Kiếm trăm triệu đồng từ nghề "mua của người chán, bán cho người cần"

(Dân trí) - Giữa sự sôi động của cuộc cách mạng 4.0, nghề buôn bán đồ cũ ở Hà Nội vẫn luôn tấp nập. Không hề bị thu hẹp, ngược lại, nghề còn giúp nhiều người có mức thu nhập ổn định.

Mua của người chán...

Anh Đinh Văn Nam (trú tại Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội) được nhiều người gọi vui là "vua" đồ cũ. Hơn chục năm trong nghề “mua của người chán, bán cho người cần”, anh đang sở hữu một cửa hàng đồ cũ rộng hàng trăm mét vuông. Cửa hàng có cả hàng nghìn sản phẩm đồ cũ khác nhau.

Mặc dù những mặt hàng cũ này có vẻ ngoài nhem nhuốc, cũ nát được bày bán chất đống lên nhau phủ một lớp bụi dày đặc, thế nhưng lại có rất nhiều người mua.

Chia sẻ của người buôn đồ cũ tại Hà Nội

Anh Đinh Văn Nam chia sẻ bí quyết nghề: “Khó khăn nhất chính là chọn đồ, để có thể mua lại được những món đồ tốt cần có kỹ năng. Sự tinh tế của người làm nghề sẽ giúp nhận biết những món hàng nào còn dùng tốt, còn sửa chữa được. Vậy nên, nghề này không phải ai cũng có thể làm được”.

Theo anh Nam, tuy được coi là đồ thanh lý nhưng số vốn bỏ ra mỗi khi mua lại máy móc của một công ty từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Người đi mua mà không biết được chất lượng, về không sử dụng được bán đồng nát là lỗ một nửa tiền.

Kiếm trăm triệu đồng từ nghề mua của người chán, bán cho người cần - 1

Đồ cũ ngày càng thu hút nhiều người dân

Cửa hàng đồ cũ của anh Nam có 7 lao động chính với mức thu nhập hàng tháng từ 6 -15 triệu đồng/người. Công việc của họ là sửa chữa những máy móc hư hỏng. Đối với những thứ không thể sửa chữa sẽ bị phá bỏ, phân loại chất liệu rồi bán đồng nát. Mỗi năm, nghề "đồng nát" cũng giúp anh Nam thu về cả trăm triệu đồng.

Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, anh Nam thu mua tất cả các máy móc thanh lý tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên…

“Nhiều người tìm đến vì chưa có điều kiện mua đồ mới. Nhưng cũng không ít người vì đam mê và chất lượng của đồ cũ mà tìm đến. Thu nhập từ nghề này cũng ổn định vì lượng khách hàng ngày càng đông hơn” - anh Nam chia sẻ thêm.

Kiếm trăm triệu đồng từ nghề mua của người chán, bán cho người cần - 2

Nhiều người thợ đến tìm cho mình những món đồ còn sử dụng tốt

Làm chủ một cửa hàng đồ cũ chợ đồ cũ ở chợ Vạn Phúc, (Hà Đông, Hà Nội), chị Nguyễn Thu Hà chia sẻ: “Tôi bán tất cả những mặt hàng đồ cũ, không thiếu thứ gì, từ còn dùng được đến không dùng được, hàng nội địa, hàng nước ngoài đều có hết. Giá sản phẩm từ vài nghìn đồng đến vài triệu đồng”.

Chị Hà thu mua, đồ cũ từ nhiều nguồn khác nhau như những người buôn đồng nát, các lái buôn từ nước ngoài về, gia đình có đồ gì không muốn dùng nữa đem qua bán chị cũng thu mua.

Lâu năm trong nghề nhưng chị Hà cũng không ít lần thu mua phải hàng kém chất lượng cũng như không sử dùng phù hợp với người Việt Nam.

“Đầu năm ngoái tôi nhập hàng chục chiếc nồi cơm điện cũ của Nhật, chạy nguồn điện 110V nhưng ở Việt Nam dùng điện 220V nên chẳng ai mua bán thanh lý lỗ vốn mà mãi chẳng hết” - chị Hà tâm sự.

Trước đây, chợ đồ cũ Vạn Phúc họp vào cuối tuần. Trong 2 năm trở lại đây, nhu cầu khách hàng đông hơn nên chợ họp tất cả các ngày trong tuần. Thu nhập của chị Hà cùng hàng chục của hàng bán đồ cũ ở đây cũng ổn định hơn trước.

“Thu nhập thì tuỳ theo, có ngày bán được vài trăm nghìn đồng, hôm nào nhiều khách được cả triệu, có ngày cũng chẳng được nghìn nào" - chị Hà cho biết thêm.

Không chỉ có người Việt Nam mà có cả những người nước ngoài đi buôn đồ cũ. Hình ảnh anh chàng nước ngoài với những món đồ cũ đã quen thuộc với nhiều người dân phố cổ Hà Nội đó chính là Ali một công dân nước Iraq.

Kiếm trăm triệu đồng từ nghề mua của người chán, bán cho người cần - 3

Anh Ali (bên phải) một người nước ngoài buôn đồ cũ tại Việt Nam

Mặt hàng anh Ali bán chủ yếu là những món đồ nhỏ như tranh, đồng hồ, nồi cơm, vòng, nhẫn,… Ở Việt Nam đã 12 năm,anh giao tiếp bằng tiếng Việt khá tốt.

Anh Ali chia sẻ: “Trước đây, tôi làm giáo viên tiếng Anh. Do mất việc từ đợt dịch Covid-19, tôi bán những thứ đồ cũ này. Sản phẩm tôi mua lại từ nhiều nguồn như chợ Đồng Xuân và các cửa hàng rồi đem đi bán”.

Nên xem xét kỹ

Anh Nguyễn Huy Tuấn trú tại Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), là một tín đồ của đồ hiệu cũ. Làm nhạc sĩ nhưng anh Tuấn lại đam mê chế tạo những đồ dùng trong nhà như bàn, ghế, quạt,… Anh Tuấn thường xuyên đi tìm kiếm những món đồ cũ về để sử dụng.

“Có lần, tôi mua một mũi khoan mới về khoan được mấy lần đã gãy, sau đó mua chiếc mũi khoan cũ được bán với giá rất rẻ thì lại dùng mãi không hỏng. Từ đó, tôi tin dùng hàng cũ hơn”  - anh Tuấn nói.

Kiếm trăm triệu đồng từ nghề mua của người chán, bán cho người cần - 4

Đủ các mặt hàng đã qua sử dụng được bày bán la liệt

Vào những ngày rảnh rỗi, anh Tuấn thường đến các cửa hàng đồ cũ để tìm cho mình những món đồ ưng ý để mua về sử dụng ngay hoặc sáng tạo thành một món đồ khác sử dụng trong gia đình.

“Tôi đã phải thay đổi cả nguồn điện trong gia đình, cho phù hợp với những đồ dùng cũ của nước ngoài. Tuy nhiên, người đi mua cũng cần phải lựa chọn thật kỹ vì không ít đồ cũ chỉ là đồ đồng nát không có giá trị sử dụng cũng như không thể sửa chữa” - anh Tuấn nói.

Theo anh Đinh Văn Nam, giá thành cũng là nguyên nhân nhiều người lựa chọn đồ cũ thay vì một sản phẩm mới.

“Cùng một chiếc máy cầm tay hàng của Nhật nội địa, để có thể mua mới, người tiêu dùng phải bỏ ra đến vài triệu đồng, thế nhưng lại có thể dễ dàng tìm thấy ở các cửa hàng đồ cũ với giá vài trăm nghìn đồng. Cũng có không ít hàng cũ, giá thành đắt hơn hàng mới bán trôi nổi trên thị trường nhưng vẫn được nhiều người tin dùng vì độ bền và thương hiệu của nó” - anh Nam cho biết.

Kiếm trăm triệu đồng từ nghề mua của người chán, bán cho người cần - 5

Nhiều người cho rẳng đồ cũ nhưng sử dụng rất tốt

Cũng theo anh Nam, xu hướng nhiều bạn trẻ đam mê chế tạo những món đồ độc, lạ. Nhiều hãng sản xuất không bán ra ngoài linh kiện nên thợ sửa chữa, tìm đến cửa hàng đồ cũ để mua những bộ phận về thay thế cho khách hàng cũng khiến thị trường đồ cũ vài năm trở lại đây đắt hàng hơn.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, anh Nam cho rằng, hiện nay có không ít chủ cửa hàng đồ cũ vì cái lợi trước mắt mà trà trộn hàng đểu, hàng kém chất lượng vào thị trường, bóc tem mác thậm chí biến mới thành cũ để lừa người mua.

Người đi mua đồ cũ cần cẩn trọng, xem xét kỹ lưỡng trước khi lựa chọn cho mình một món đồ vì đồ cũ thường không có bảo hành nên mua về dùng được hay không đành chấp nhận.