Kiếm bạc triệu nhờ mô hình nuôi sứa "triệu view" trong phòng máy lạnh
(Dân trí) - Là người đầu tiên nhập sứa cảnh về kinh doanh, Việt Trinh đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để thử nghiệm. Tuy nhiên, thành quả được hàng trăm người quan tâm, tìm đến mua đã giúp cô gái kiếm bạc triệu.
Tốn hơn 150 triệu để thử nghiệm
Năm 2019, trong một lần theo chân chồng sang giải đấu cá cảnh ở Trung Quốc, Lê Đặng Việt Trinh (30 tuổi, ngụ TPHCM) tình cờ nhìn thấy và "phải lòng" vẻ đẹp của những con sứa cảnh.
Thời điểm đó, mô hình chơi sứa cảnh chủ yếu xuất phát ở Châu Âu, Châu Mỹ, hiếm khi xuất hiện ở Châu Á. Ngoài ra, quy tắc nuôi sứa khá khắt khe nên Trinh phải trình bày lí do mua về làm gì.
"Họ chỉ đồng ý trao đổi với người thật sự đam mê, không chú trọng kinh doanh. Chuyên gia ở nước ngoài cũng phải qua tận nơi xem mô hình nuôi cá cảnh của chúng tôi thế nào. Sau đó, họ mới hoàn toàn đồng ý để cả hai nhập về", Trinh nói.
Thời gian đầu, vì chưa có ai phát triển mô hình nuôi sứa nên Trinh phải tự tìm hiểu qua các tài liệu nước ngoài. Không những vậy, cô gái còn gặp khó khăn trong việc giao tiếp với các chuyên gia ở nước ngoài.
Tuy nhiên, lý thuyết và thực hành rất khác nhau. Môi trường, thức ăn, nhiệt độ nước ở Việt Nam khác ở nước ngoài. Vì vậy, khi Trinh nhập về số lượng nhỏ để nuôi thử, thì sứa chết hết khi cập cảng. Thử nghiệm hết lần này tới lần khác, vợ chồng Trinh tốn không dưới 150 triệu đồng trong 6 tháng.
"Lúc đó cũng hơi nản rồi nhưng quyết liều một phen vì quá thích. May mắn rằng sau nhiều lần rút kinh nghiệm thì cũng cho ra những con sứa đầu tiên", Trinh nói.
Sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, Trinh chính thức bắt đầu mô hình kinh doanh sứa cảnh. Đôi vợ chồng đã đăng tải nhiều đoạn clip giới thiệu về thú chơi mới này trên mạng xã hội.
Bất ngờ, mô hình thu hút được hàng triệu lượt xem.
"Trước giờ nữ giới thường không quá đam mê cá cảnh. Nhưng từ khi tôi đăng tải các đoạn clip nuôi sứa lên mạng xã hội, có hơn 80% khách hàng là nữ giới quan tâm bộ môn này. Họ cho rằng màu sắc của sứa rất đẹp và càng thoải mái hơn khi nhìn ngắm chúng bơi trong hồ", Trinh chia sẻ.
Được nhiều người biết đến và ủng hộ, cả hai tiếp tục tìm hiểu và nhập thêm nhiều loại sứa, đến từ các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc,... Đến nay, trại nuôi đã nhập về các giống sứa như sứa mặt trăng, sứa tuyết, sứa dây,… với đủ đặc tính khác nhau.
Mỗi ngày, vợ chồng Trinh phải trả lời tin nhắn của khách hàng đến mức đôi khi quên cả ăn uống. Cứ cách 1 tuần, Trinh lại phải nhập hơn 100 con sứa khác loại thì mới đủ phục vụ sức mua.
Mô hình dành cho người thật sự đam mê
Dù có nhiều người quan tâm, Trinh vẫn luôn cẩn thận hướng dẫn khách hàng về cách nuôi. Theo đó, việc nuôi sứa chưa từng dễ dàng, vì phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí.
Chẳng hạn, nhiệt độ trong nước luôn phải duy trì ở mức 25-28 độ C, tuyệt đối không để ánh nắng chiếu trực tiếp. Nước có thể dùng nước biển bán sẵn hoặc tự pha với muối. Mỗi lần thay nước chỉ thay khoảng 20-30% để sứa không bị sốc. Độ mặn của nước có thể điều chỉnh từ mức 1.023 - 1.025 ổn định.
Mỗi ngày, người nuôi cho sứa ăn 2 lần. Đặc biệt là không cho ăn đồ sấy khô mà chỉ ăn đồ tươi hoặc thức ăn Atermia (loại ấu trùng tươi sống). Không những vậy, hồ nuôi phải phù hợp với kích thước của sứa. Hồ cũng phải gắn thiết bị lọc nước, thổi lùa dòng chảy cho sứa.
Được biết, giá của mỗi con sứa thường dao động từ 250.000 - 900.000 đồng, tùy thuộc vào kích thước và đặc tính. Chi phí bỏ ra để mua hồ, thức ăn,… có thể lên đến hơn 2 triệu đồng.
"Thú chơi này nếu ai thật sự đam mê thì mới có thể theo đuổi dài lâu được. Vì sứa là loại động vật trông có vẻ dễ nuôi nhưng phải đáp ứng nhiều yêu cầu. Chúng tôi cũng hi vọng có thể lan tỏa mô hình sứa cảnh này đến với cộng đồng có cùng sở thích", Trinh bộc bạch.
Sắp tới, đôi vợ chồng dự kiến sẽ mở rộng mô hình nuôi sứa hơn. Đồng thời, cả hai sẽ mở riêng một siêu thị cá cảnh để tạo cơ hội cho ai yêu thích thủy sinh có thể đến trao đổi.