công suất nhà máy để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời nghiên cứu cho ra các dòng sản phẩm khác từ mật thốt nốt", chị Dịu tiết lộ.