Không đặt cọc tiền đi thực tập, xoá giấy ghép “con”, 57.000 người đi XKLĐ
(Dân trí) - Theo Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), qua 6 tháng đầu năm, 57.424 lao động đi XKLĐ. Cũng trong 6 tháng qua, 3 sự kiện lớn trong lĩnh vực XKLĐ đã diễn ra là Hội nghị chấn chỉnh công tác XKLĐ, ký kết Bản ghi nhớ thực tập sinh kỹ năng với Nhật Bản và kỳ thi tiếng Hàn.
Khảo sát của Cục Quản lý lao động ngoài nước cho thấy, số liệu 57.424 lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có 21.249 lao động nữ) tăng 6,08 % so với cùng kỳ năm 2016, tương đương với 3.293 người.
Chi tính riêng tháng 6/2017, các doanh nghiệp XKLĐ đã đưa 13.090 lao động đi làm việc ở nhiều thị trường lao động nước ngoài, như: Đài Loan: 5.691 lao động (2.080 lao động nữ), Nhật Bản: 5.755 lao động (2.021 lao động nữ), Hàn Quốc: 818 lao động (37 lao động nữ), Ả rập - Xê út: 514 lao động (465 lao động nữ)…
Trong tháng 3/2017, một sự kiện lớn trong lĩnh vực XKLĐ là Hội nghị nâng cao chất lượng đưa lao động đi hoạt động theo nước ngoài theo hợp đồng do Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức. Tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định từng bước sẽ loại bỏ các thủ tục rườm rà hay “giấy phép con” trong lĩnh vực XKLĐ.
Đồng thời, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cũng cam kết sẽ rà soát và kiên quyết xử lý nghiêm doanh nghiệp có nhiều vấn đề nổi cộm, bớt đi những lời kêu cứu của người lao động khi tham gia XKLĐ, tránh để một số nhỏ doanh nghiệp làm sai ảnh hưởng tới những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và uy tín.
Thí sinh làm thủ tục dự kỳ thi tiếng Hàn tháng 6/2017.
Trong tháng 6, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ ký với phía Nhật Bản về Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC). Đây cũng là bản thỏa thuận đầu tiên giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Nhật Bản về lĩnh vực cung ứng thực tập sinh. Đồng thời, Bản thỏa thuận trên cũng là văn bản pháp lý đầu tiên Chính phủ Nhật Bản ký với các nước cung ứng thực tập sinh tới Nhật Bản.
Bản MOC có nhiều điểm có lợi cho người lao động VN, như: Thời hạn thực tập của thực tập sinh Việt Nam được nâng từ 3 năm lên 5 năm, mở rộng ở lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm và chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, doanh nghiệp đưa thực tập sinh sang Nhật Bản không được phép thu tiền đặt cọc của người lao động.
Cũng trong tháng 6, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Kỳ thi tiếng Hàn Quốc năm 2017 có hơn 16.800 thí sinh tại 3 cụm thi là: Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM, để chọn ra gần 3.000 người.
Trong năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổ chức 1 kỳ thi tiếng Hàn với 2 đợt thi như sau: Đợt thi tiếng Hàn các ngành sản xuất chế tạo, xây dựng và ngư nghiệp, tổ chức trong tháng 6 với chỉ tiêu tuyển chọn là 1.500 người cho ngành sản xuất chế tạo, 500 người ngành xây dựng và 800 người ngành ngư nghiệp. Đợt thi tiếng Hàn trên máy tính ngành nông nghiệp tổ chức vào đầu tháng 8/2017 với chỉ tiêu tuyển chọn là 800 người.
Hoàng Mạnh