Khuyến khích lao động thất nghiệp nâng cao kỹ năng, định hướng nghề
(Dân trí) - Bên cạnh trợ cấp thất nghiệp, đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo Luật Việc làm cần có những quy định hỗ trợ lao động tái đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với thị trường lao động.
Hỗ trợ tái đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp
Thảo luận về dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, đại biểu Lý Anh Thư (Kiên Giang) cho biết chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn hỗ trợ, tư vấn việc làm, tham gia đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động thất nghiệp. Tuy nhiên, người lao động chủ yếu vẫn tập trung nhiều vào trợ cấp thất nghiệp.
"Điều này đang giải quyết ở một phần ngọn, trong khi chưa có cơ chế khuyến khích như người lao động chủ động nâng cao kỹ năng nghề, tái định hướng nghề nghiệp hoặc nâng cao kỹ năng thường xuyên, liên tục để duy trì việc làm", đại biểu nêu thực tế.
Từ đó, đại biểu cho biết sẽ dẫn đến tình trạng lao động phụ thuộc vào bảo hiểm thất nghiệp mà không giải quyết được gốc rễ là việc thiếu kỹ năng nghề phù hợp với thị trường lao động, đặc biệt là các kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin.
Để giải quyết được tình trạng trên, đại biểu đề xuất đưa vào dự thảo Luật Việc làm quy định hỗ trợ người lao động tái đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp gắn với nhu cầu thị trường lao động, thích ứng với nền công nghệ số, già hóa dân số, biến đổi khí hậu.

Đại biểu Lý Anh Thư (Ảnh: QH).
Cùng với đó, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, triển khai trợ cấp, tái đào tạo trong thời gian người lao động học nghề; nâng cao kỹ năng nghề, hỗ trợ người sử dụng lao động với nhiều lao động là người khuyết tật.
Đại biểu cũng đề xuất bổ sung một điều khoản riêng về hỗ trợ tái đào tạo lao động hoặc là bổ sung nội dung này vào Điều 16 dự thảo luật về hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường lao động.
Cụ thể, theo bà Lý Anh Thư, cần đầu tư xây dựng chương trình chính sách đào tạo kỹ năng nghề phù hợp với người lao động mất việc làm để nhanh chóng tái hòa nhập thị trường lao động.
Về nguồn ngân sách cho thực hiện chương trình, theo đại biểu, có thể xem xét trích từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đang chủ yếu là dùng để chi trả bảo hiểm thất nghiệp và cũng một phần để hỗ trợ học nghề và tư vấn giới thiệu việc làm.
Việc hỗ trợ học nghề nằm ở trong chi trả quỹ nhưng thay vì chi trả cho đào tạo nghề ngắn hạn, cần chú trọng đào tạo các kỹ năng nghề làm việc cho người lao động một cách thường xuyên, liên tục, mang tính lâu dài, không phải chi trong thời gian ngắn hạn.
Việc mở rộng mục tiêu sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ, tái đào tạo, chuyển đổi ngành nghề có định hướng thay đổi vì chỉ học nghề ngắn hạn sẽ không làm phát sinh quỹ mới mà chỉ là cơ cấu lại tỷ trọng ngân sách theo hướng chủ động.
Cần đào tạo kỹ năng số, kỹ năng xanh cho lao động
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, bảo hiểm thất nghiệp là chính sách an sinh xã hội quan trọng, góp phần ổn định đời sống của người lao động và duy trì việc làm và phát triển bền vững thị trường lao động.
Về Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, dự thảo luật quy định quỹ này là quỹ tài chính độc lập có quy định kiểm toán định kỳ 3 năm, yêu cầu công khai, minh bạch trong sử dụng và đầu tư quỹ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tâm Hùng nhận thấy dự thảo luật chưa có quy định cụ thể về cơ chế sử dụng kết dư quỹ và cũng chưa phân định rõ tỷ lệ chi các mục như chi trợ cấp, chi hỗ trợ đào tạo, chi tổ chức bộ máy dễ dẫn đến nguy cơ lạm dụng chi phí quản lý.
Do đó, đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung nguyên tắc sử dụng kết dư quỹ theo hướng ưu tiên hỗ trợ người lao động đào tạo lại, chuyển đổi nghề, hỗ trợ khẩn cấp khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, quy định rõ mức trần chi phí tổ chức hoạt động.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Ảnh: QH).
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cũng cần yêu cầu công bố hằng năm báo cáo tài chính, tình hình đầu tư quỹ trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của cơ quan chủ quản.
Liên quan đến đề xuất khác, đại biểu cũng kiến nghị mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện, cho phép lao động tự do kinh tế nền tảng số có thể tham gia, từng bước bao phủ toàn bộ thị trường lao động.
Đồng thời, ông Hùng cũng đề nghị bổ sung nội dung hỗ trợ đào tạo kỹ năng số, kỹ năng xanh vào mục hỗ trợ đào tạo từ quỹ để người lao động thích ứng với chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, già hóa dân số.
Thêm vào đó, cần thiết xây dựng cơ chế cảnh báo sớm mất cân đối quỹ để bảo vệ bền tính bền vững của quỹ trước các biến động kinh tế lớn.