Khó như tinh giản biên chế

Kể từ khi đổi mới đến nay, không lĩnh vực nào “khó xử lý như tinh giản biên chế”. Đó là nhận định của một chuyên gia có gần 40 năm nghiên cứu về quản lý nhà nước về tiến trình 15 năm thực hiện tinh giản biên chế.


Từ năm 2000, trước thực tế bộ máy quản lý nhà nước cồng kềnh, kém hiệu quả trở thành rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã bắt đầu thực hiện tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

Đặc biệt, từ năm 2007 đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm xây dựng bộ máy nhà nước gọn nhẹ, hiệu quả đã được ban hành. Bộ Nội vụ cũng từng đặt mục tiêu tinh giản 100.000 biên chế, với quyết tâm đưa ra khỏi biên chế những người chưa đạt trình độ chuẩn; cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, những người không hoàn thành nhiệm vụ do năng lực chuyên môn, nghiệp vụ yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm…
Hiện có khoảng 30% công chức, viên chức không làm việc hoặc làm việc kém hiệu quả.
Hiện có khoảng 30% công chức, viên chức không làm việc hoặc làm việc kém hiệu quả.

Quyết tâm là vậy, nhưng hiệu quả đạt được ra sao? Thực hiện Nghị định 132/2007/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế, đến nay, cả nước vẫn còn khoảng 1,7 triệu viên chức và 525.500 cán bộ, công chức; bộ máy công quyền tại nhiều địa phương có xu hướng phình to.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là muốn tinh giản biên chế thì phải mô tả được cụ thể công việc của từng cá nhân trong cơ quan nhà nước, từ đó xác định rõ vị trí việc làm, hiệu quả công việc. Song vấn đề này, như chính Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Thái Bình thừa nhận là rất mới, rất khó và rất phức tạp.

Bộ máy công quyền phình to, nhưng lại phân bổ bất hợp lý khiến hiệu quả quản lý nhà nước chậm được cải thiện. Đơn cử, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không hề giảm; khai thác tài nguyên trái phép diễn ra khắp nơi… vẫn là vấn đề nóng. Nguyên nhân được chỉ ra là do thiếu lực lượng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Vậy một bộ phận công chức, viên chức nhà nước khác làm gì nếu không phải là “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”? Tình trạng “người nhà nước” trong “tám giờ vàng ngọc” lượn lờ cà phê, quán xá không còn là cá biệt. Tại Hội nghị Tổng kết của Bộ Nội vụ năm 2012, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc dư luận xã hội phản ánh hiện có khoảng 30% công chức, viên chức không làm việc hoặc làm việc kém hiệu quả là đúng.

Theo tính toán, nếu tinh giản được số công chức, viên chức này, thì mỗi năm, ngân sách nhà nước tiết kiệm được 17.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần số tiền ngân sách nhà nước chi ra để nâng lương cho 3 nhóm đối tương thụ hưởng ngân sách năm 2015.

Kinh nghiệm các nước cho thấy, chỉ có nền công vụ “chuyên nghiệp - trách nhiệm - năng động - minh bạch - hiệu quả” thì mới có thể cải cách được thể chế - một trong ba nút thắt lớn nhất trong phát triển kinh tế - xã hội.

Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI vừa qua cũng đã khẳng định quyết tâm: “Phấn đấu tạo sự chuyển biến rõ rệt trong tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút được người có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức và đơn vị công lập và các tổ chức chính trị - xã hội”.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu trong năm 2015 phải có ít nhất 70% cơ quan, tổ chức nhà nước xây dựng được Danh mục Vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo ngạch; sửa đổi, bổ sung và xây dựng được 100% chức danh và tiêu chuẩn công chức; xây dựng và thực hiện cơ chế đào thải, giải quyết cho thôi việc và miễn nhiệm công chức không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật...

Quyết tâm chính trị nhằm xây dựng một bộ máy quản lý nhà nước gọn nhẹ, hiệu quả đã rõ. Vấn đề còn lại là các biện pháp cụ thể và hành động thực thi của ngành Nội vụ và cả hệ thống chính trị, cùng với đó là chế tài xử lý vi phạm một cách nghiêm ngặt.

Nếu không, tinh giản biên chế vẫn chỉ là một viễn cảnh xa vời.
Theo Báo Đầu Tư