(Dân trí) - Khi bước ra sân khấu, tràng pháo tay của khán giả như tiếp thêm động lực để các nữ nghệ sĩ xiếc "cháy" hết mình, mang đến những màn biểu diễn đầy lôi cuốn cho công chúng.
Kiếm cắm phập mặt, máu và nước mắt sau hào quang của nữ diễn viên xiếc
Khi bước ra sân khấu, một tràng pháo tay của khán giả tiếp thêm động lực để nữ nghệ sĩ xiếc "cháy" hết mình, mang đến những màn biểu diễn lôi cuốn dành cho công chúng.
Mẻ xương chân, kiếm phập vào mặt
Mới ngày nào còn là cô bé 11 tuổi, được bố chở trên chiếc xe máy cà tàng từ Thanh Trì (Hà Nội) đến Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam (Mai Dịch, Cầu Giấy) đăng kí sơ tuyển vào trường, đến nay đã thấm thoát 22 năm chị Đoàn Phương Nga gắn bó với sân khấu xiếc trong và ngoài nước.
Bố làm cán bộ xã, nhưng thích thú với văn hóa, văn nghệ. Chính ông là người truyền lửa, mang chị Nga đến gần hơn với bộ môn xiếc. Cái nóng oi ả của mùa hè năm 1996 đến trường đăng kí học là ký ức chưa một phút phôi pha trong tâm trí chị.
Sau những bài kiểm tra về hình thể, cách ứng biến, phản xạ về nghệ thuật, các thầy cô trong trường đã duyệt cho chị Nga đủ điều kiện theo học trong trường.
Ở nhà được chăm bẵm như một cô công chúa, khi vào học, cô học sinh đang tuổi ăn, tuổi chơi đã phải tự lập hoàn toàn. Ở kí túc xá, cô gái nhỏ năm nào phải tắm nước lạnh ngắt, tự giặt quần áo, lo sinh hoạt cá nhân. Nhưng những việc đó chưa thấm thoát gì so với những bài học chị Nga được rèn luyện mỗi ngày.
"Buổi sáng chúng tôi được tập xiếc, văn hóa được học buổi chiều. Những ngày mới bắt đầu tập luyện rất vất vả, nào là bẻ dẻo, uốn dẻo, xoạc… vô cùng cực nhọc. Sau khi rèn luyện kĩ năng, chúng tôi sẽ vào những bài tập thể lực. Chạy, rồi cõng bạn chạy cầu thang… muốn chảy nước mắt", chị Nga nhớ lại.
Khổ luyện 5 năm, sau khi ra trường, chị Nga cùng 5 người bạn khác cùng khóa được nhận vào Rạp Xiếc Trung ương làm việc. Đó là thành công sớm, là niềm tự hào lớn với người mới vào nghề.
"Xe chỉ" 4 nữ là tiết mục đầu tiên mà chị Nga trình diễn với vai trò diễn viên xiếc. Thoát bỏ bọc của cô sinh viên mới ra trường non nớt, chị cùng với những bạn diễn khác đã thể hiện xuất sắc tiết mục trong màn vỗ tay không ngớt của khán giả.
Áp lực không ngừng luyện tập, làm mới, tăng độ khó của các tiết mục mỗi ngày như một vòng quay suốt hai mươi năm. Các kĩ năng phải ngấm sâu vào từng thớ thịt, đường gân trên cơ thể.
Trong quá trình tổng duyệt chuẩn bị thi Xiếc toàn quốc năm 2005, Phương Nga tập diễn lắc thang trên bàn. Khi con lăn sát mép bàn, chị lao xuống theo phản xạ. Cơn đau ập đến. Khi vào viện kiểm tra, chị được xác định bị mẻ xương bàn chân.
"Nằm treo giò mất 2-3 tháng, lúc tháo bột, một chân tôi đã bị teo lại. Từ khi khỏi đến lúc phục hồi hẳn, tôi mất nửa năm xa sân khấu", chị Nga thoáng nhăn mặt khi kể về biến cố thách thức với nghề.
3 năm sau, cũng một lần tập với dây lụa, cắn kiếm, một phút lơ đễnh khiến cây kiếm phập thẳng vào mặt nữ nghệ sĩ. Dòng máu đỏ trào ra như suối. May sao chị Nga được sơ cứu kịp thời.
Nói về những tai nạn luôn rình rập với diễn viên xiếc, chị Nga bộc bạch: "Với một người làm nghề như tôi, tai nạn đến là chuyện thường. Chúng tôi coi đó là sự xui rủi và sau đó mỗi nghệ sĩ phải nỗ lực gấp 5, gấp 10 để có thể hồi phục và biểu diễn trở lại", nữ nghệ sĩ kể.
Sau khi lập gia đình, không thể đi biểu diễn xa, chị Nga có nguyện vọng xin sang làm việc ở bộ phận hành chính của rạp xiếc. Với chị, những ngày ngồi bó chân một chỗ, đứng xem các bạn diễn bên dưới ánh đèn sân khấu là những dằn vặt không yên.
"Càng rời xa sân khấu mình lại càng mong mỏi được diễn, cảm xúc như những ngày đầu tiên mới vào nghề lại ùa về.
Tôi nhớ da diết một ngày có lịch diễn dày đặc, chuẩn bị có 2 động tác khó. Trong đầu nghĩ chỉ có thể trình diễn 1 động tác nhưng khi kết thúc động tác đó nghe những tiếng vỗ tay của khán giả, mình như được tiếp thêm sức mạnh. Cứ thế, mình phô diễn toàn bộ động tác khó, tạo ra màn trình diễn mãn nhãn cho người xem" - chị Nga hào hứng kể.
Dù hơn 2 thập kỉ gắn bó với nghề, nhưng mỗi lần diễn xiếc dưới ánh đèn sân khấu, khán giả, chị Nga luôn coi là lần diễn cuối cùng và coi đó là động lực giúp chị hoàn thành tốt tiết mục biểu diễn của mình.
"Chỉ có thể là quá yêu nghề mới gắn bó được với cái nghiệp diễn lâu đến vậy" - chị Phương Nga nghẹn ngào.
Làm đủ nghề… để nuôi đam mê
Năm 2001, khóa đào tạo diễn viên xiếc của nghệ sĩ Chu Hồng Thúy (34 tuổi) có 45 người theo học thì chỉ còn 20 người gắn bó với công việc này.
"Nhiều người không thể theo đuổi hoặc trong quá trình học tập không đam mê với xiếc nữa sẽ bỏ ngang giữa chừng" - chị Hồng Thúy kể.
Vợ chồng đều làm việc ở Rạp Xiếc Trung ương nên nhờ đó chị Thúy nhận được sự cảm thông, chia sẻ với nghề đặc thù này. Những chuyến công tác biền biệt, lịch diễn dày đặc cho mãi đến đêm muộn mới bước chân đến nhà, may có sự chia sẻ, thấu hiểu của ông xã.
Chị kể, với mỗi người diễn viên xiếc, khi có gia đình, con nhỏ, sự nghiệp ảnh hưởng nhiều. Chị phải nỗ lực rất lớn để cân đối công việc gia đình và lịch trình biểu diễn.
"Tuổi thơ của con mình và con của nhiều đồng nghiệp khác gắn liền với sân khấu, với rạp xiếc. Khi bố mẹ tranh thủ tập luyện chương trình, các con phải tự ngồi chơi với nhau.
Tôi phải tranh thủ, căn ke giờ tập. Thông thường tôi sẽ dậy sớm chuẩn bị đi chợ cơm nước để trưa về là có đồ ăn. Ở nhà tôi, phần lớn là nấu một bữa để ăn cả ngày luôn", chị Thúy cười.
Để có ngày trở thành nghệ sĩ với những tiết mục mượt mà, nhuần nhuyễn như hiện nay, chị Thúy phải trải qua quá trình rèn luyện đầy hà khắc. Mấy chục năm trong nghề, 3 tiết mục đu trên cao là "Đu Sen", "Đu Nón", "Đu Son" là những sản phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp của chị.
Năm 2022, chị Thúy cùng một nghệ sĩ xiếc khác "mang chuông đi đánh xứ người" trong cuộc thi Công chúa Xiếc tại Nga. Với tiết mục "Đu Son", chị Thúy cùng đồng nghiệp xuất sắc đạt giải cao nhất - gương miện Vàng.
"Nước Nga là cái nôi của xiếc. Thời điểm đó, chúng tôi phải "đối đầu" với diễn viên của 9 quốc gia khác. Chúng tôi mang tiết mục "Đu Son", đã tập luyện, đầu tư suốt 7 năm để đi thi", chị Thúy hào hứng kể.
Những vinh quang, hào quang sân khấu khép lại, chị Thúy cùng nhiều nghệ sĩ khác đang được trả lương rất ít ỏi. Lương cơ bản 4,6 triệu đồng, cùng tiền thù lao đi diễn, tổng mỗi tháng miệt mài lao động của chị thu nhập chưa đến 10 triệu đồng.
Chị Thúy kể: "Với đồng lương đó mà phải thuê nhà tại Hà Nội như vợ chồng tôi đúng là không đủ. Hầu hết mọi người đều phải làm thêm công việc khác. Với bản thân, tôi nhận đi diễn ngoài hoặc tranh thủ buổi trưa, chiều tối đi dạy yoga".
Chị Thúy giải thích, những công việc phụ, làm thêm chính là nguồn nuôi sống, hỗ trợ các nghệ sĩ gắn bó với nghiệp xiếc, đam mê với nghề. Với nghề này, tình yêu không đủ lớn sẽ không thể gắn bó.
Lời tòa soạn
Sự phát triển của khoa học công nghệ và mạng xã hội hiện mang lại cơ hội nghề nghiệp, công việc mới mẻ, đa dạng. Đặc biệt nhiều bạn trẻ ở độ tuổi 18-25 đã bắt đầu làm việc và tạo ra thu nhập tiền tỷ.
Dân trí thực hiện một loạt bài CHUYỆN NGHỀ, kể về những công việc mới mẻ, thời thượng lẫn những góc khuất của những nghề nghiệp tưởng chừng quen thuộc mà ít người thấu hiểu. Từ chính trải nghiệm của "người trong cuộc", CHUYỆN NGHỀ mong muốn mang lại góc nhìn khách quan, để độc giả khám phá những câu chuyện thú vị, tự vén những bức màn đằng sau ánh hào quang của những người trong nghề.
Thanh Xuân - Sơn Nguyễn