Khai giảng chương trình đào tạo nghề cho sinh viên, giảng viên nước ngoài

Nguyễn Vy Tùng Nguyên

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng nhận định "Chương trình lưu chuyển giáo dục nghề nghiệp ASEAN - Hàn Quốc" có ý nghĩa quan trọng trong mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Sáng 9/8, Trường Cao đẳng Xây dựng TPHCM đã tổ chức lễ khai giảng "Chương trình lưu chuyển giáo dục nghề nghiệp ASEAN - Hàn Quốc" (TVET), ngành công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc củng cố hợp tác giáo dục nghề nghiệp giữa các quốc gia trong khối Asean và Hàn Quốc.

Khai giảng chương trình đào tạo nghề cho sinh viên, giảng viên nước ngoài - 1

Lễ khai giảng "Chương trình lưu chuyển giáo dục nghề nghiệp ASEAN - Hàn Quốc" sáng 9/8 (Ảnh: Nguyễn Vy).

Phát biểu tại lễ khai giảng, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết: "Quan điểm chiến lược của Việt Nam đặt ra đến năm 2030 coi phát triển Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để phát triển nguồn nhân lực".

Theo Thứ trưởng, các mục tiêu phát triển GDNN trong thời gian tới là tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại; chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; một số cơ sở GDNN tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20…

Chương trình lưu chuyển GDNN ASEAN - Hàn Quốc là một hoạt động hợp tác giữa ASEAN và Hàn Quốc, giúp tăng cường các tiêu chuẩn trong lĩnh vực GDNN, hướng đến tăng khả năng so sánh giữa các ngành, lĩnh vực GDNN thông qua bảo đảm chất lượng và di chuyển sinh viên nội khối.

Chương trình này giúp giảm khoảng cách cung - cầu kỹ năng nghề ưu tiên trong ASEAN. Qua đó, tăng cơ hội thực tập GDNN xuyên biên giới, trao đổi học thuật và thiết lập các trình độ chung, các chương trình đào tạo nghề mới giữa các nước thành viên.

Khai giảng chương trình đào tạo nghề cho sinh viên, giảng viên nước ngoài - 2

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Lê Tấn Dũng (Ảnh: Nguyễn Vy).

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết: "Bộ LĐ-TB&XH rất hoan nghênh sáng kiến này và đã có chủ trương ủng hộ việc triển khai tại Việt Nam".

"Chương trình lưu chuyển GDNN ASEAN - Hàn Quốc là minh chứng thực tiễn sinh động trong tiến trình tham chiếu và công nhận lẫn nhau về trình độ theo Khung tham chiếu trình độ ASEAN, bao gồm mục đích thúc đẩy dịch chuyển lao động; thúc đẩy và khuyến khích sự lưu động của lĩnh vực giáo dục và người học; các hệ thống trình độ được hiểu biết tốt hơn và có chất lượng cao hơn; nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình học tập lẫn nhau giữa các quốc gia", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao Chương trình lưu chuyển GDNN ASEAN - Hàn Quốc ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng của Trường Cao đẳng Xây dựng TPHCM.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh: "Tôi đề nghị nhà trường từ kinh nghiệm khóa lưu chuyển trước, tập trung tổ chức thật tốt, vừa đáp ứng về chuyên môn vừa bảo đảm an toàn cho tất cả giáo viên và sinh viên trong suốt khóa học tại Việt Nam.

Không chỉ trao đổi học thuật và tập nghề mà coi đây là cơ hội để nhà giáo và sinh viên các nước bạn được trải nghiệm đời sống văn hóa tinh thần, lan tỏa hình ảnh tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam, góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa các thành viên trong Cộng đồng ASEAN".

Khai giảng chương trình đào tạo nghề cho sinh viên, giảng viên nước ngoài - 3

Ông Nguyễn Bá Khiêm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng TPHCM, giới thiệu về chương trình (Ảnh: Nguyễn Vy).

Ông Nguyễn Bá Khiêm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết chương trình nhằm tăng cơ hội thực tập giáo dục nghề nghiệp xuyên biên giới, học nghề, trao đổi học thuật và thiết lập các trình độ chung, các chương trình đào tạo nghề mới giữa các nước thành viên Asean.

 "Ngoài kiến thức chuyên môn, các thầy cô và các em sẽ được tìm hiểu, khám phá văn hóa, ẩm thực, con người và đất nước Việt Nam xinh đẹp và mến khách. Qua đó, chúng ta sẽ hiểu nhau nhiều hơn và cùng góp phần xây dựng một khối Asean đoàn kết và phát triển hơn trong tương lai", Hiệu trưởng nhà trường nói.

Về phía Hàn Quốc, ông Dong-Hycuk Lee, đại diện KCCI, chia sẻ rằng chương trình có 15 sinh viên, 11 giảng viên đến từ các nước Đông Nam Á tham gia.

Các học viên sẽ ở đây 3 tháng để tham gia học tập và thực tập. Ông kỳ vọng rằng các sinh viên tham gia chương trình sẽ đạt những trải nghiệm thú vị qua khoảng thời gian giao lưu, học tập tại Việt Nam.

Khai giảng chương trình đào tạo nghề cho sinh viên, giảng viên nước ngoài - 4

Đại diện 25 học viên đến từ 6 nước Đông Nam Á lên sân khấu gửi lời cảm ơn đến Chính phủ Việt Nam và nhà trường (Ảnh: Nguyễn Vy).

Chương trình đã được tổ chức từ tháng 1/2020, hướng đến mục tiêu chung là nâng cao chất lượng và cơ hội học tập nghề nghiệp.

Dự án do chính phủ Hàn Quốc tài trợ nhằm rút ngắn khoảng cách về năng lực nghề nghiệp giữa các quốc gia thành viên Asean thông qua việc thực hiện các chương trình lưu chuyển. Trong đó, dự án tập trung vào 5 lĩnh vực đào tạo gồm điện - điện tử, xây dựng công trình, ô tô, dịch vụ phục vụ khách hàng và du lịch, dịch vụ máy tính và thông tin.

Khai giảng chương trình đào tạo nghề cho sinh viên, giảng viên nước ngoài - 5

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo Trường Cao đẳng Xây dựng TPHCM và các đại biểu tham dự (Ảnh: Nguyễn Vy).

Chương trình đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, được đánh giá xếp hạng thứ nhất thuộc top 10 chương trình kiểu mẫu trong khuôn khổ dự án này.

Trường Cao đẳng Xây dựng TPHCM là đơn vị được Tổng cục giáo dục nghề nghiệp Việt Nam và Phòng Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc công nhận, chọn là nơi đào tạo cho các sinh viên, giảng viên đến từ 6 quốc gia Đông Nam Á.