Không ký HĐLĐ, bắt người lao động đặt cọc là vi phạm

Bà Ngọc Mai làm việc tại một công ty TNHH từ tháng 8/2010. Tháng 9/2014, bà bị Công ty cho nghỉ việc mà không được báo trước và không có lý do. Trong thời gian làm việc, Công ty không ký HĐLĐ nhưng vẫn yêu cầu bà nộp tiền đặt cọc, không có phiếu thu tiền.


Bà Ngọc Mai làm việc tại một công ty TNHH từ tháng 8/2010. Tháng 9/2014, bà bị Công ty cho nghỉ việc mà không được báo trước và không có lý do. Trong thời gian làm việc, Công ty không ký HĐLĐ nhưng vẫn yêu cầu bà nộp tiền đặt cọc, không có phiếu thu tiền.

Bà Mai hỏi, Công ty làm như vậy có đúng quy định không? Đến nay Công ty vẫn chưa hoàn trả tiền đặt cọc và cũng không trợ cấp cho bà Mai, vậy bà có thể khiếu kiện ở đâu?

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề bà Mai hỏi như sau:

Trước ngày 1/5/2013, theo quy định của tại Điều 28 Bộ luật Lao động 1994, hợp đồng lao động (HĐLĐ) được ký kết bằng văn bản và phải được làm thành 2 bản, mỗi bên giữ 1 bản. Đối với một số công việc có tính chất tạm thời mà thời hạn dưới 3 tháng hoặc đối với lao động giúp việc gia đình thì các bên có thể giao kết bằng miệng.

Pháp luật về lao động khi đó, không có quy định nào cho phép người sử dụng lao động được quyền thu tiền đặt cọc đối với người lao động làm việc ở trong nước. Theo đó, việc Công ty sử dụng lao động thời gian từ 3 tháng trở lên mà không ký HĐLĐ bằng văn bản và thu tiền đặt cọc của bà Mai là vi phạm pháp luật lao động.

Vào thời điểm bà Mai được nhận vào làm việc tại Công ty (tháng 8/2010), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2010/NĐ-CP ngày 6/5/2010 quy định về xử phạt hành chính hành vi vi phạm pháp luật lao động. Tại điểm a, khoản 2; điểm a khoản 4 và điểm b, điểm c khoản 5 Điều 8 của Nghị định này quy định mức phạt tiền đối với người sử dụng lao động có hành vi không ký kết HĐLĐ đối với trường hợp phải ký kết HĐLĐ với người lao động theo mức từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng, khi vi phạm với từ 1 người đến 10 người lao động; phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi bắt người lao động đặt cọc tiền không tuân theo những quy định của pháp luật.

Ngoài hình thức xử phạt, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Tiến hành giao kết đúng loại hợp đồng theo quy định của pháp luật; Trả lại số tiền đặt cọc cho người lao động cùng với số lãi suất của số tiền đặt cọc đó (lãi suất được tính theo mức lãi suất không kỳ hạn mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm nhận tiền đặt cọc).

Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/5/2013. Theo khoản 1, Điều 18 và khoản 2, Điều 20 Bộ luật này, trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết HĐLĐ. Người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác khi làm việc cho mình.

Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động được thay thế bằng Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tại điểm a, khoản 1, điểm b, khoản 2 và điểm b, khoản 3, Điều 5 Nghị định nêu trên quy định: Phạt tiền người sử dụng lao động khi có hành vi không giao kết HĐLĐ bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một hành vi buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm (đặt cọc) bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện HĐLĐ.

Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.

Người lao động có quyền khởi kiện hoặc khiếu nại doanh nghiệp

Nếu sự việc đúng như bà Ngọc Mai phản ánh, thì công ty nơi bà đã làm việc có nhiều hành vi vi phạm pháp luật về lao động, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà. Để bảo vệ quyền lợi, bà Mai có thể khiếu nại đến Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty có trụ sở yêu cầu giải quyết.

Do bà Mai không được ký, không có HĐLĐ, không có phiếu thu tiền đặt cọc (mặc dù bà cũng có thể cung cấp chứng cứ khác thay thế để chứng minh thời gian làm việc tại Công ty như bảng chấm công, bảng thanh toán tiền lương của toàn bộ số tháng của 4 năm làm việc, tuy nhiên việc này rất khó khăn), nên việc yêu cầu Tòa án giải quyết sẽ gặp vướng mắc về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Bà Mai có thể gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố nơi Công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết các vấn đề sau:

- Ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty về các hành vi vi phạm pháp luật lao động như: Không ký HĐLĐ, bắt người lao động phải đặt cọc, không lập hồ sơ tham gia, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động.

- Buộc Công ty trả lại tiền đặt cọc, cộng với khoản lãi số tiền đã giữ của bà Mai.

- Buộc Công ty phải trả tiền trợ cấp thôi việc cho bà Mai theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động, cứ mỗi năm làm việc được trợ cấp ½ tháng lương. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề bà Mai được nhận trước khi thôi việc. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian bà Mai đã làm việc thực tế cho công ty (do Công ty không lập hồ sơ tham gia, không đóng bảo hiểm thất nghiệp cho bà Mai nên bà Mai không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp).

- Buộc Công ty phải bồi thường cho bà Mai một khoản tiền tương đương khoản tiền bảo hiểm xã hội một lần theo Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm làm việc bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội (Do công ty không lập hồ sơ tham gia, không đóng bảo hiểm xã hội cho bà Mai).
Theo Chinhphu.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm