Lương làm ngày Giỗ Tổ, “chốt” tăng lương tối thiểu, thêm ngày nghỉ trong năm…

(Dân trí) - Tranh luận có thêm 1 ngày nghỉ lễ trong năm, đề nghị “chốt” đàm phán lương tối thiểu vào năm 2020, lương đi làm trong ngày Giỗ Tổ, nông dân Thanh hoá lo vì giá dứa chỉ 2.000 đồng/kg, quyền lợi ra sao khi thay đổi mã thẻ BHYT…là những thông tin việc làm hấp dẫn tuần qua.

Đề nghị “chốt” đàm phán lương tối thiểu vào năm 2020

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) nhấn mạnh, trong năm 2019, quá trình đàm phán và xác định lương tối thiểu vùng cho năm 2020 cần tuân thủ như quy định của Nghị quyết số 27-NQ/T.Ư.

Theo đó, đến năm 2020, quá trình xây dựng tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Tới nay, mức lương tối thiểu đã đáp ứng được khoảng 95 % mức sống tối thiểu.

“Khảo sát đầu năm 2019, đa số các doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm túc quy định Nghị định 141/2018/NĐ-CP về mức lương tối thiểu vùng năm 2019” - ông Lê Đình Quảng cho biết.

Lương làm ngày Giỗ Tổ, “chốt” tăng lương tối thiểu, thêm ngày nghỉ trong năm… - 1

Nông dân Thanh Hoá "ngồi trên đống lửa" khi giá dứa chỉ 2.000-3.000 đồng/kg

Giá dứa và sức tiêu thụ tại Thanh Hoá đang xuống thấp, khiến người trồng dứa tại nhiều địa phương như Hà Trung, Bỉm Sơn, Yên Định, Ngọc Lặc, Thạch Thành lo lắng.

Gia đình anh Đỗ Xuân Hải (thôn 6, Công ty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung) có 7 - 8 ha diện tích trồng dứa. “Khoảng 10 ngày trước giá dứa chỉ có 2.000 đồng/kg, những ngày gần đây, giá dứa loại 1 lên  2.800 đồng - 3.000 đồng/kg; loại dứa nhỏ chỉ được 1.500 đồng - 1.700 đồng/kg” - anh Hải cho biết.

Trong khi đó, chi phí trồng và thu hoạch dứa từ 150 triệu -170 triệu/ha. Với giá dứa này, gia đình anh Hải lỗ hàng chục triệu đồng/ha.

Mức lương khi đi làm vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Theo Điểm đ Khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2012 quy định: Người lao động sẽ nhận được nguyên lương 1 ngày làm việc như trong quy định trong hợp đồng lao động.

Bên cạnh đó, theo quy định của Điểm c Khoản 1 Điều 97 của Bộ luật Lao động 2012, người lao động sẽ nhận thêm một khoản tiền lương tiếp theo với mức tối thiểu bằng 300 % so với mức lương làm việc trong ngày đó.

Như vậy, trường hợp làm việc vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương , người lao động sẽ nhận được mức lương tối thiểu bằng 400 % mức lương làm việc ngày thường.

Trường hợp người lao động làm việc vào ban đêm, Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH quy định: Người lao động sẽ được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.

Nên hay không nên có thêm 1 ngày nghỉ lễ?

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN), nên có thêm 1 ngày nghỉ trong năm. 

“Hiện nay, công chức và viên chức đang làm việc 40 giờ/tuần. Trong khi đó, Luật lao động quy định thời gian làm việc không quá 48 giờ/tuần. Tại nhiều doanh nghiệp, người lao động vẫn làm việc tới 44 hoặc 48 giờ/tuần. Do đó, việc có thêm 1 ngày nghỉ cho người lao động là hợp lý, nhằm tái tạo sức lao động”.

So sánh số ngày nghỉ lễ trong năm của Việt Nam với các nước trong khu vực, ông Lê Đình Quảng cho rằng con số 10 ngày nghỉ lễ hiện nay là “chưa quá nhiều và cũng chưa quá ít”.

Đứng ở góc độ phát triển kinh tế, ông Lê Đình Quảng cho rằng, việc nghỉ 1 ngày cũng là cơ hội kích cầu mua sắm, thúc đẩy thương mại và dịch vụ.

Doanh nghiệp lo lắng vì 20% ứng viên đáp ứng chuyên môn

Chia sẻ đánh giá cá nhân tại Tọa đàm “Liên kết phát triển nguồn nhân lực và đổi mới khoa học công nghệ” vừa được UBND TP Đà Nẵng tổ chức, ông Vương Ngọc Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ Điện tự động Biển Đông (ESTEC) cho biết, chỉ khoảng 20% ứng viên được phỏng vấn đạt yêu cầu về trình độ chuyên môn, nhưng còn rất thiếu kỹ năng mềm.

"Các kỹ năng mềm là rất cần thiết như kỹ năng giao tiếp, văn phòng, đặc biệt là thiếu kỹ năng ngoại ngữ..... Điều này là rất khó khăn cho doanh nghiệp bởi trong xu thế hội nhập ngoại ngữ, các kỹ năng sử dụng phần mềm cơ bản là nền tảng để doanh nghiệp bắt kịp nhịp phát triển" - ông Vương Ngọc Hoàng nói. 

Có thay đổi quyền lợi khi thay đổi mã BHYT?

BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn số 713/BHXH-CSYT về việc đổi mã hưởng BHYT theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP đối với đối tượng mang mã CK, CB, KC. 

Theo đó, Khoản 2 Điều 13 Luật BHYT quy định: “Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này” và tại Khoản 2, Điều 22 Luật BHYT quy định “Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất”.

Như vậy, một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định, mức hưởng BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.

Hoàng Mạnh tổng hợp