Kỳ công làm “quốc bánh”
(Dân Việt) Bánh chưng, bánh giầy có thể coi là “quốc bánh” của dân tộc ta, ở đâu người Việt cũng biết làm và gói được. Riêng với người dân vùng đất Tổ Phú Thọ, họ coi việc được làm bánh dâng lên cúng lễ các Vua Hùng nhân ngày giỗ Tổ là sự thiêng liêng, niềm vinh dự lớn.
Ai có được may mắn làm bánh lễ cũng cố gắng mang hết bí kíp gia truyền về nghề làm bánh của làng xóm mình ra trổ tài.
Bí quyết bánh chưng thơm
Người xã Cát Trù huyện Cẩm Khê, Phú Thọ, tuy không ở gần Đền Hùng nhưng luôn rất tự hào mỗi khi ngày Giỗ Tổ tới, bởi bánh chưng của xã Cát Trù thường xuyên được lựa chọn đưa vào mâm lễ dâng lên các Vua Hùng trong lễ Giỗ Tổ.
Anh Hoàng Văn Chính - chủ cơ sở bánh chưng Chính Ảnh nổi tiếng, nhiều lần đoạt giải cao trong hội thi làm bánh dâng các Vua Hùng của xã Cát Trù, cho biết: Thực ra nguyên liệu để làm bánh cũng chỉ là gạo nếp đỗ xanh, thịt lợn, lá dong như tất cả bánh chưng của các vùng quê khác. Điều làm nên sự khác biệt là ở khâu chuẩn bị nguyên liệu và cách gói theo tiêu chí của người Cát Trù mà thôi.
Gia đình anh Hoàng Văn Chính trong một hội thi gói bánh chưng làm lễ vật dâng Vua Hùng. Ảnh: B.P.T
Cũng chỉ là những sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu ruộng vườn, nhưng người dân đất Tổ Phú Thọ với niềm vinh dự và tự hào về quê hương, tổ tiên, đã luôn biết làm ra những món bánh thơm ngon và đặc sắc. Qua đó bà con gìn giữ được nghề và nét đẹp văn hóa - truyền thống của dân tộc ta, khiến cho ai được một lần thưởng thức món bánh chưng, bánh giầy, sẽ hiểu thêm về sự thơm thảo của tấm lòng người dân đất Tổ. |
Đó là gạo nếp dùng để gói bánh phải là loại nếp ngon (nếp nương), đỗ xanh chọn hạt đều, có màu vàng tươi sau khi xát vỏ và không bị sâu, mọt. Thịt lợn làm nhân bánh là loại thịt ba chỉ tươi ngon, không quá nạc hay mỡ, có nguồn gốc rõ ràng. Bánh được gói bằng lá dong bánh tẻ.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch và ổn định cho việc gói bánh, ở Cát Trù, nhiều cánh đồng lúa đã được chuyển đổi sang trồng lá dong với quy định không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.
Người Cát Trù có biệt tài gói bánh không cần khuôn nhưng chiếc nào chiếc nấy vuông vắn và đều “trăm cái như một”.
Nhưng bí kíp chính là ở khâu luộc bánh. Nước dùng luộc bánh phải là nước mưa được hứng vào trong bể, để lắng cặn độ 2 tháng.
Luộc bánh phải đun bằng củi liên tục từ 12 đến 16 tiếng đồng hồ, bánh chín nhừ sao cho miếng mỡ nhân bánh phải chảy ra ngấm vào phần gạo. Khi vớt bánh ra phải để chỗ thoáng, ráo nước rồi mới mang bánh xếp lại.
Anh Chính tự tin khoe: “Chiếc bánh chưng của người Cát Trù chúng tôi luôn rất thơm và ngon, ăn vừa bùi vừa ngậy, lại không ngán. Trải qua nhiều đời dân làng làm bánh, hiện nay bánh chưng Cát Trù luôn là một trong những lễ vật không thể thiếu trong mâm lễ vật dâng lên các Vua Hùng nhân ngày Giỗ Tổ”.
Hòa quyện bánh giầy
Làng làm bánh giầy Mộ Chu Hạ (phường Bạch Hạc, TP.Việt Trì, Phú Thọ) từ lâu nay luôn được biết tới với những chiếc bánh ngon nức tiếng.
Bánh giầy của dân làng Mộ Chu Hạ. Ảnh: Linh Nguyễn
Chuẩn bị cho ngày Giỗ Tổ, bà Nguyễn Thị Thi (64 tuổi), người nhiều năm có tên trong đội đi thi giã bánh giầy của làng, hào hứng cho biết: Để làm được một mẻ bánh ngon thì rất cầu kỳ.
Gạo nếp thì chắc chắn phải là nếp cái hoa vàng rồi, hạt gạo phải đều và mẩy, không được có hạt nào bị đầu ruồi (bị xỉn đen). Nếp sau khi ngâm khoảng 8 tiếng thì mang đi đồ xôi chín tới. Lúc đó huy động thanh niên dùng chày tre (loại tre bánh tẻ) được thoa dầu chống dính, giã liên tục trong khoảng 10 phút.
Giã xôi phải liên tục đều tay, không để dính vào đầu chày tránh tình trạng chỗ nát quá chỗ thì không nhuyễn hạt gạo. Đến khi xôi nhuyễn quện sánh vào nhau thì lúc đó lấy ra lăn cho tròn đều, rồi cắt lá chuối làm lớp lót ở dưới...
Bà Thi nói, nghe qua thì tưởng là làm bánh giầy rất dễ, nhưng thực sự để làm được một mẻ bánh ngon (với yêu cầu bánh mềm mà không nát, khô ráo tay, ăn không bị dính, có mùi thơm nguyên vị nếp cái hoa vàng) thì đúng là một nghệ thuật.
Theo Khánh Gia/Danviet.vn