Quảng Nam:

Khó khăn vẫn phải duy trì việc làm cho người lao động

Công Bính

(Dân trí) - Theo Sở Lao động-Thương binh & Xã hội Quảng Nam, tình hình lao động, việc làm dịp cuối năm có khó khăn nhưng các doanh nghiệp tại địa phương không cắt giảm lao động nhiều như một số tỉnh thành khác.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 9.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho 240.000 lao động. Các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực may mặc, dệt nhuộm, da giày, xây dựng, công nghiệp ô tô, điện tử, dịch vụ du lịch, sản xuất đồ uống. Trong đó, lao động làm việc trong lĩnh vực may mặc, dệt nhuộm, da giày chiếm 31,25%.

Khó khăn vẫn phải duy trì việc làm cho người lao động - 1

Dù bị ảnh hưởng do khó khăn chung nhưng số lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bị giảm việc, mất việc không nhiều (Ảnh minh họa: Công Bính).

Sau đại dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường. Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực may mặc, dệt nhuộm, da giày ký được nhiều đơn hàng đến hết năm 2022 và có nhu cầu tuyển dụng khoảng 10.000 trong năm 2023.

Gặp nhiều khó khăn nhất vẫn là các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch, dịch vụ, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 từ năm 2020 đến nay.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh có 36 doanh nghiệp tổ chức cho người lao động nghỉ việc luân phiên và chấm dứt hợp đồng lao động do thiếu việc làm ảnh hưởng đến gần 8.300 lao động.

Cụ thể có hơn 4.500 lao động nghỉ việc luân phiên và hơn 3.700 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Nguyên nhân cắt giảm lao động, việc làm trong các doanh nghiệp do ảnh hưởng của khủng hoảng năng lượng, lạm phát, xung đột vũ trang khu vực, diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên thế giới.

Mặc khác các doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng xuất khẩu bị đối tác cắt giảm đơn hàng, đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào nên hoạt động sản xuất gặp khó khăn, người lao động thiếu việc làm phải cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động, giảm giờ làm.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, một số doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường, đối tác mới để bảo đảm việc làm, giữ chân người lao động; một số doanh nghiệp có kế hoạch tổ chức, bố trí lại sản xuất phù hợp với tình hình.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp thường xuyên tổ chức đối thoại, thông tin cho người lao động nắm bắt kịp thời những biến động về tình hình sản xuất, kinh doanh, thị trường lao động, việc làm trong nước và thế giới để người lao động cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.