1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động cổ cồn

Đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn, nhiều công ty, doanh nghiệp trong nước đang lựa chọn giải pháp thu hẹp hoạt động kinh doanh song song với việc cắt giảm lao động. Giới cổ cồn cũng đang phải đối mặt với nguy cơ bị sa thải.

Nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động cổ cồn - 1
Nhiều công ty chứng khoán không sa thải, nhưng giảm lương đến mức người lao động phải tự xin nghỉ. (ảnh minh họa).
 
Một kỹ sư người Mỹ đang làm việc tại doanh nghiệp có quy mô khá lớn ở Sài Gòn từng được tổng giám đốc đích thân mời về đầu quân. Mức lương mà anh nhận được vào khoảng vài ngàn USD, bên cạnh chính sách trợ cấp của công ty.

 

Thế nhưng, vào một ngày của tháng 7/2011, vị tổng giám đốc âm thầm gọi anh lên để nói lời xin lỗi và đề nghị anh chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn. Lý do khá cũ mà bao nhiêu doanh nghiệp khác khi cắt giảm nhân viên đều đưa ra: công ty phải thu hẹp hoạt động và buộc phải cắt giảm nhân sự. Tuy công ty sẵn sàng bồi thường theo đúng luật lao động nhưng vị kỹ sư này rơi vào trạng thái bị sốc và tự ái.

 

Với người nước ngoài, việc bị sa thải là điều khủng khiếp và anh này nói rằng thật khó có thể chia sẻ chuyện này với vợ con. Nhưng sau đó, vị kỹ sư 40 tuổi này hiểu rằng bối cảnh công ty khó khăn là có thật. Không riêng anh, một số vị lãnh đạo khác cũng nằm trong diện bị cắt giảm.

 

Một doanh nghiệp xây dựng khá lớn ở Hà Nội cũng thực hiện đợt cắt giảm nhân sự lên tới cả trăm người. Anh Thảo, kỹ sư thiết kế chia sẻ, cũng may trước đó công ty có nói xa nói gần đôi chút nên một số người đã sớm chủ động ra đi tìm con đường riêng.

 

Một đợt cắt giảm nhân sự đáng chú ý trong tháng 8 là ở công ty TNHH viễn thông An Bình (ABTel) – đơn vị sở hữu thương hiệu điện thoại Việt Q-Mobile. Nhiều nhân viên ở một số bộ phận bán hàng, kinh doanh... của công ty này bị đưa vào nhóm tinh giảm biên chế.

 

Một nhân viên truyền thông của Q-Mobile cho biết chính sách “tái cấu trúc ABTel” được hãng đưa ra từ đầu năm và đến tháng 8 bắt đầu triển khai trên cơ sở giảm số lượng nhưng tăng chất lượng nhân lực.

 

Tại công ty cổ phần Hà Nội - Sài Gòn, cũng đã có rất nhiều lao động mới bị cắt giảm. Công ty này mới đây đã giảm số nhân viên làm việc thường xuyên từ 50 xuống còn 10 người. Văn phòng công ty này cũng được cắt ra hai khu vực - một để làm văn phòng, ngăn còn lại được đem cho thuê.

 

Ông Cao Duy Phong, giám đốc công ty nói rằng, bất cứ doanh nghiệp lớn hay nhỏ, giai đoạn khó khăn sẽ phải xây dựng chiến lược tổng thể hơn, trong đó có việc bố trí nhân lực, cơ cấu lại danh mục đầu tư. Do đó, việc sa thải những lao động làm việc kém hiệu quả được xem là tất yếu sẽ xảy ra.

 

Theo ông này, “những người được giữ lại trong doanh nghiệp đều là nhân viên năng động có đóng góp tốt cho công ty và chúng tôi sẵn sàng tăng lương và áp dụng chính sách đãi ngộ thoả đáng”.

 

Theo Hà Nguyễn

SGTT