Kon Tum:

Kỹ nghệ nuôi ong trong hốc cây, thu loại mật đắt như vàng

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Nghề nuôi ong trong hốc cây trên đỉnh núi Ngọc Linh, nơi có độ cao 2.000 mét so với mực nước biển, giúp người dân ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) thu được loại mật có giá đắt đỏ.

Từ xưa, người Xê Đăng ở các huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông (Kon Tum) thường đi rừng và gặp những đàn ong làm tổ trong thân hoặc gốc cây mục. Lúc đó, bà con đánh dấu lại vị trí để mỗi lúc lên rừng thì ghé lấy mật.

Nhận thấy giá trị mật ong rừng cao, bà con Xê Đăng đã biết bảo vệ và nhân rộng, chăm sóc những đàn ong rừng làm tổ trong thân cây. Đàn ong thường làm tổ ở cây đại thụ trong rừng sâu, nơi có những cây hoa dược liệu, sâm Ngọc Linh... Giá trị mật, do đó, càng được đẩy lên.

Kỹ nghệ nuôi ong trong hốc cây, thu loại mật đắt như vàng - 1

Bà con người Xê Đăng (Kon Tum) thường nuôi ong rừng trong gốc cây ở độ cao gần 2000m.

Anh Dip (xã Măng Ri, huyện Kon Plông, Kon Tum) dẫn khách lên rừng thăm những tổ ong anh đang chăm sóc. Theo anh Dip, hiện anh đang sở hữu 15 tổ ong nằm rải rác trong rừng sâu. Trong số đó, có hơn một nửa tổ ong do anh tự đục, còn lại là mua từ những người trong làng.

Dựa vào đặc tính của ong rừng, người Xê Đăng thường đục lỗ ở những thân cây lớn, gần suối, nơi có không khí ẩm ướt. Miệng tổ đặt ngược theo hướng suối chảy, cũng không được ở trên cao, bởi gió nhiều thì ong không vào. Khi có những hốc cây, ong rừng sẽ tự về làm tổ chứ không cần bắt ong chúa để "dụ" như cách nuôi truyền thống. Khi ong về, bà con sẽ dùng thân gỗ lớn làm cửa và lấy đất bùn đắp kín.

Kỹ nghệ nuôi ong trong hốc cây, thu loại mật đắt như vàng - 2

Bà con thường đục, gắn tổ vào những thân cây lớn để cho ong rừng vào ở.

"Năm nay mất mùa nên chỉ 7 tổ có mật. Mỗi lần đi rừng, tôi thường ghé để kiểm tra lượng mật ong có được trong tổ. Lúc lấy mật cũng phải chừa lại một ít để ong tiếp tục làm thêm. Do là mật nguyên chất, ong lấy phấn của hoa rừng, cây dược liệu, đặc biệt là hoa của cây sâm Ngọc Linh nên giá trị mỗi lít lên tới 600.000-800.000 đồng. Mỗi tổ ong có thể thu được từ 2 -3 lít mật. Nhờ những tổ ong rừng trong hốc cây này mà mỗi năm tôi không phải làm gì nhiều cũng kiếm được mấy chục triệu đồng", anh Dip bộc bạch.

Sang hè, ông A Dục (63 tuổi) thức dậy sớm hơn thường ngày để lên rừng thu hoạch mật ong. Trong ba lô của ông Dục là bao nilon đựng mật, rìu và dao dùng để mở cửa tổ ong. Hiện nay, ông đang sở hữu hàng chục tổ ong nằm ở khắp những cánh rừng trên đỉnh Ngọc Linh.

Kỹ nghệ nuôi ong trong hốc cây, thu loại mật đắt như vàng - 3

Trải qua một thời gian, đàn ong rừng được nuôi trong thân cây đã cho ra những giọt mật có giá đắt đỏ.

Năm nay sức yếu nên ông Dục chỉ làm được khoảng 10 tổ ong mới trong rừng, còn lại là 40 tổ đã tạo từ những năm trước. Thời còn khỏe, ông làm cả trăm tổ ong trong thân cây như vậy để nuôi ong, sau bán lại dần cho đám thanh niên trong làng.

Theo ông Dục, khoảng tháng 3-4, ông đi thăm ong, tháng 5-6 sẽ đi lấy mật. Lúc lấy mật, ông vẫn dùng tay không. Đặc biệt, ông không dùng khói hoặc đốt lửa xua đuổi, để tránh làm ong bỏ tổ đi. Thấy người đến lấy mật, đàn ong cũng hoảng loạn bay túa ra. Bên trong, có thể thấy ong thợ bám chi chít vào lớp sáp vàng. Ông Dục nhẹ nhàng đưa tay vào tổ, gỡ 2/3 số sáp ong cho vào túi nilon.

Kỹ nghệ nuôi ong trong hốc cây, thu loại mật đắt như vàng - 4

Để giữ ong ở lại tổ, bà con thường lấy thủ công, không dùng khói hay lửa hun, để tránh làm ong bỏ đi.

"Mật ong ở đây đều được người dân trong xã đặt hết, thu không đủ bán. Nuôi ong tự nhiên như này thì mỗi năm chỉ được khoảng 2 - 3 tháng đi thu mật. Ai khỏe thì đi sâu vào trong rừng để đục lỗ nuôi ong. Mình lớn tuổi, yếu rồi nên chỉ chăm ít tổ ong ở đây để bán lấy tiền mua thêm đồ ăn qua ngày thôi", ông Dục bộc bạch.

Kỹ nghệ nuôi ong trong thân cây ở Tu Mơ Rông

Theo đại diện UBND xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum), hầu hết các hộ trong xã đều có ong nuôi trên rừng để thêm nguồn trang trải cuộc sống hoặc đơn giản là để có được loại mật ong tốt cho gia đình dùng. Mỗi năm, người làm ít thì thu được vài chục lít mật, nhiều đến cả trăm lít.

Người dân chỉ chọn những thân cây mục rỗng từ trước, không đục cây lành lặn. Cách làm này được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ bao đời nay, được khẳng định không ảnh hưởng sự sinh trưởng của cây. Nhiều gia đình có những tổ ong thân cây được đục từ đời ông, đời cha, giờ con cháu vẫn bảo vệ và chăm sóc. Trên mỗi tổ ong đều viết tên của hộ dân để tránh nhầm lẫn.