Quảng Bình:

Kiếm tiền tỷ nhờ câu chuyện đi tìm nấm chữa bệnh cho bố

Tiến Thành

(Dân trí) - Sau lần tìm nấm về chữa bệnh cho bố, người đàn ông tại Quảng Bình đã nảy ra ý định rồi bắt tay vào làm nấm. Mô hình giờ đây đã thu về hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho trên 400 lao động.

Làm giàu từ nấm

Là một cơ sở nằm ở vùng khó khăn nhưng Hợp tác xã (HTX) sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh, ở xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) của vợ chồng ông Nguyễn Quốc Hương đã có những bước đột phá trong việc trồng và sản xuất các sản phẩm từ nấm.

Đây là mô hình nổi bật trong tiêu chí thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở một số tỉnh Bắc trung bộ.

Kiếm tiền tỷ nhờ câu chuyện đi tìm nấm chữa bệnh cho bố  - 1

Ông Nguyễn Quốc Hương, chủ cơ sở sản xuất và chế biến nấm Tuấn Linh (Ảnh: Tiến Thành).

Vào năm 2005, khi người bố không may lâm bệnh, ông Nguyễn Quốc Hương đã đi tìm mua các sản phẩm từ nấm về để hỗ trợ chữa bệnh. Cũng qua đó, ông bắt đầu nảy ra ý định về việc học hỏi, sản xuất các loại nấm để đưa ra thị trường.

Đến năm 2007, ông Hương bắt đầu đi tìm hiểu và học hỏi cách trồng nấm từ các tỉnh phía Bắc và đưa về thử nghiệm trên mảnh đất quê hương và cho những kết tốt.

Kiếm tiền tỷ nhờ câu chuyện đi tìm nấm chữa bệnh cho bố  - 2

Cơ sở của vợ chồng ông Hương cũng tạo điều kiện cho những bà con vùng sâu, vùng xa, khó khăn đưa phôi nấm về trồng, sau khi thu hoạch nấm mới thanh toán và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con (Ảnh: Tiến Thành).

"Gia đình tôi trồng nấm đến nay cũng đã gần 15 năm, trước năm 2016 thì cũng chỉ làm thủ công rồi bán các sản phẩm thô nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ tháng 3/2016, vợ chồng mới quyết định thành lập HTX để mở rộng sản xuất, liên kết với bà con để cùng trồng nấm và chế biến các sản phẩm từ nấm", ông Hương chia sẻ.

Sau hơn 5 năm triển khai thành lập HTX, đầu tư máy móc, thuê thêm nhân công và tìm tòi để cho ra những sản phẩm từ nấm, công việc sản xuất của ông Hương đã gặt hái được nhiều thành công, tạo được công ăn việc làm cho nhiều người.

Kiếm tiền tỷ nhờ câu chuyện đi tìm nấm chữa bệnh cho bố  - 3

Ông Hương hiện đã có 13 sản phẩm từ nấm cho riêng mình (Ảnh: Tiến Thành).

Theo ông Hương, mỗi năm, đơn vị sản xuất 170 vạn bịch nấm, sản lượng 170 tấn nấm gồm các loại: Linh chi, sò, mộc nhĩ, kim phúc, hoàng đế, nấm rơm..., mang lại tổng doanh thu khoảng 7 tỷ đồng, trong đó lãi đạt từ 15-20%.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng nấm, theo ông Hương với nghề trồng nấm thì không đòi hỏi phải đầu tư vốn quá lớn, việc chăm sóc cũng không quá cầu kỳ. Tuy nhiên, mỗi loại nấm đều có một kỹ thuật chăm sóc khác nhau, do đó cần kỹ càng ngay từ khâu làm phôi giống và nắm bắt môi trường sinh trưởng của nấm để mang lại hiệu quả.

Ông Hương cũng cho hay, việc tiêu thụ sản phẩm luôn là bài toán khó với nhiều người dân khi muốn trồng nấm, do đó để cần có sự liên kết với các đơn vị bao tiêu sản phẩm, qua đó tạo thương hiệu và ổn định lâu dài để tránh rủi ro.

Phát triển nghề trồng nấm tạo việc làm cho lao động nghèo

"Kéo" hàng chục lao động thoát nghèo

Việc thành lập HTX cũng đã tạo điều kiện để ông Hương liên kết trực tiếp với 32 tổ hợp tác khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình để cung cấp phôi giống, chuyển giao kỹ thuật trồng nấm. Đồng thời, HTX cũng bao tiêu sản phẩm, tạo việc làm cho khoảng 425 lao động; trong đó phần lớn lao động là phụ nữ, người khuyết tật, hộ nghèo, cận nghèo.

Kiếm tiền tỷ nhờ câu chuyện đi tìm nấm chữa bệnh cho bố  - 4

Cơ sở của ông Hương hiện đang chuyển giao kỹ thuật trồng nấm, đồng thời bao tiêu sản phẩm, tạo việc làm cho khoảng 425 lao động (Ảnh: Tiến Thành).

Ngoài ra, cơ sở của vợ chồng ông Hương cũng tạo điều kiện cho những bà con vùng sâu, vùng xa đưa phôi nấm về trồng, sau khi thu hoạch mới thanh toán và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con.

Tại cơ sở chính ở xã Sơn Lộc, xưởng sản xuất nấm của vợ chồng ông Hương cũng đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 25 lao động là các hộ nghèo, cận nghèo, khuyết tật tại địa phương, với thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ những liên kết, tạo việc làm cho người dân các vùng khó khăn, đồng bào dân tộc, ông Hương đã "kéo" hàng chục lao động thoát nghèo nhờ trồng nấm.

Kiếm tiền tỷ nhờ câu chuyện đi tìm nấm chữa bệnh cho bố  - 5

Mô hình trồng và sản xuất nấm của ông Hương đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động nghèo, cận nghèo, khuyết tật tại địa phương (Ảnh: Tiến Thành).

Chị Hoàng Thị Thảo (SN 1983), trú thôn Sơn Lý, xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch là một những lao động đã làm việc tại HTX Tuấn Linh hơn 5 năm qua. Chị Thảo bị khuyết tật nên làm việc gì cũng khó khăn. Sau khi được vợ chồng ông Hương nhận vào làm việc, cuộc sống của chị Thảo đã bớt vất vả hơn khi có thu nhập ổn định.

"Tôi bị tật ở chân nhưng việc đóng phôi hay hái nấm thì vẫn làm được nên chủ cơ sở đã tạo điều kiện đưa tôi vào làm ở đây. Mỗi tháng như vậy cũng có 5-6 triệu, đủ trang trải cuộc sống và nuôi 2 con ăn học, hơn nữa là có việc làm thì tôi cũng bớt tự ti về bản thân hơn", chị Hoàng Thị Thảo tâm sự.

Kiếm tiền tỷ nhờ câu chuyện đi tìm nấm chữa bệnh cho bố  - 6

Mặc dù bị khuyết tật nhưng với nghề trồng nấm, chị Thảo cũng có thu nhập mỗi tháng gần 6 triệu đồng (Ảnh: Tiến Thành).

Vừa qua, HTX Tuấn Linh cũng đã được Sở Công thương Quảng Bình công nhận là doanh nghiệp đầu mối bao tiêu sản phẩm nấm linh chi, nấm mộc nhĩ trên địa bàn.

Vợ chồng ông Nguyễn Quốc Hương đang dự kiến đầu tư thêm kinh phí xây dựng nhà xưởng đạt tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài; tiếp tục gia tăng sản lượng đầu vào, mở rộng thêm từ 10-20 tổ hợp tác, 200 hộ trồng nấm tham gia liên kết nữa để gia tăng ổn định nguồn nguyên liệu sạch và an toàn.

Kiếm tiền tỷ nhờ câu chuyện đi tìm nấm chữa bệnh cho bố  - 7

Mỗi năm, cơ sở của ông Hương sản xuất 170 vạn bịch nấm, sản lượng 170 tấn nấm gồm các loại: linh chi, sò, mộc nhĩ, kim phúc, hoàng đế, nấm rơm...

Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch đánh giá, mô hình trồng và chế biến nấm của gia đình ông Nguyễn Quốc Hương là một trong những mô hình tiêu biểu của huyện Bố Trạch,  đi đầu trong việc xây dựng các chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện mở rộng liên kết để đẩy mạnh phát triển các mô hình trồng nấm trên địa bàn, đồng thời tăng cường quảng bá để tiêu thụ các sản phẩm khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát", ông Long nói.

Với những thành quả đã đạt được, HTX Tuấn Linh từng 2 lần vinh dự được nhận Bằng khen từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bằng khen của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.