Kiếm nửa triệu đồng mỗi ngày nhờ nghề "ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời"

Bình Minh

(Dân trí) - Để có thu nhập nửa triệu đồng mỗi ngày, những nông dân ở huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) chấp nhận đánh đu trên những cây cọ cao chót vót chặt lá, bị thương tích khắp người.

"Trầy da tróc vảy" với nghề 

Trước đây, cuộc sống còn gian khó, mọi nhà thiếu thốn thì cây cọ phát huy tối đa tác dụng: Lá cọ dùng để lợp nhà hoặc khâu nón, thân cọ làm cột nhà, máng nước, chõ đồ xôi, cuống cọ làm rui mè, lạt buộc hoặc để đan lồng gà, mành rèm. Ngoài ra, quả cọ còn được dùng để đồ xôi...

Cuộc sống đổi thay, những mái nhà lá cọ thưa dần. Rừng cọ cũng vì thế mà đang ngày càng thưa thớt và ít dần đi, thay vào đó là những loại cây khác. Tuy nhiên, hái lá cọ vẫn là nghề được nhiều người lựa chọn để mưu sinh. Đây là nghề "hái ra tiền", tuy nhiên vô cùng cơ cực.

Kiếm nửa triệu đồng mỗi ngày nhờ nghề ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời - 1

Rất nhiều gia đình ở Bá Thước làm nghề thu hoạch lá cọ.

Người dân huyện miền núi Bá Thước thường ví nghề hái lá cọ là nghề "ăn cơm dưới đất nhưng làm việc trên trời" vì suốt ngày đánh đu trên những cây cọ cao chót vót, chịu nhiều rủi ro. Nghề này được làm quanh năm. Tuy nhiên vào mùa mưa thì công việc bấp bênh hơn vì thân cây ẩm ướt, trơn khó trèo.

Những người làm nghề thường lập thành từng tốp rồi đi từ vùng núi nọ sang vùng núi kia, cứ thu hoạch vùng này hết lại kéo sang vùng khác và cứ vài ngày chất đầy xe thì kéo về bán cho thương lái.

Theo anh Tào Văn Chung, thôn Điền Giang, xã Điền Lư (Bá Thước), nghề chặt lá cọ khá cực nhọc và phải luôn đối mặt với những hiểm nguy, như gãy thang, bị ong hoặc kiến đốt... Mới vào nghề 2 năm, bàn chân của anh Chung đã hằn nhiều vết sạn chai, thân thể đầy thương tích, chỗ nào cũng nham nhở sẹo ngang, sẹo dọc.

"Khi trèo cây, mặt người trèo cứ phải ngửa lên trời trong nhiều giờ nên vai và cổ đau không tả nổi. Vì thế, ai cũng chỉ làm được một thời gian, đến tuổi 50 thì không còn sức để làm nữa", anh Chung nói.

Anh Nguyễn Văn Hưng, một "chiến hữu", cùng quê với anh Chung chia sẻ: "Nghề trèo cọ đòi hỏi phải có sức khỏe, để kiếm được một đồng cũng "trầy da tróc vảy". Mùa khô còn đỡ chứ nhiều khi vào mùa mưa, trèo vất vả và nguy hiểm lắm, thế nhưng sống dựa vào nghề mà không đi thì cũng không biết lấy gì để sống nên dù vất cũng đều phải cố".

"Bỏ túi" nửa triệu đồng mỗi ngày

Trung bình mỗi ngày, một người sẽ chặt được 300-400 lá cọ, với giá 1.500-2000 đồng/lá, người dân đã có thể "bỏ túi" 400.000-600.000 đồng/ngày.

Anh Vũ Minh Hải (thôn Né, xã Điền Hạ) cho biết, nghề chặt lá cọ tuy cực nhọc, vất vả nhưng cũng cho thu nhập khá. Do đó, nhiều gia đình cả vợ chồng, con cái đều tham gia, người đàn ông có nhiệm vụ trèo lên chặt còn vợ và con ở dưới sẽ nhặt và xếp gọn rồi chất lên xe. Đặc biệt, cũng nhiều gia đình sau khi thu hoạch lá tươi về không bán luôn mà sơ chế, phơi khô có thể bán giá gấp đôi hoặc gấp ba.

Kiếm nửa triệu đồng mỗi ngày nhờ nghề ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời - 2

Các gia đình đem lá cọ về rồi sơ chế, phơi khô rồi mới xuất bán với giá gấp 2-3 lần so với giá lá tươi.

Cũng theo anh Hải, lá cọ tươi sau khi gia đình khai thác và thu mua về sẽ được sơ chế, phơi khô xuất bán đi nhiều nơi trong và ngoài nước để làm chổi, quạt trang trí nhà hàng, quán ăn. Gia đình anh Hải tổ chức cho người nhà khai thác, chủ động thu mua từ những người dân tại địa phương và tìm đầu ra cho lá cọ.

"Nhờ thứ lá tưởng như không còn giá trị sử dụng ở thời hiện tại lại mang đến thu nhập ổn định cho đại gia đình chúng tôi và rất nhiều người dân khác tại địa phương", anh Hải nói.

Người đàn ông này cũng cho biết, cây cọ không chỉ cho thu hoạch lá bán, từ tháng 12 đến giữa tháng 1, mỗi ngày người dân còn hái được hàng chục kg quả để bán. Cọ chưa sơ chế bán 15.000-20.000 đồng/kg, quả om chín bán 30.000 đồng. Mỗi vụ như thế, một gia đình còn thu 3-5 triệu đồng từ việc bán quả.