Những việc làm "hốt bạc" dịp Tết
(Dân trí) - Thị trường lao động dịp cân Tết tại TP HCM khá sôi động với dịch vụ dọn nhà, thậm chí nhiều đơn vị cung cấp đã "khóa sổ" không nhận thêm đơn đặt hàng. Đây cũng là cơ hội tạo thêm nhiều việc làm và "hốt bạc" của người lao động dịp cuối năm.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, đắt khách nhất vẫn là dịch vụ vệ sinh làm mới nhà cửa. So với năm trước thì giá năm nay tăng khoảng 10%, dù vậy các công ty cung cấp dịch vụ này hầu như đã kín lịch. Giá cả loại hình này phụ thuộc vào diện tích, kết cấu nhà với các mức giá trung bình như sơn nhà từ 30.000đ - 70.000đ/m2; làm sạch kính từ 20.000 - 50.000đồng/m2; lau chùi, hút bụi khoảng 70.000 – 100.000đ/giờ... hoặc khoán trọn gói từ vài triệu đến hơn chục triệu.
Không chỉ làm mới nhà cửa, các công ty còn cung cấp dịch vụ làm đẹp tư gia bằng cách trồng hoa, cây cảnh, thiết kế hòn non bộ...Theo chị Bình, nhân viên của một công ty cung cấp dịch vụ này ở quận 3 cho biết: “Những người chọn dịch vụ làm mới nhà không chỉ là giới khá giả mà những hộ trung bình cũng đăng ký vì hầu như họ không có thời gian để dọn dẹp nhà cửa khi Xuân về. Hiện nay, công ty đã ngừng nhận khách hàng vì nhân sự có hạn và đã kín lịch".
Xếp sau dịch vụ “làm đẹp” tư gia là dịch vụ giữ trẻ. Tại các trung tâm giới thiệu việc làm thời vụ dường như đã quá tải để cung cấp người giữ trẻ. Rút kinh nghiệm bị sếp và đồng nghiệp phàn nàn vì “tha” con vào cơ quan khi nhà trường cho nghỉ Tết sớm, chị Ngọc Hân (ngụ quận Tân Bình) đã “đặt hàng” một cô giữ trẻ với giá 350.000đồng/ngày. Một số chị em phụ nữ có con nhỏ nhưng gia đình neo người vào những ngày cận và sau Tết cũng phải quyết định “chi bạo” như chị Hân cho việc giữ trẻ.
Để tránh tình trạng "đầu tắt mặt tối" trong những ngày cuối năm, dịch vụ làm đẹp cũng bắt đầu bước vào mùa cao điểm. Các trung tâm làm đẹp thu hút khách hàng quảng cáo bằng chiêu “đếm ngược thời gian”, tính từng ngày cho thời điểm cuối năm và tung ra hàng loạt phiếu giảm giá từ 20-80%.
Sau hàng loạt vụ phát hiện thực phẩm không rõ nguồn gốc, hư thối, sử dụng hóa chất bảo quản và hết hạn, dịch vụ gói và nấu bánh tét, bánh chưng tại nhà cũng nhanh chóng lên ngôi. Gia chủ chỉ việc mua nguyên liệu, các công đoạn còn lại như phơi lá, làm nhân, gói bánh... đến cho thuê nồi nấu chuyên dụng, củi lửa đã có phía dịch vụ lo với giá từ 1 triệu đồng trở lên tùy số lượng bánh nhiều hay ít.
Bà Hoàng Thị Nga (ngụ quận 3) cho biết: “Từ đầu tháng 12 dương lịch, tôi đã phải về quê huy động bà con lên phụ giúp mới hy vọng đủ phục vụ cho Tết. Năm nay xu hương người dân đặt nguyên liệu và thuê đồ gói bánh trưng tại nhà tăng cao hơn so với năm trước”.
Chị Thanh Thảo (một khách hàng thân thiết của loại hình gói bánh tại nhà) chia sẻ: “Giá cả có hơi mắc một chút nhưng mình chọn được đồ ngon, đỡ mất thời gian gói ghém, chuẩn bị củi lửa và hơn hết là có không khí Tết khi cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa canh bánh. Mấy đứa con của tôi rất thích thú vì nấu bánh ngày Tết như chuyện lạ hiếm thấy của những đứa trẻ thời bây giờ”.
Nhiều dịch vụ mở ra cũng đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động vào dịp cuối năm. Đây xem như cơ hội kiếm tiền dễ nhất trong năm của họ. "Người ta mong chờ đến Tết để về quê xum họp cùng gia đình nhưng chúng tôi thì lại mong đến Tết để đi làm. Do đặc thù của công việc dọn dẹp, sơn sửa nhà cửa, vệ sinh hòn non bộ chỉ rộ lên vào cuối năm. Mỗi dịp Tết cũng kiếm được khoảng 20 triệu đồng", anh Vũ Thành Quý (quê Quảng Ngãi) tâm sự.
Trung Kiên
Tin liên quan:
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dự Phiên giao dịch việc làm thứ nhất năm 2017
Sáng ngày 10/1, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TBXH Hà Nội) đã tổ chức Phiên giao dịch việc làm thứ nhất năm 2017. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã đến dự và phát biểu khai mạc chương trình.
Tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, hoạt động giao dịch việc làm thông qua các phiên giao dịch việc làm định kỳ là hình thức tổ chức tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động trực tiếp gặp gỡ. Năm 2016, thị trường lao động dù có nhiều khởi sắc nhưng vẫn còn không ít khó khăn: Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên lên tới 7,1%, trên 200.000 sinh viên có trình độ từ đại học trở lên không có việc làm. Trong khi đó, Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của Cách mạng 4.0, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm cần tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tạo tiền đề cho lao động trẻ có điều kiện khởi nghiệp, tiếp cận việc làm bền vững, với phương châm “Khởi nghiệp và việc làm cho thanh niên là tiềm năng và động lực phát triển của đất nước”.
H.M
Lao động trẻ thích tìm việc trong khu vực nhà nước hơn doanh nghiệp
Đây là khảo sát về tình hình việc làm do Tổng cục Thống kê phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố tại Hà Nội. Theo đó có tới gần 2/3 sinh viên trong thích tìm việc làm ổn định trong trong khu vực nhà nước. Lý do bởi sự hấp dẫn của công việc ổn định.
Kết quả khảo sát tại Việt Nam được thực hiện qua 2 đợt với trưng cầu ý kiến của gần 5.000 thanh niên. Trung bình, sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học cần khoảng 7,3 tháng để tìm công việc đầu tiên, được cho là ổn định. Trong khi đó, lao động có trình độ trung học phổ thông cần thời gian tới 17,8 tháng để tìm được công việc ổn định. Khảo sát cũng cho thấy, một nguyên nhân có tính “cố hữu” được đưa ra khi đánh giá khả năng tìm việc làm của thanh niên là sự không phù hợp với yêu cầu công việc, chưa tận dụng hết tiềm năng lao động và việc làm chất lượng tương thấp đối. Khoảng 26% lao động trẻ có trình độ học vấn cao hơn yêu cầu công việc đang làm. Nhận định về điều này, đại diện Tổ chức lao động quốc tế tại VN cho rằng, điều này phản ánh doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng hết năng suất của nhiều lao động trẻ. Mặt khác, doanh nghiệp cũng khó có thể hoạt động ở mức năng suất lao động tối đa vì tuyển dụng lao động thiếu khả năng.
V.L