Kiếm chục triệu đồng ngày vía Thần Tài, tiểu thương vẫn mếu "không ăn thua"

Nguyễn Vy

(Dân trí) - "So với năm ngoái, thậm chí là 10 năm trước, doanh thu bán bánh thuẩn, bánh đồng tiền… vào ngày vía Thần Tài năm nay vẫn không đáng là bao", ông Thành, tiểu thương tại chợ Thiếc, nói.

Không dám tăng giá

3h ngày 7/2 (tức mùng 10 tháng Giêng), các quầy bánh thuẩn, bánh bông lan, đồng tiền… tại khu chợ Thiếc (quận 11, TPHCM) đã bị vây kín bởi người mua.

Kiếm chục triệu đồng ngày vía Thần Tài, tiểu thương vẫn mếu không ăn thua - 1

Người mua vây kín các hàng bánh trong ngày vía Thần tài (Ảnh: Nguyễn Vy).

Tại quầy bánh của gia đình ông Lương (70 tuổi), 4 thành viên phải túc trực từ sớm, thay phiên nhau đứng bán thì mới kịp phục vụ lượng khách lớn.

"Năm nay, tình hình kinh doanh khả quan hơn năm ngoái, lượng khách cũng có dấu hiệu tăng nhẹ. Tuy nhiên, nếu so với những năm trước giai đoạn Covid-19, doanh thu vẫn còn "hẻo" lắm", ông Lương nói.

Ông Đường (57 tuổi), em ông Lương, cho hay năm nay gia đình ông nhập hơn 1.000 bánh các loại để cung cấp cho thị trường dịp vía Thần Tài. Từ 4h, khách đã kéo đến nườm nượp, khiến gia đình ông bán "không kịp thở". Vì thế, đến hơn 8h, số bánh trên quầy cũng đã vơi gần hết.

Để níu chân khách, gia đình ông và những tiểu thương xung quanh hầu như vẫn giữ giá bán như mọi năm, mặc dù giá nguyên vật liệu và các chi phí khác tăng. Chỉ tay về phía hàng bánh thuẩn, ông Đường chia sẻ rằng đây là loại bánh có mức giá dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn, thậm chí là vài triệu đồng, được khách hàng ưa chuộng nhất.

Kiếm chục triệu đồng ngày vía Thần Tài, tiểu thương vẫn mếu không ăn thua - 2

4 người trong gia đình ông Đường phải cùng nhau đứng bán thì mới kịp phục vụ lượng khách tăng so với ngày thường (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Giờ người dân thắt chặt chi tiêu, nếu tăng giá thì họ sẽ giảm số lượng mua hoặc thậm chí là không mua luôn", ông Đường ngao ngán.

Có mặt ở chợ từ sớm, chị Huỳnh Tố Uyên (32 tuổi, ngụ tại quận 5, TPHCM) cho hay cứ mỗi dịp vía Thần Tài, gia đình chị lại ra khu chợ này để mua sắm đồ về cúng, cầu may mắn, thuận lợi trong năm mới.

"Năm ngoái, kinh tế khó khăn, gia đình tôi thắt chặt chi tiêu nên sang năm mới cũng không ngoại lệ. Bánh thuẩn là món cần thiết trong ngày vía Thần Tài nên không thể không mua, nhưng số lượng mua giảm so với mọi năm", chị Uyên chia sẻ.

Cố giữ nghề gia truyền

Ông Lương bộc bạch đây là nghề gia truyền đã 3 thế hệ. Từ năm 1968, bố mẹ ông từ Trung Quốc di cư sang TPHCM lập nghiệp, mở hàng bán bánh thuẩn để nuôi các con, giúp cả nhà có cuộc sống ổn định đến hiện tại.

Vì thế, ông Lương rất trân quý, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để giữ vững nghề gia truyền.

Kiếm chục triệu đồng ngày vía Thần Tài, tiểu thương vẫn mếu không ăn thua - 3

Người dân thắt chặt chi tiêu, sức mua tại các hàng bánh ở chợ Thiếc cũng giảm (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Tôi chứng kiến cảnh bố mẹ làm việc vất vả, bán từng chiếc bánh để nuôi chúng tôi khôn lớn, có cuộc sống ổn định ở thành phố đắt đỏ như thế này. Vậy nên hàng bánh có ý nghĩa rất lớn với gia đình", ông Lương nói.

Các chủ cửa hàng cho biết, dù có thể kiếm được 20-30 triệu đồng trong ngày vía Thần Tài nhưng vẫn được xem là ế ẩm.

Cách đó không xa, ông Thành (49 tuổi) và mẹ là bà Muối (80 tuổi) cũng đang bận rộn đón lượng khách khá đông, cố bán hết những chiếc bánh cuối cùng trên quầy.

Bà Muối cho hay đã bám trụ hàng bánh hơn 50 năm. Sau giai đoạn Covid-19, doanh thu đột ngột giảm hơn một nửa, khiến bà phải giảm số lượng bán từ vài nghìn xuống vài trăm cái/ngày. Các mặt hàng có giá cao cũng hiếm khách hàng gọi điện đặt trước.

Kiếm chục triệu đồng ngày vía Thần Tài, tiểu thương vẫn mếu không ăn thua - 4

Bà Muối vẫn bám trụ với nghề dù đã 80 tuổi (Ảnh: Nguyễn Vy).

Dù đã lớn tuổi, bà Muối hằng ngày vẫn ra chợ để phụ con trai buôn bán, duy trì hàng quán của gia đình. Đặc biệt, vào những dịp đông khách như vía Thần tài, bà chỉ ngủ được vài tiếng do phải dậy sớm để chuẩn bị.

Nhìn người mẹ đã lớn tuổi nhưng vẫn không chịu nghỉ ngơi, ông Thành càng xúc động và thêm quyết tâm kế thừa, gồng gánh hàng bánh của mẹ.

Gần giờ trưa, ông Thành ăn vội nắm xôi, là bữa ăn đầu tiên trong ngày, nhoẻn miệng cười khi đã bán hết bánh.

Kiếm chục triệu đồng ngày vía Thần Tài, tiểu thương vẫn mếu không ăn thua - 5

Ông Thành dậy từ 3h, tranh thủ bán hết số bánh trong dịp vía Thần tài (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Thấy khách đông như vậy nhưng thật ra doanh thu không thấm thía gì mấy. Chúng tôi chỉ có thể bán theo kiểu cầm cự, chờ vượt qua giai đoạn khó khăn chung. Bán bánh này chủ yếu lấy công làm lãi, nhưng rất vất vả vì phải dậy sớm, thức khuya", ông Thành trải lòng.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, các sạp hút khách đa phần là những tiệm kinh doanh lâu năm, có mối quen mới trụ lại được trước tình hình kinh doanh khó khăn. Đối với các sạp bán nhỏ lẻ, tiểu thương "mới" đành ngậm ngùi nhìn hàng bánh ế ẩm.