TP.HCM:

Kiếm tiền triệu từ nghề đánh bóng lư đồng dịp Tết

(Dân trí) - Trung bình mỗi dịp Tết, những người thợ đánh bóng lư đồng kiếm được hàng chục triệu đồng. Nhìn đơn giản nhưng đòi hỏi người hành nghề phải tỉ mỉ, khéo tay và đặc biệt phải có "bàn tay lộc".

Kiếm tiền triệu từ nghề đánh bóng lư đồng dịp Tết - 1

Ông Ba Tiến là thợ đánh bóng lư đồng có tiếng với thâm niên khoảng 30 năm trong nghề. Dịp cận Tết, ông Tiến làm không ngưng tay với khá nhiều khách đặt hàng.

Trung bình mỗi dịp Tết, những người thợ đánh bóng lư đồng kiếm được hàng chục triệu đồng. Nhìn đơn giản nhưng đòi hỏi người hành nghề phải tỉ mỉ, khéo tay và đặc biệt phải có "bàn tay lộc".

Những ngày cận Tết, Sài Gòn bỗng trở nên sôi động với sự xuất hiện của những người làm dịch vụ đánh bóng lư đồng trên phố và dịch vụ đánh bóng lư đồng tại nhà. Với quan niệm xua đi cái không may mắn của năm cũ, rước "tài lộc" về với gia đình nên người dân thành phố khá quan tâm đến dịch vụ này. Chính vì thế, đây cũng là "thời cơ" của thợ đánh bóng lư đồng "hốt bạc" dịp Tết.

Kiếm tiền triệu từ nghề đánh bóng lư đồng dịp Tết - 2

Ông Trần Thành Tiến (hay còn gọi là Ba Tiến) được giới trong nghề đánh giá là thợ đánh bóng lư đồng nổi tiếng tại Sài Gòn với hơn 30 năm trong nghề. Ông Ba Tiến thường làm việc tại khu vực phường 3 (quận Bình Thạnh).

“Tôi năm nay gần 60 tuổi, làm nghề đánh bóng lư đồng được 30 năm. Mỗi dịp Tết đến Xuân về thì rất nhiều gia đình đem lư đồng trên bàn thờ tổ tiên đến tôi nhờ đánh bóng, làm mới. Thông thường, trước Tết một tháng là bắt đầu làm. Khách mối của tôi cũng nhiều vì những năm trước mình làm cho họ, khách thấy đẹp thì tiếp tục tìm tơi. Cũng giống như mình đi cắt tóc, cắt thợ nào, tiệm nào thì quen ở đó”, ông Ba Tiến chia sẻ.

Ông Ba Tiến cho biết thêm, các loại lư đồng đúc thủ công, đồ gia dụng, đồ thờ cúng bằng đồng sau một thời gian sử dụng sản phẩm sẽ bị ô xi hóa lớp bề mặt chuyển sang màu sẫm, màu xanh… rất mất thẩm mỹ nên dịp Tết là thời điểm tốt nhất để mọi người làm mới những món đồ này.

Kiếm tiền triệu từ nghề đánh bóng lư đồng dịp Tết - 3
Hiện nay, nghề đánh bóng lư đồng rất nhiều người theo nhưng không phải ai cũng khéo tay để theo nghề.
Hiện nay, nghề đánh bóng lư đồng rất nhiều người theo nhưng không phải ai cũng khéo tay để theo nghề.

Theo ông Tiến, làm nghề đánh bóng lư đồng đầu tiên phải có uy tín và tay nghề. Không ai giao bộ lư đồng quý giá từ thời ông bà tổ tiên xưa cho người lạ, mới làm nghề bao giờ cả. Làm nghề đánh bóng lư đồng phải có cái tâm, đôi bàn tay “lộc” để mang lại may mắn cho các gia đình. Đưa tay cầm bộ lư đồng làm phải nhìn trước nhìn sau, phải làm thật kĩ chứ không được sơ sài, qua loa cho hoàn thành.

Kiếm tiền triệu từ nghề đánh bóng lư đồng dịp Tết - 5

“Mục đích của việc đánh bóng lư đồng, làm mới nó để thờ cúng trên bàn thờ chính là mong các cụ, các ông bà, bố mẹ…những người đã mất năm mới lại về với con cháu trong sự ấm cúng, xua đi cái không may mắn trong năm cũ, đón rước niềm vui tài lộc, sức khỏe về với tất cả mọi người, để con cháu nhớ đến, biết đến bàn thờ tổ tiên”, ông Tiến lý giải.

Mỗi bộ lư đồng tùy theo kích thước to nhỏ, độ khó khi đánh bóng mà giá cả dao động từ 150 ngàn đồng đến 400 ngàn đồng. Trung bình, mỗi ngày ông Tiến làm được 10 bộ. Thu nhập trong dịp Tết trên 30 triệu đồng.

Mỗi dịp Tết, ông Ba Tiến thu nhập hàng chục triệu đồng từ nghề đánh bóng lư đồng.
Mỗi dịp Tết, ông Ba Tiến thu nhập hàng chục triệu đồng từ nghề đánh bóng lư đồng.

Ghi nhận trên nhiều tuyến đường Sài Gòn những ngày cận Tết cũng xuất hiện nhiều điểm đánh bóng lư đồng dạo. Họ không phải là những người thợ chuyên nghiệp, gắn bó lâu năm với nghề như ông Ba Tiến mà chủ yếu là thợ "thời vụ", chỉ hành nghề vài ngày. "Tôi làm nghề sửa khoá, cắt chìa khoá, do trước đây cũng từng theo một người anh họ đi đánh bóng lư đồng tại nhà cho nhiều người nên cũng biết đôi chút. Dịp Tết tranh thủ làm thêm để có chút thu nhập về quê xum họp cùng gia đình", anh Vũ Quang Tập (quê Bình Định) tâm sự.

Không chỉ những người thợ "đường phố" xuất hiện nhiêu, dịch vụ đánh bóng lư đồng còn phục vụ tận nhà. Một thợ lành nghề cho rằng, lư đồng có đến hàng trăm loại, khó đánh nhất là lư trúc vì có nhiều hoa văn chạm trổ tinh vi; dễ đánh nhất là lư tứ giác, lư tròn. Để cho lư đồng được sáng bóng, họ phải lao động cực kỳ chỉnh chu để tránh làm lư đồng biến dạng, xây xước, mô-tơ tỉ mỉ để đảm bảo độ sáng đồng đều.

Những chiếc lư đồng đã được đánh bóng trong dịp Tết.
Những chiếc lư đồng đã được đánh bóng trong dịp Tết.

"Muốn duy trì độ sáng lâu trên lư đồng, sau khi đánh bóng người thợ thường lau lại với tinh bột sắn và tiếp tục lau lại bằng vải sạch. Vào mỗi dịp Tết, người dân có nhu cầu đánh bóng lư đồng rất lớn, chúng tôi làm không xuể nhưng cũng không vì thế mà nhận bừa để làm qua loa lấy tiền. Giá cả cũng tùy theo độ khó của từng món đồ nhưng trung bình mỗi dịp Tết anh em cũng kiếm được vài chục triệu đồng", một thợ đánh bóng lư đồng chia sẻ.

Trung Kiên