Khoảng 500.000 công nhân, người lao động ở lại Bình Dương ăn Tết

Trung Kiên

(Dân trí) - Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên khoảng 500.000 công nhân, người lao động ở lại Bình Dương ăn Tết, tăng gấp đôi so với dự thống kê khi chưa ghi nhận lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Khoảng 500.000 công nhân, người lao động ở lại Bình Dương ăn Tết - 1

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, qua thống kê sơ bộ cho thấy, đến nay địa bàn tỉnh có khoảng 500.000 công nhân lao động sẽ ở lại Bình Dương ăn Tết để chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trước đó, khi chưa xảy ra dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, số công nhân, lao động ở lại dự báo chỉ khoảng 250.000 người ở Bình Dương. UBND tỉnh Bình Dương và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chi theo kế hoạch hỗ trợ được khoảng 22.000 người lao động khó khăn.

Đến nay, số công nhân lao động quyết định ở lại Bình Dương tăng gấp đôi, số công nhân, người lao động gặp khó khăn cũng tăng rất cao nên ngoài các chương trình hỗ trợ theo kế hoạch đã định sẵn, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đang vận động các doanh nghiệp cùng chung tay chia sẻ với người lao động dịp Tết Nguyên đán.

Sau 2 ngày vận động, LĐLĐ đã tiếp nhận được hơn 3 tỷ đồng, gồm tiền mặt và quà tặng từ doanh nghiệp. Số tiền, quà vận động được sẽ phân bổ trao tặng cho khoảng 10.000 đoàn viên công đoàn, công nhân lao động ở các doanh nghiệp, người lao động xa quê gặp khó khăn ăn Tết tại Bình Dương và đội ngũ nhân viên y tế và nhân viên phục vụ tại các khu cách ly trong dịp Tết.

Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương - cho biết, số tiền này sẽ chuyển đến tận tay người lao động một cách nhanh nhất, giúp người lao động đón một cái Tết tại Bình Dương no đủ và nghĩa tình. Hoạt động này sẽ vừa giúp cho công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện tốt hơn, vừa đảm bảo nguồn lao động ổn định cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất sau Tết Nguyên đán.

Khoảng 500.000 công nhân, người lao động ở lại Bình Dương ăn Tết - 2

Người dân trong khu cách ly được phục vụ miễn phí các loại thực phẩm thực thiết yếu.

Ghi nhận tại địa bàn TP Thủ Dầu Một, sau khi nơi đây mở rộng phong tỏa cách ly một số khu vực trên địa bàn phường Phú Hòa nâng số hộ dân được cách ly lên 1.800 hộ với khoảng 3.500 người.

Nhiều đơn vị, cá nhân đã liên hệ với UBND phường đề nghị tiếp tế các mặt hàng nhu yếu phẩm, lương thực giúp người dân trong khu vực cách ly. Đồng thời, chính quyền cũng thông báo đến các hộ dân, ai cần gì ghi vào giấy chuyển ra cho lực lượng cắm chốt sẽ mua giúp hoặc khi có hàng hỗ trợ sẽ chuyển vào cho bà con.

Chị Nguyễn Thanh Tuyền (công nhân ở trong khu phong tỏa) cho biết, trong khu có nhiều người từ các tỉnh đến đây sinh sống và làm công nhân. Thời điểm mới bị cách ly, công nhân chưa được nhận lương nên cuộc sống khá khó khăn, tuy nhiên sau đó được chính quyền quan tâm, hỗ trợ nên ai cũng yên tâm.

"Tới thời điểm này không có khó khăn gì chỉ bất tiện là không được ra ngoài, cơ bản ai cũng hiểu cách ly thì phải chấp nhận. Cuộc sống đã ổn định, không lo lắng nhiều nữa. Ai cũng mong Bình Dương hết dịch để yên bình như trước", Chị Tuyền chia sẻ.

Theo lời kêu gọi của Thành đoàn TP. Thủ Dầu Một, khoảng 50 đoàn viên công đoàn từ khắp nơi trong tỉnh tình nguyện tham gia ở các chốt trực khu cách ly, qua đó giúp ghi chép số quà tài trợ, cũng như giúp đỡ các hộ dân mua sắm vật dụng thiết yếu khi cần. 

Khoảng 500.000 công nhân, người lao động ở lại Bình Dương ăn Tết - 3

Cây ATM gạo được đặt trong khu vực bị phong tỏa để phục vụ người dân, công nhân lao động trong thời gian bị cách ly.

Hiện một đơn vị hỗ trợ khu vực phong tỏa 10 tấn gạo và 1 máy ATM gạo. Theo đó, máy ATM gạo miễn phí này sẽ được đặt ngay khu vực chốt trực đường Trần Văn Ơn - Phú Lợi để cung cấp gạo cho người dân.

Một "Gian hàng 0 đồng" cũng đặt tại đây để phục vụ nhiều mặc hàng nhu yếu phẩm thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày, như: Dầu ăn, đường, nước tương, nước mắm, rau, củ, quả.

Ngoài việc mở "Gian hàng 0 đồng", Thành đoàn TP Thủ Dầu Một còn mang thực phẩm đến tại nhà cho những hộ dân, công nhân có hoàn cảnh đặc biệt không thể đến, người tàn tật, người neo đơn có hoàn cảnh khó khăn.