(Dân trí) - Cô gái bé nhỏ và xinh xắn, từng rất sợ ma nhưng mê truyện trinh thám đã tình nguyện tham gia vào công việc mà đến đàn ông cũng cần phải có "thần kinh thép": mổ tử thi!.
Cô gái xinh xắn, từng rất sợ ma nhưng mê truyện trinh thám đã tình nguyện tham gia công việc mà đến đàn ông cũng cần phải có "thần kinh thép" - mổ tử thi!.
"Theo quy định, mổ tử thi là một trong 77 công việc phụ nữ không phải làm. Trung tâm cũng không phân công nữ thực hiện công việc này", bác sĩ Nguyễn Văn Hiến - Giám đốc Trung tâm pháp y tỉnh Nghệ An nói. Như đọc được sự ngạc nhiên trong mắt tôi, bác sĩ Hiến nói tiếp: "Kỹ thuật viên Nguyễn Thị Thanh là một trường hợp đặc biệt. Thanh là người xung phong, tình nguyện tham gia mổ tử thi. Và thực tế, Thanh đã làm rất tốt nhiệm vụ ngoài quy định này".
Nguyễn Thị Thanh (SN 1991) đến với công việc "không giống ai" này một cách tình cờ. Năm 2013, khi vừa mới chân ướt chân ráo về Trung tâm pháp y tỉnh Nghệ An với nhiệm vụ của một kỹ thuật viên, Giám đốc Trung tâm khi đó là bác sĩ Nguyễn Quang Trung, có lẽ muốn "nắn gân" cô gái trẻ này nên hỏi: "Có trường hợp tai nạn giao thông tử vong, cháu có muốn đi khám nghiệm không?".
Hơi ngạc nhiên nhưng Thanh vẫn gật đầu: "Dạ, bác cho cháu đi với ạ". Chính Thanh cũng bất ngờ với câu trả lời của mình, bởi lẽ, từ nhỏ tới giờ cô rất sợ... ma.
Lần đi thực tế đầu tiên ấy, Thanh chưa trực tiếp làm gì nhưng nó đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của cô về công việc "không dành cho phụ nữ" này. Sự sợ hãi, ám ảnh qua đi, thứ còn lại là những xót xa về phận người, là sự thật phải được làm sáng tỏ, để người chết có thể nhắm mắt mà người thân của họ được an ủi, khi nguyên nhân tử vong được làm rõ.
Từ đó, mỗi khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An trưng cầu Trung tâm pháp y khám nghiệm các vụ tử vong chưa rõ nguyên nhân, Thanh đều xung phong tham gia. Lúc đầu chỉ là chuẩn bị dụng cụ cho các giám định viên làm việc hay chụp ảnh, lưu lại toàn bộ quá trình thực hiện theo quy định. Thanh học được nhiều điều hơn từ chính những lần thực tế này. Thanh may mắn được đồng nghiệp là các giám định viên tận tình chỉ dạy, cầm tay chỉ việc. Dần dần, chính Thanh là người cầm dao mổ, tham gia hỗ trợ trực tiếp các giám định viên trong việc "để tử thi lên tiếng".
Bác sĩ Cần Quang Hà - giám định viên Trung tâm pháp y tỉnh Nghệ An, cũng chính là người thầy trực tiếp của Thanh, nhận xét: "Ở Thanh, tôi thấy là một người có chuyên môn vững, thái độ làm việc nghiêm túc, tinh thần học hỏi, cầu tiến rất cao, và đặc biệt là rất táo bạo và có sự "chai lì". Không phải tự nhiên mà có quy định phụ nữ không tham gia vào công việc này bởi nó thực sự rất áp lực, cả về chuyên môn lẫn tinh thần. Việc tiếp xúc với người chết, cầm dụng cụ mổ tử thi, trực tiếp đưa phủ tạng ra khỏi cơ thể nạn nhân, phẫu tích, cắt lát và lấy mẫu để phục vụ công tác xét nghiệm vi thể, độc chất... cần phải có chuyên môn, sự táo bạo và độ "chai lì". Và Thanh làm rất tốt. Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, là phụ nữ, Thanh có thế mạnh trong việc giúp ổn định tâm lý, chia sẻ với thân nhân các nạn nhân, từ đó để công tác khám nghiệm được thực hiện một cách thuận lợi hơn".
9 năm trong nghề, mỗi lần giám định tử thi là mỗi một câu chuyện trĩu nặng trong Thanh. Chứng kiến những cái chết thương tâm, những nỗi đau đớn của người thân, Thanh càng thấy rõ hơn nhiệm vụ, trách nhiệm của người làm công việc đặc thù này.
Với kết quả phân tích dựa trên giải phẫu, lực lượng pháp y đã làm rõ nguyên nhân, cơ chế tử vong, giúp các cơ quan chức năng kết luận về vụ việc, từ đó có hướng xử lý cụ thể cho từng vụ việc. Và quan trọng hơn, chính điều đó đã xoa dịu nỗi đau của thân nhân các nạn nhân.
Cũng bởi vậy mà Thanh cùng các đồng nghiệp của mình luôn trong tư thế sẵn sàng, dù sự việc xảy ra lúc nửa đêm hay ở vùng sâu, vùng xa đều khẩn trương tới hiện trường.
Theo chị Thanh, một cuộc khám nghiệm tử thi diễn ra thuận lợi, đạt kết quả hay không, điều quan trọng là sự thông suốt của gia đình nạn nhân. Không phải lúc nào lực lượng pháp y cũng nhận được sự hợp tác, tạo điều kiện từ phía người thân nạn nhân.
Lần đó, Trung tâm pháp y tỉnh được yêu cầu phối hợp khám nghiệm để làm rõ nguyên nhân tử vong của một người đàn ông. Lúc này, thi thể đã được đưa tới nhà đại thể của bệnh viện tỉnh, người thân, họ hàng, làng xóm của nạn nhân cũng đã có mặt.
"Khi chúng tôi chuẩn bị bắt tay vào công việc thì người nhà phản đối kịch liệt. Các cơ quan liên quan giải thích, động viên gia đình, bởi chỉ có giám định mới có thể làm rõ được nguyên nhân một cách khách quan, chính xác nhất nhưng gia đình vẫn không đồng ý và bắt đầu có những hành động thiếu kiểm soát. Họ dùng gậy gộc, đá ném vào cửa phòng đại thể, buộc chúng tôi phải rút sang phòng khác để đảm bảo an toàn", chị Thanh kể.
Các cơ quan liên quan tiếp tục kiên trì vận động, thuyết phục nhưng không thể xoay chuyển được người nhà. "Lúc này, bác sĩ Hà (giám định viên Cần Quang Hà) bước tới, ôn tồn: "Chúng tôi có mặt ở đây là để giúp mọi người làm sáng tỏ nguyên nhân cái chết của thân nhân chứ không ai muốn đụng dao, đụng kéo vào một người đã khuất. Các bác nhìn xem - bác sĩ Hà chỉ vào tôi - em nó cũng chỉ đáng tuổi con, tuổi cháu các bác, làm công việc này đã phải chịu nhiều áp lực về tâm lý, nhưng vì sự thật khách quan, chúng tôi vẫn phải cố gắng. Chỉ có cách này mới có thể cho các bác, các anh, các chị một lời giải thích thỏa đáng về cái chết của người thân".
"Những lời gan ruột chú Hà cuối cùng cũng thuyết phục được gia đình để lực lượng pháp và cơ quan chức năng làm việc", chị Thanh kể. Câu chuyện đã xảy ra nhiều năm nhưng vẫn để lại vết cứa trong lòng chị khi dấn thân vào công việc vốn không dành cho phụ nữ này.
Ngoài tham gia hỗ trợ giám định pháp y tử thi thì nhiệm vụ chính của Nguyễn Thị Thanh là đảm nhận công tác tiếp nhận hồ sơ, hỗ trợ giám định pháp y tình dục và giám định thương tích. Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn khi một người phụ nữ dắt một cô bé chừng 10 tuổi bước theo một cán bộ công an tới. "Có lẽ cháu bé liên quan đến một vụ án xâm hại tình dục", bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, Thanh phán đoán và tạm dừng câu chuyện để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Sau khi tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ, chuẩn bị dụng cụ thực hiện công việc giám định, Thanh ngồi xuống, trò chuyện với cô bé. Theo thông tin người nhà cung cấp, bé bị xâm hại cách đây hơn một năm nhưng nay gia đình mới phát hiện và tố cáo. Dù sự việc xảy ra đã lâu nhưng nỗi ám ảnh với nạn nhân dường như vẫn còn nguyên, cô bé chỉ dám nép sau lưng mẹ. Thanh tỉ tê trò chuyện, trấn an tâm lý để bé phối hợp thực hiện giám định. Sau một hồi trò chuyện, cuối cùng cô bé đã cùng Thanh đi vào phòng khám chuyên môn với sự giám sát, bảo hộ của người thân.
"Cứ mỗi lần thấy một đứa trẻ được dắt đến là tôi rất sợ. Một đứa trẻ, nếu buộc phải có mặt ở đây, nghĩa là một vụ xâm hại tình dục hay giao cấu trái ý muốn đã xảy ra. Có những nạn nhân còn quá nhỏ, chưa ý thức được những tổn thương tinh thần và thể xác mà mình phải trải qua, nhưng có nhiều trường hợp, các em đã phải chống chịu với những biến động tâm lý khủng khiếp và đối diện với nỗi ám ảnh dai dẳng", Thanh chia sẻ.
Mỗi năm, trung tâm thực hiện khoảng trên dưới 50 vụ giám định pháp y tình dục. Áp lực tinh thần đối với đội ngũ giám định viên khi thực hiện các cuộc giám định pháp y tình dục không phải đến từ tính chất chuyên môn, mà từ chính sự non nớt tội nghiệp của các bé. Nhưng cũng chính vì vậy, họ phải cẩn trọng, tỉ mỉ để đưa ra kết luận chính xác nhất, giúp cơ quan tố tụng đánh giá khách quan về sự việc, qua đó bảo vệ và đòi lại công bằng cho các nạn nhân.
Tôi hỏi, nếu bây giờ được phép chọn lựa lại, Thanh có chọn một công việc khác, nhẹ nhàng hơn không. Cô cười: "Khi chọn ngành y, tôi đã xác định những vất vả, áp lực của công việc này nhưng làm pháp y thì đúng là chưa từng nghĩ. Cũng có người khuyên tôi, phụ nữ chỉ cần một công việc nhẹ nhàng, có thu nhập ổn định là được, việc gì phải dấn thân vào công việc nặng nhọc, độc hại và ám ảnh này. Nhưng tôi may mắn được bố mẹ, người thân ủng hộ, được các chú, các anh, các đồng nghiệp giúp đỡ, động viên, nhiệt tình chỉ dạy. Gần 10 năm qua, tôi chưa một lần mảy may hối hận về quyết định của mình. Nghề cho tôi sự vững vàng hơn dù đôi khi tôi thấy mình quá kỷ luật và cứng nhắc. Nhưng pháp y chính là cán cân công bằng, buộc chúng tôi phải tỉ mỉ, cẩn trọng và chính xác, để tìm, trả lại sự thật và công bằng như nó vốn có".
Nội dung: Hoàng Lam
Thiết kế: Thủy Tiên