Hương vị Tết nhà

Tết đang tràn lên Facebook, người bán hàng Tết đang ráo riết rao bán bánh chưng, mứt đặc sản gia truyền. Tết ùa về từ măng lưỡi lợn Lạng Sơn cho đến bánh nếp cẩm Vĩnh Long, lạp xưởng Thái Lan. Thời buổi bùng nổ thông tin và thương mại điện tử, dường như hương vị Tết muốn gì có nấy, không thiếu thứ gì, và người Việt thường nói tiếp theo câu "chỉ thiếu tiền".


Bánh tét cho ngày Tết

Bánh tét cho ngày Tết

Chợ Tết trên mạng quả thật không thiếu thứ gì, từ cái khăn trải bàn mới đến món giò me thơm nức tiếng của người Nghệ An nhờ họ đã có cuộc sống hiện đại hơn, vượt ra khỏi bếp nhà, từ 2 năm nay thành miếng ngon có danh hiệu trên bàn ăn của các gia đình khá giả ở Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn.

Món giò me được làm từ thịt bò non, gia vị rất sơ sài, chỉ chút muối và tiêu hột, rồi đem hấp cách thủy. Nhưng nếu ai đó ăn một lần sẽ rất khó quên hương vị tươi và ngọt của thịt non không bị gia vị lấn át. Giò me đang lấn át giò bò, chả lụa trên mâm cơm ngày Tết.

Tôi nhớ sau rất nhiều cái Tết phải tự làm từ món bánh quấn thừng bằng bột mì, rồi thả vào chảo mỡ, vui sướng với chiếc bánh hình thù như cái nơ xinh xinh, cắn giòn tan. Tôi cẩn thận bọc nó trong bao nylon để dành Tết mời khách. Một chảo bánh quấn thừng với một ít mứt dừa hoặc mứt gừng nữa là xong cái Tết khi chưa đi lấy chồng. Chị nào lấy chồng sớm sẽ phải tất bật với chảo nem rán, hoặc chảo to khìa hai, ba ký thịt heo vào chiều tối ngày ba mươi Tết.

Cả cơ quan chộn rộn chia từ chai nước mắm đến cân thịt heo. Nhớ hoài ánh mắt vừa mệt mỏi, vừa sung sướng vì đã hoàn thành nhiệm vụ của mấy anh chị bộ phận hành chính sau khi quay cuồng khắp các vùng quê tìm hàng hóa rẻ đưa về phố cải thiện Tết cho anh em cơ quan.

Bởi vậy mấy năm giữa thập niên 90, hàng hóa bắt đầu nhiều, chúng tôi đã vồ vập vào những cái Tết thực phẩm công nghiệp, tưởng như đổi đời. Nghĩ lại cũng vui, các bà, các chị làm văn phòng sung sướng lao đến những cái siêu thị đầu tiên và mua từ chả giò đến các loại thức ăn làm sẵn, đồ hộp để dành ăn tết, không phải đầu tắt mặt tối... lo Tết nữa.

Bây giờ nhớ lại vẫn thấy vui cái niềm vui hồn nhiên đó, vì sau những năm tháng khổ cực thời kinh tế bao cấp, thức ăn nhanh, thực phẩm công nghiệp như một dấu ấn của cuộc sống mới, rất khác, đang đến, và mọi người hồ hởi đón nhận như một niềm hy vọng. Rồi nó cũng qua nhanh. Thức ăn nhanh không hợp với người Việt. Các bà, các chị lại lao vào cuộc chiến chuẩn bị ăn Tết.

Mà sao bỗng thấy chuyện lo tết hôm nay rất giống năm xưa, khi cả cơ quan chia nhau về quê lùng thịt heo, dầu phụng, nước mắm đem ra thành phố. Năm nay, mở Facebook ra là thấy chị em văn phòng rao bán thực phẩm nhà làm, ở quê làm với khẩu hiệu hàng đầu "Hàng nhà làm, nhà trồng, đảm bảo sạch và an toàn".

Từ con gà được đảm bảo chỉ ăn thóc và bắp đến con heo nuôi trên núi và rau củ hái từ tầng thượng. Những đặc sản cũng vậy, tất cả đều phải có nguồn gốc từ nông thôn, với một niềm tin ngây thơ rất mong manh là được sử dụng thực phẩm sạch.

Bỗng thấy Tết thật sự là một giá trị lịch sử, chỉ chuyện ăn thôi đã luôn phản ánh nền kinh tế, tâm thái xã hội. Các bà nội trợ thông thái chia sẻ thông tin cách làm "nông dân tầng thượng", tức là trồng rau, nuôi gà trên sân thượng những ngôi nhà lầu để được ăn thực phẩm sạch. Ngày ngày, ngoài niềm vui làm nông, chụp ảnh thành quả lao động rồi chia sẻ trên mạng xã hội cũng khiến họ thấy rất vui.

Tết cứ dần đến, với tiết trời se lạnh, với sự đông đúc kéo dài mỗi buổi chợ. Hiếm có nhà nào tự làm mứt, làm bánh nữa. Nhà nhà lên Facebook mua mứt, mua bánh, mua gà thả vườn, mua đặc sản trên rừng, dưới biển... cũng là một đặc điểm thú vị của cái Tết Đinh Dậu để sau này nhớ lại có một cái Tết chúng ta đã vượt qua sự sợ hãi của thời thực phẩm tẩm hóa chất như thế!

Theo Doanh nhân Sài gòn