Quảng Nam:
Kiếm bộn tiền từ... tình yêu với loài "vo ve"
(Dân trí) - Anh Phan Thế Đông (trú huyện Tiên Phước, Quảng Nam) đã gắn bó với nghề nuôi ong hơn 10 năm nay. Nghề tuy vất vả nhưng mang lại cho anh thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Yêu loài "vo ve"
Vượt quãng đường đồi núi, chúng tôi đến lán trại nuôi ong của anh Phan Thế Đông (40 tuổi) nằm ở rừng tràm ở xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Với hàng trăm thùng nuôi ong đặt khắp nơi, mùi thơm của mật ong phảng phất ngay từ ngoài đường.
Trước đây, anh Đông từng làm đủ nghề từ phụ hồ, sơn nước… để kiếm sống. Tuy nhiên, do thu nhập thấp lại không ổn định nên anh quyết định tìm hướng đi mới.
Đến năm 2008, một người họ hàng rủ anh đi du mục để "chăn" ong. Lúc này, anh đi theo chỉ với mục đích tò mò là chính. Nhưng rồi sau 2 năm lang thang cùng đàn ong, anh Đông đã đem lòng yêu loài "vo ve" này. Anh đã bàn bạc với gia đình đầu tư vốn để nuôi ong.
"Năm 2010, tôi đã quyết định đầu tư 150 triệu đồng mua 130 đàn ong mật về nuôi. Từ đó, mùa này qua mùa khác, năm này qua năm khác, tôi cùng đàn ong đi khắp nơi kiếm mật", anh Đông nhớ lại.
Ban đầu kinh nghiệm chưa có, nên ong bị bệnh thối ấu trùng, ong non không nở, ong thợ cũng yếu dẫn đến số lượng ong trong đàn thấp, chất lượng mật không cao.
Không nản chí, anh quyết tâm học hỏi kỹ thuật qua các phương tiện thông tin đại chúng và tham quan để học hỏi kinh nghiệm từ nhiều hộ nuôi ong trong và ngoài tỉnh.
Với phương châm vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, anh đã tích lũy được nhiều kiến thức áp dụng vào thực tế để di chuyển đàn ong theo đúng mùa hoa. Đến nay, mô hình nuôi ong của anh Đông đã thành công như mong đợi.
"Thời điểm hiện tại, tôi đã gây dựng được 220 đàn ong. Với sản lượng mật tương đối ổn định, nếu vào mùa, 10 ngày có thể lấy mật một lần với khoảng 1,5 tấn mật", anh Đông cho hay.
Kiếm tiền bằng cách... đi lang thang
Theo anh Đông, con ong có tập tính tổ chức rất cao. Người chủ vườn phải chịu khó để ý về bệnh tật, cách nhân chia đàn, tạo giống, tạo chúa mới và tách đàn, quản lý đàn ong theo mùa.
Do đặc thù của ong đòi hỏi nơi yên tĩnh, tránh tiếng động mạnh nên thùng để nuôi làm bằng gỗ chắc chắn, chiều dài khoảng 42,5 cm theo quy chuẩn chung và tránh mưa hắt, nắng rọi trực tiếp vào tổ.
Vị trí đặt thùng thì nên kê cao 25-30cm so với mặt đất, thùng nọ cách thùng kia ít nhất là 0,5m. Không nên đặt thùng nuôi ong trên sân gạch, nền xi măng, nơi quá ẩm ướt hoặc gần chuồng gia súc.
Để đàn ong phát triển tốt và cho ra mật chất lượng, người nuôi phải am hiểu địa lý vùng miền và tập tính của loài ong. Khoảng 10-15 ngày tiến hành kiểm tra đàn ong một lần.
Ong lấy mật phụ thuộc vào nguồn hoa và mùa hoa. Vì vậy, những người nuôi ong như anh phải liên tục di chuyển theo mùa hoa và vùng hoa thì ong mới cho năng suất mật cao, người nuôi ong mới có lợi nhuận.
"Nuôi ong cũng cần nhiều kiến thức và kinh nghiệm, việc di chuyển đàn ong theo mùa hoa cũng khá vất vả. Ví dụ vào tháng 2 là phải lên tỉnh Gia Lai hưởng hoa cà phê, tháng 3 đón vụ hoa vải, sau đó chuyển về đón hoa nhãn. Tháng 5 là mùa mật keo, nên phải di chuyển đàn hợp lý để lấy mật", anh Đông giải thích.
Anh Đông cho biết thêm, việc di chuyển ong phải làm trong đêm. Vì thời gian này là đàn ong về tổ ngủ, không bị phân tán đàn và giảm khả năng ong bị chết do thay đổi khí hậu đột ngột.
"Giờ đây mật thu đến đâu được thương lái mua hết đến đó, mỗi kg mật có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng tùy loại. Trung bình một tháng tôi có thể thu được 3-4 tấn mật, thu lãi 10-20 triệu đồng. Một năm, nếu được mùa có thể thu được 30-40 tấn. Trừ hết chi phí, thu lãi hơn 100 triệu đồng", anh Đông bộc bạch.
Một số hình ảnh về công việc nuôi ong của anh Đông: