1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Kiếm 30 triệu đồng, người bán bánh vía Thần Tài vẫn... mếu

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Trong số các loại hàng hóa phục vụ ngày vía Thần Tài, bánh bông lan, bánh thuẩn… là mặt hàng đắt khách nhất. Mỗi tiệm bánh có thể kiếm hàng chục triệu đồng trong ngày này.

Từ 3h sáng ngày 31/10 (tức mùng 10 Tết), Chợ Thiếc (quận 11, TPHCM) đã có rất đông người đến xếp hàng, chờ mua các loại hàng hóa phục vụ ngày vía Thần Tài.

Kiếm 30 triệu đồng, người bán bánh vía Thần Tài vẫn... mếu - 1

Bánh bông lan, bánh tổ, bánh thuẩn... là các loại được chuộng mua nhất.

Theo ghi nhận của phóng viên, dọc các tuyến đường quanh khu vực chợ như đường Trần Quý, Phó Cơ Điều… các cửa hàng bán bánh vía Thần Tài đông khách nhất.

Các loại bánh thuẩn, bánh bông lan cỡ đại, bánh đào tiên, bánh tổ... được bày bán nhiều nhất trong ngày này. Dòng người tấp nập ghé vào, mỗi xe dừng chưa đầy 2 phút lại quay ra, nhường chỗ cho lượt khác. Tại đây, người mua, bán đa phần là gốc Hoa. Số lượng khách quá lớn, dồn dập, nhiều tiệm phục vụ không xuể khiến không ít khách giận dỗi, bỏ đi vì hết kiên nhẫn.

Chị Lâm Thị Hồng Hoa (ngụ tại quận 10) cho biết đã dậy từ sớm chuẩn bị những thứ cần thiết cho lễ cúng vì lo sợ phải xếp hàng quá lâu.

Kiếm 30 triệu đồng, người bán bánh vía Thần Tài vẫn... mếu - 2

Từ sáng sớm đã có rất đông người đến mua bánh Thần Tài.

"Năm ngoái tôi chủ quan, 6h dậy mới ra mua đồ về cúng Thần Tài. Ra tới chợ giờ đó, người xếp hàng đông nghịt, chen chúc mãi, về tới nhà thì đồ cúng cũng đã nguội hết. Năm nay rút kinh nghiệm, tôi dậy 3h sáng đi mua mà vẫn thấy đông, may là suôn sẻ, không quá tải như năm trước", chị Hoa nói.

Cùng lúc, chị Trúc Phương (ngụ tại quận 5) cũng ra chợ từ sớm để mua bánh về cúng. Là người Việt gốc Hoa, mỗi dịp lễ vía Thần Tài, mâm cúng của gia đình chị không thể thiếu món bánh Hồng (làm từ nước cốt dừa) và bánh Quặng (làm từ trứng gà).

Theo chị Phương, chị chọn Chợ Thiếc để đến mua bánh vì các cửa hàng tại đây đa số làm hàng thủ công, gia truyền lâu đời, đảm bảo không dùng phẩm màu, chất bảo quản. Bánh mang về giữ được độ sánh mịn, không ngấy.

Kiếm 30 triệu đồng, người bán bánh vía Thần Tài vẫn... mếu - 3

Bánh Hồng làm từ nước cốt dừa là một trong hai loại bánh vía Thần Tài đặc trưng.

 Chị Tô Thanh Thúy (40 tuổi, chủ cửa hàng bánh Xương Ký) cho biết, dù nguyên liệu tăng nhưng giá bánh không thay đổi. Các tiệm bánh làm thế để giữ chân khách hàng. Trung bình, các loại bánh có giá từ 30.000 đồng - 200.000 đồng tùy kích thước. Đặc biệt, có những khổ bánh lớn được bán với giá hơn 1,1 triệu đồng.

Người dân thường có xu hướng chờ đến đúng Mùng 10 Tết mới đi mua bánh cúng lễ vía Thần Tài, hiếm có ai mua trước, để dành. Vậy nên những mẻ bánh cũng chỉ được chuẩn bị, làm cho dịp ngày. Doanh thu trong ngày của các tiệm bánh, đồ cúng, theo đó, tăng đến 70% so với ngày thường.

Kiếm 30 triệu đồng, người bán bánh vía Thần Tài vẫn... mếu - 4

Tiểu thương bận rộn bán hàng từ sáng sớm, doanh thu vẫn giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, ngày vía Thần Tài năm nay, lợi nhuận bán bánh chỉ bằng 30% cùng kỳ năm ngoái - thời điểm dịch Covid-19 vừa được kiểm soát. Các mặt hàng có giá cao cũng hiếm khách hàng gọi điện đặt trước nữa.

Các chủ cửa hàng cho biết, dù có thể kiếm được 20-30 triệu đồng trong ngày vía Thần Tài nhưng đó vẫn là "số ế" so với năm ngoái.

"Doanh thu nói trên là chưa trừ chi phí, tính lãi thì chẳng còn bao nhiêu. Năm nay chúng tôi chủ yếu lấy công làm lãi, bán hết hàng, thu hồi vốn được là mừng rồi. Không ai muốn bán tăng giá vì tăng sẽ càng ế hơn nữa nhưng giảm thì sẽ phải bán lỗ mãi", chị Thúy tính toán.

Bà chủ tiệm bánh chia sẻ, như mọi năm, đến khoảng đầu giờ trưa là sạp bán hết hàng nghìn chiếc bánh. Năm nay, đã quá ngọ, lượng bánh mới vơi một nửa.

Theo quan sát, các sạp hút khách đa phần là những tiệm kinh doanh lâu năm, có mối quen mới trụ lại được trước tình hình kinh doanh khó khăn. Đối với các sạp bán nhỏ lẻ, tiểu thương "mới" đành ngậm ngùi nhìn hàng bánh ế ẩm.

Chị Thu Hồng (tiểu thương bán bánh vía Thần Tài trên đường Trần Quý) mặt chảy dài vì trông chờ mãi dịp này mà kết quả buôn bán không như mong đợi. Sạp của chị qua buổi chiều vẫn chưa bán hết 100 bánh.

Kiếm 30 triệu đồng, người bán bánh vía Thần Tài vẫn... mếu - 5

Một số tiểu thương vẫn còn đầy bánh trên sạp dù đã quá giờ trưa.

"Bình thường nếu đợi quá giờ trưa mới đi mua bánh thì không có. Nhưng năm nay chúng tôi phải trụ lại đến chiều, chờ thêm người mua. Xôm nhất có lẽ là sáng sớm, còn từ trưa tới chiều chỉ lác đác vài khách".

Cửa hàng của gia đình chị Thúy mở tại khu Chợ Thiếc đã rất nhiều năm, nhưng đây là lần đầu chị và các tiểu thương khác nhìn thấy cảnh buôn bán "hẻo" đến như vậy. Để thu hút khách hàng, chị Thúy còn bán thêm sáp hình thỏi vàng với giá rất rẻ, không ăn được nhưng có thể để dành bày mâm cúng rất bắt mắt.

"Chúng tôi sống cũng nhờ những dịp lễ lạt thế này chứ bình thường làm lai rai thôi. Làm hàng số lượng lớn lúc nào cũng nơm nớp, lỡ không bán được hết thì đành bỏ. Hôm nay có những khách quen mà cũng dạo quanh rồi không hiểu sao đi luôn, chỉ mua hoa với trái cây là chính", chị Hồng thở dài.