Bí thư Đắk Nông:
"Không để "chạy" dự án thì nhanh, hỗ trợ người dân lại chậm!"
(Dân trí) - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông đề nghị sự vào cuộc mạnh mẽ từ các sở, ngành, địa phương trong việc hỗ trợ người dân ảnh hưởng dịch Covid-19, không để "chạy" dự án thì nhanh, hỗ trợ người khó khăn thì chậm.
Hơn 70% đối tượng khó khăn đã được nhận hỗ trợ
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông, trong thời gian qua, các huyện, thành phố đã thực hiện rà soát và thống kê được 31.068 đối tượng thuộc các nhóm được hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP (NQ 68) của Chính phủ, với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến hơn 53,1 tỷ đồng.
Đến nay, tổng số đối tượng đã được phê duyệt là 37.616 đối tượng/31.068 đối tượng, vượt so với kết quả thống kê ban đầu. Nguyên nhân là tại thời điểm rà soát, thống kê chưa tổng hợp các trường hợp F0, F1 do phát sinh theo tình hình dịch bệnh và đối tượng thực hiện theo Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ mới ban hành sau.
Theo ngành chức năng, nguyên nhân chậm trễ việc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối tượng thụ hưởng là do thời điểm rà soát một số lao động đang nghỉ thai sản, thực hiện cách ly nên việc làm thủ tục, hồ sơ để được hưởng chậm.
Ngoài ra, việc tiếp nhận đơn đề nghị hỗ trợ và họp xét cho đối tượng lao động tự do ở các xã, phường, thị trấn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là thống nhất ngành nghề lao động tự do, phải hướng dẫn nhiều lần, dẫn đến khó khăn cho việc họp xét và phải họp xét nhiều lần.
Đến nay, tổng kinh phí thực hiện là trên 41 tỷ đồng, trong đó đã chi 29,2 tỷ đồng, đạt trên 71%; số còn lại chưa chi là trên 11,8 tỷ đồng, chiếm 28,8%.
Việc chi tiền chậm là do một số người lao động hiện đang vắng mặt trên địa bàn. Bên cạnh đó, một số địa phương còn phải chờ Phòng Tài chính- Kế hoạch và Kho bạc Nhà nước huyện chuyển tiền mới tiến hành chi hỗ trợ...
"Hỗ trợ người dân phải bằng trái tim"
Tối 1/11, tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười đề nghị, việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 cần phải hành động bằng trái tim, bởi trong lúc này người dân đang gặp nhiều khó khăn cần được quan tâm, hỗ trợ kịp thời.
Ông Hồ Văn Mười yêu cầu, việc thực hiện chi trả phải khoa học, không máy móc, trên tinh thần dân chủ, công khai minh bạch. Các sở, ngành, địa phương liên quan cần làm tròn trách nhiệm, tránh tình trạng bị động trong việc chi tiền hỗ trợ cho các đối tượng. Việc chi tiền hỗ trợ cho các đối tượng đã được phê duyệt phải hoàn thành vào ngày 5/11.
Trước đó, tại cuộc họp về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông sáng 1/11, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh cũng nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nhanh các chính sách hỗ trợ người khó khăn.
Trước thông tin một số địa phương thực hiện chậm hỗ trợ người dân do bị ảnh hưởng từ Covid-19, ông Ngô Thanh Danh đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH tham mưu ngay, trong tuần đầu tiên của tháng 11 phải thực hiện xong các chính sách hỗ trợ người lao động khó khăn.
"Việc chậm hỗ trợ cho người dân là vô cảm, là thiếu đạo đức. Nghe dự án vào là chạy liền, nhưng cái này thì làm rất chậm. Chúng ta phải chủ động, nắm bắt khó khăn của người dân để có phương án hỗ trợ, không thể để ngành lao động đơn độc thực hiện được", ông Ngô Thanh Danh chỉ đạo.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông nhấn mạnh, ngoài phê bình cá nhân, sở ngành, địa phương chậm triển khai chính sách hỗ trợ người khó khăn thì sẽ có biện pháp xử lý, kỷ luật cá nhân, tổ chức cố tình không triển khai việc hỗ trợ theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND các cấp.
Trước đó, tại buổi làm việc với tỉnh Đắk Nông, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, tiến độ triển khai các chính sách hỗ trợ của tỉnh vẫn còn chậm. Đặc biệt trong quá trình triển khai, mới chỉ có sự vào cuộc của ngành Lao động- Thương bình và Xã hội.