1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Kiếm tiền tỷ từ rác, chuối sấy, da cá basa

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Từ phế phẩm dừa, da cá basa, mắm ba khía, trái chuối hay chỉ là rác, nhiều mô hình khởi nghiệp đã tận dụng và thành công, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Ngày 7/10, lễ tổng kết chương trình "Ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023" đã diễn ra tại Bến Tre với 10 dự án được đánh giá cao nhất để có cơ hội tiếp cận (pitching) chuyên gia, nhà đầu tư. 

Chương trình do Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh Bến Tre phối hợp Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội Đổi mới sáng tạo tỉnh Bến Tre năm 2023 diễn ra ngày 6-7/10.

Kiếm tiền tỷ từ rác, chuối sấy, da cá basa - 1

Hơn 100 gian hàng từ các mô hình khởi nghiệp được trưng bày tại sự kiện (Ảnh: Nguyễn Cường).

Chị Lê Thị Thanh Trúc tham dự chương trình với dự án khởi nghiệp "Hiện đại hóa công tác thu gom và tái chế rác thải nhựa". Với quy trình, máy móc hiện đại, hiện mỗi tháng mô hình của chị Trúc đang thu gom được trên 100 tấn rác ở Bến Tre, biến rác trở thành tài nguyên và giải quyết một phần vấn đề môi trường cho địa phương.

Với hiệu quả bước đầu, chị Trúc dự định sẽ mở rộng mô hình khắp các tỉnh miền Tây trong thời gian tới.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Ân đã tận dụng nguồn trái chuối dồi dào ở Bến Tre, sản xuất chuối sấy bằng năng lượng mặt trời từ năm 2019 đến nay. Hiện sản phẩm của chị Ân đã xuất khẩu đi nhiều nước, được bạn hàng đánh giá cao.

Kiếm tiền tỷ từ rác, chuối sấy, da cá basa - 2

Chị Mới chia sẻ về mô hình khởi nghiệp của mình (Ảnh: Nguyễn Cường).

Mô hình của chị Ân vừa giải quyết đầu ra cho nông sản, vừa giải quyết nhu cầu việc làm ở địa phương.

Khởi nghiệp với 2 triệu đồng kinh doanh ba khía muối, chị Phạm Thị Mới ở Sóc Trăng bất ngờ nhận ra tiềm năng thương mại to lớn của sản phẩm bản địa. Từ năm 2019, chị Mới mở rộng kinh doanh với nhiều sản phẩm, đặc biệt là hành tím, thuê nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Đến nay mô hình kinh doanh của chị Mới đã có doanh thu tiền tỷ mỗi năm.

Trong 10 dự án được đánh giá cao nhất chương trình còn có các mô hình khởi nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng từ da cá basa, phế phẩm dừa.

Sau buổi pitching, những người phụ trách dự án khởi nghiệp và chuyên gia, nhà đầu tư đã gặp gỡ trao đổi về hợp tác.

Theo ban tổ chức, Chương trình: "Ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo" nhằm hỗ trợ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong giai đoạn phát triển và thử nghiệm sản phẩm. Thông qua chương trình sẽ xây dựng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển thành các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tiềm năng trong tương lai.

Kiếm tiền tỷ từ rác, chuối sấy, da cá basa - 3

Chuyên gia đánh giá, tư vấn về các mô hình tại sự kiện (Ảnh: Nguyễn Cường).

Hoạt động Pitching "Doanh nghiệp và nhà đầu tư" tạo cơ hội để các thành tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hội tụ, kết nối giao thương, kết nối nguồn lực hỗ trợ tài chính và đầu tư cho các dự án.

Tham gia chương trình, doanh nhân trẻ khởi nghiệp được chuyên gia tư vấn, được tham gia các khóa đào tạo miễn phí.

Ngày hội Đổi mới sáng tạo tỉnh Bến Tre năm 2023 với chủ đề "Sáng tạo từ tâm - vươn tầm biển lớn", gồm nhiều hoạt động như: Cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Bến Tre năm 2023; tổng kết cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài năng bản địa" năm 2023; Pitching doanh nghiệp và nhà đầu tư; hành trình đổi mới sáng tạo Green Innovation Tour; trưng bày, giới thiệu mô hình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…

Sự kiện có khoảng 200 doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và các chuyên gia trên cả nước tham dự.

Ông Nguyễn Trúc Sơn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - cho biết, đây là hoạt động nhằm kết nối giữa doanh nghiệp trong tỉnh và các đơn vị ngoài tỉnh. Từ đó thu hút nguồn lực cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bến Tre.