"Đừng để người lao động hết khó khăn mới nhận được hỗ trợ!"

Đặng Dương

(Dân trí) - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội ghi nhận việc tỉnh Đắk Nông thẳng thắn nhìn nhận những bất cập dẫn tới chậm triển khai Nghị quyết 68 tại địa phương.

Ngày 27/10, Đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội do ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông về tiến độ tiến độ triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ.

Vướng mắc khi xác định lao động tự do

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông, triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP (NQ68) và Nghị quyết 126/NQ-CP (NQ126), tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 33.450 người/hộ với số tiền chi trả hơn 19 tỷ đồng. Trong số này, những người được hỗ trợ chủ yếu là lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và giảm mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động.

Riêng đối tượng lao động tự do, tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt hơn 4.000 hồ sơ, nhưng có địa phương vẫn chưa được phê duyệt trường hợp nào.

Đừng để người lao động hết khó khăn mới nhận được hỗ trợ! - 1

Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB & XH làm việc với UBND huyện Đắk Mil.

Giải thích về việc số lượng lao động tự do được nhận hỗ trợ còn thấp, đại diện huyện Đắk Mil cho biết, việc xác định đối tượng lao động tự do vẫn còn vướng mắc nên địa phương này mới xác định được khoảng hơn 1.200 trường hợp và UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ với hơn 500 người.

"Chúng tôi kiến nghị có quy định cụ thể về lao động tự do là đối tượng làm việc trong ngành nghề, trường hợp nào để thuận lợi trong việc thống kê, rà soát…", đại diện UBND huyện Đắk Mil cho biết.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Viết Nam - Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông cũng cho rằng, cần xác định rõ như thế nào là lao động tự do.

Theo ông Nam, hiện tại, tỉnh Đắk Nông vẫn đang thực hiện hỗ trợ người dân theo NQ68. Một số nội dung của Nghị quyết 68 vừa được Chính phủ sửa đổi, bổ sung bằng NQ126 để giải quyết những vướng mắc về khái niệm "lao động tự do" và "hộ kinh doanh".

"Theo tinh thần NQ68, một số đối tượng được xác định là lao động tự do và nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ người. Tuy nhiên, cũng là những đối tượng đó, theo tinh thần NQ126 lại là hộ kinh doanh và được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3 triệu đồng/hộ. Từ đó phát sinh ra vấn đề phải xác định được đối tượng đó được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết nào", ông Nam trình bày.

Đừng để người lao động hết khó khăn mới nhận được hỗ trợ! - 2

Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đắk Nông thừa nhận, tiến độ triển khai NQ 68 vẫn còn chậm.

Làm việc với đoàn công tác, ông Hoàng Viết Nam nhìn nhận, tiến độ triển khai các nghị quyết của Trung ương tại tỉnh Đắk Nông vẫn còn chậm. Đắk Nông không phải tâm dịch, số lượng người lao động và người sử dụng chịu tác động của Covid-19 là ít hơn so với các địa phương khác thế nhưng đến nay số lượng đối tượng được nhận hỗ trợ vẫn thấp.

"Sở LĐ-TB&XH sẽ đôn đốc các địa phương để làm việc khẩn trương rà soát, thống kê để có số liệu chính xác nhất", Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đắk Nông nói.

"Không có quyền để người dân cùng cực thêm nữa!"

Ghi nhận tinh thần tích cực của tỉnh Đắk Nông trong quá trình triển khai NQ68 và một số chính sách khác của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên Trưởng Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, nhiều đơn vị chưa chủ động rà soát, đánh giá tình hình và hiểu được thực trạng khó khăn của người lao động.

Dẫn chứng tại Bình Dương, TPHCM, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho rằng, dù dịch bệnh căng thẳng, phức tạp nhưng các địa phương này đã ban hành chính sách trúng, đúng, giúp các đối tượng khó khăn nhanh chóng được hỗ trợ. Chính vì vậy, tỉnh Đắk Nông cần chủ động, chứ không chờ hướng dẫn của cấp trên, đặc biệt phải đề cao tính sáng tạo trong quá trình thực hiện.

Đừng để người lao động hết khó khăn mới nhận được hỗ trợ! - 3

Các thành viên trong đoàn công tác đóng góp ý kiến cho tỉnh Đắk Nông trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ.

Theo ông Vũ Trọng Bình, Chính phủ và các cơ quan Trung ương họp bàn rất nhiều, chỉ mong sao người lao động sớm thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhưng chính sách về địa phương lại thực hiện rất chậm. Đến tận hôm nay, số lượng người khó khăn của tỉnh Đắk Nông chưa được hưởng chính sách vẫn còn nhiều.

"Danh sách người lao động khó khăn làm lâu rồi nhưng vẫn ở trạng thái… chờ phê duyệt. Chậm trễ như vậy ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người lao động. Chúng ta không có quyền để người lao động phải rơi vào cảnh cùng cực", Cục trưởng Cục Việc làm nhấn mạnh.

Đừng để người lao động hết khó khăn mới nhận được hỗ trợ! - 4

Cục trưởng Cục Việc làm nhấn mạnh tại buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông: Đừng để hết khó khăn người lao động mới nhận được tiền hỗ trợ!

Về cách triển khai NQ68, ông Vũ Trọng Bình nhận xét, tỉnh Đắk Nông đang thiếu một phương pháp phù hợp và chưa chủ động bám sát doanh nghiệp, đối tượng cần hỗ trợ.

"Không thể đưa chính sách ra và ngồi đợi hồ sơ đến, như vậy là thiếu tính xung kích, thiếu năng động. Tôi nhận thấy, Sở LĐ-TB&XH đang đơn độc trong quá trình triển khai các nghị quyết. Việc này cần sự vào cuộc thực sự, mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị. Nếu như triển khai chính sách chậm, qua thời điểm khó khăn rồi mới hỗ trợ người lao động thì không còn ý nghĩa nữa", ông Vũ Trọng Bình nêu quan điểm.