“Không ngờ cậu ấy lại đi kiện công ty ra tòa...”
Ông giám đốc mệt mỏi sau mấy lần ra hầu tòa thì quyết định ủy quyền lại cho trưởng phòng pháp chế của công ty xử lý mọi việc. Khuôn mặt bơ phờ, ông thở dài: “Không ngờ cậu ấy lại đi kiện công ty, kiện tôi ra tòa”
“Cậu ấy” là nguyên trưởng phòng pháp chế, cũng là người thân tín của giám đốc trước đây. “Cậu ấy” có một tiểu sử khá hoành tráng về việc tham gia tranh tụng tại tòa. Từ tranh chấp đất đai, đại diện cho anh chị em kiện công ty đòi quyền lợi, kiện bệnh viện đòi bồi thường vì cho rằng ghi sai thông tin bệnh án…
Vốn là dân học luật, có kinh nghiệm nhiều năm làm việc nên “cậu ấy” kiện đâu thắng đó, danh tiếng của “cậu ấy” cũng vì thế vang xa.
“Cậu ấy” được một người quen của giám đốc giới thiệu đến công ty. Xem lý lịch trích ngang của “cậu ấy”, giám đốc rất tâm đắc vì nhận thấy đây là một người hiểu luật, đặc biệt là có kinh nghiệm… "đánh trận" với bí quyết “trăm trận trăm thắng”.
Giám đốc nhận “cậu ấy” vào vị trí Trưởng phòng pháp chế. Công ty có nhiều người không hài lòng và e dè vì trưởng phòng pháp chế sẽ nắm nhiều bí mật của công ty, đặc biệt lại liên quan đến pháp luật. Nhưng giám đốc bỏ qua mọi lời khuyên can, quyết dùng “cậu ấy” và xem “cậu ấy” như chỗ thân tín, phần nữa vì là do bạn thân của sếp giới thiệu. Mức lương của “cậu ấy” cao nhất trong số các trưởng phòng, điều này cũng làm nhiều anh chị em trong công ty phật lòng.
Hơn 1 năm làm việc, giữa “cậu ấy” và một vài trưởng phòng nảy sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân là vì tính hiếu thắng và cậy mình thân sếp, “cậu ấy” xem thường và ra vẻ kẻ cả với anh em.
Phần giám đốc, ban đầu còn bênh vực nhưng sau cũng mệt mỏi vì thấy có quá nhiều người có ý kiến, đặc biệt là khi đánh giá xếp loại hàng quý, trong phần đánh giá chéo, các trưởng phòng khác luôn đánh giá rất thấp sự hợp tác, tính cách cũng như hiệu quả công việc của “cậu ấy”. Nhiều người còn bóng gió, nếu “cậu ấy” còn tại vị, họ sẽ ra đi.
Lo ngại nội bộ xào xáo, giám đốc đã mời “cậu ấy” lên để nói về việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Công ty cũng đồng ý chi trả thêm một khoản rất khá, xem như bồi thường. “Cậu ấy” vui vẻ đồng ý ra đi ngay, còn yêu cầu ban giám đốc ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động ngay để “cậu ấy” thuận tiện trong việc đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp. Trước sự hợp tác của “cậu ấy”, ban giám đốc đã vui vẻ làm theo mà không mảy may nghi ngờ.
Hơn 10 tháng sau, “cậu ấy” gửi đơn khiếu nại đến cơ quan quản lý lao động, kiện ra tòa yêu cầu công ty bồi thường vì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, vi phạm thời gian báo trước! Không những thế, “cậu ấy” còn gọi điện riêng cho giám đốc, thông báo rằng, “cậu ấy” đang giữ rất nhiều tài liệu của công ty, nhiều điều khoản công ty vi phạm pháp luật nên công ty cứ liệu mà giải quyết vụ việc.
“Tôi đúng là “nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà”. Tôi tin tưởng, đối đãi với cậu ta có đến nỗi nào mà cậu ta lại đối xử với tôi như vậy. Được rồi, để tôi ra hầu tòa, tối đối mặt với cậu ta, xem cậu ta có dám nhìn mặt tôi không” - ông giám đốc bực mình khi văn phòng trình thư triệu tập của tòa, mời lên giải quyết vụ kiện.
Ông ra tòa, gặp “cậu ấy”, hai bên giáp mặt. Mặt giám đốc đỏ gay vì tức tối còn mặt “cậu ấy” cứ thản nhiên như không, không chỉ đòi 10 tháng lương, cậu ấy còn đòi thêm cả bảo hiểm xã hội, tiền thưởng, tiền phụ cấp… không sót một đồng nào.
Hôm trước, giám đốc về công ty, ném tập hồ sơ vụ kiện lên bàn, thở dài: “Làm kinh doanh, tuyển người bao nhiêu năm mà lại đi rước một người thích kiện tụng về công ty. Chưa kể, sau vụ này, chắc cũng thôi anh em bạn bè với một số người, nghĩ mà ớn”.
Theo Báo Lao động